Nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Huy: "Hành trình mới của tôi bắt đầu từ việc đặt niềm tin đúng chỗ"
"Tôi biết đặt niềm tin đúng chỗ"
Lý do gì đã khiến ông, khi vừa rời cương vị giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận lời tham gia vào Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam của Medlatec?
Khi còn làm việc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam , tôi đã tổ chức triển lãm có nhan đề : "Từ Chi - nhà dân tộc học". Cuộc đời nhà khoa học này có nhiều điểm đặc biệt đến mức người ta gọi đùa ông là "người đứng ngoài lề xã hội". Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống gia giáo nhưng lại dám vượt qua dư luận để lấy một người con gái Việt lưu lạc tại châu Phi khi ông làm chuyên gia giáo dục tại châu Phi, làm Biên tập viên cho một tờ báo nhưng lại có rất nhiều nghiên cứu về ngành dân tộc học. Thế nhưng, sau khi mất, những tài liệu liên quan tới ông bị mất mát đi rất nhiều. Chỉ có một số ít được học trò của ông giữ lại trong các bao tải mà chẳng bao giờ mở ra. Nhờ thế, mà chúng tôi mới tổ chức được triễn lãm về ông.
Xã hội chúng ta đã và đang làm mất đi rất nhiều những tài liệu quý giá về những nhà khoa học như thế. "Làm thế nào để bảo tồn được những di sản của các nhà khoa học Việt Nam đương đại" - suy nghĩ đó của tôi không ngờ cũng là điều day dứt, sự tâm huyết của nhóm bác sĩ ở Medlatec. Khi tôi vừa nhận quyết định nghỉ hưu thì cũng là lúc chị Võ Ngọc Lan - giám đốc Medlatec, và là vợ một nhà khoa học mà tôi quý trọng - đến gặp, chia sẻ về ý tưởng xây dựng Trung tâm di sản tiến sĩ và mời tôi làm giám đốc chuyên môn...
Nếu tham gia vào dự án trên cũng là một cơ hội cho tôi góp phần gìn giữ lại những tư liệu quý giá của các nhà khoa học Việt Nam mà tôi coi đấy là những di sản của đất nước nhưng thú thật, ban đầu tôi cũng phân vân. Tại sao một công trình tôn vinh các Tiến sĩ, các nhà khoa học Việt Nam lại đặt ở Hoà Bình, một tỉnh miền núi xa xôi lại không hề có truyền thống về Tiến sĩ? Tại sao Medlatec lại bỏ tiền ra đầu tư vào dự án này?
Tuy nhiên, sau những lần trao đổi với những người thực hiện, xem xét dự án, tôi thấy các khúc mắc của mình dần dần được tháo gỡ. Tôi cũng đã giành nhiều ngày để tìm hiểu về Medlatec - công ty đã và sẽ đầu tư cho Trung tâm di sản tiến sĩ. Phong cách làm việc của Medlatec đã khiến tôi tin tưởng. Ở công ty này, từ lãnh đạo tới nhân viên, họ làm việc rất khoa học, nghiêm túc. Họ luôn tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ, luôn mong muốn bệnh nhân tin tưởng và tìm đến với họ.
Việc đặt ra những nghi vấn là việc cần thiết. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng cần phải biết đặt niềm tin vào những con người thực sự có tâm huyết.
Có lúc nào ông nghĩ tới chuyện, danh tiếng của gia đình và của chính bản thân ông sẽ bị ảnh hưởng nếu chẳng may Dự án này không thành công?
Tôi cũng có nghĩ tới điều này. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với gia đình mình thì tôi càng có thêm quyết tâm để thực hiện nó.
Trước đây, tôi cũng đã đứng trước nhiều sự lựa chọn khó khăn hơn lần này nhiều. Chẳng hạn như năm 1983, khi tôi đang làm phó viện trưởng Viện Dân tộc học thì đột nhiên được điều sang phụ trách việc xây dựng Bảo tàng Dân tộc học, khi mà nó chỉ nằm trên ý tưởng, đất xây dựng cũng chưa hề có. Rồi khi xin được mảnh đất ở đường Nguyễn Văn Huyên thì lại bị mọi người cho là điên rồ, ai lại đi xây dựng một cái Bảo tàng ở một nơi heo hút như thế; ngay những bảo tàng ở giữa trung tâm Hà Nội cũng chẳng có ai xem.
Đến năm 1986, năm được coi là đáy của cuộc khủng hoảng, đã có không ít ý kiến cho rằng nên thương lấy đất nước, bỏ cái dự án Bảo tàng Dân tộc học vô bổ ấy đi. Thế nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn âm thầm, lặng lẽ đấu tranh và kết quả là chúng ta đã có được một Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam như hiện nay.
Để xây dựng được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam như hôm nay, ông có phải hy sinh bản thân mình nhiều không?
Tôi đã giành hết tâm huyết, thời gian cho bảo tàng trong suốt những năm tháng làm việc ở đó. Mọi hoạt động ở đó, tôi đều suy nghĩ kỹ xem có nên làm không, làm thì được gì và có cách nào làm tốt hơn không. Từng việc nhỏ nhất như việc đóng đinh ở đâu trong các khu trưng bày, tôi cũng xem xét kỹ trước khi quyết định để đảm bảo cho công trình luôn sạch, đẹp. Thế nhưng việc trong gia đình, mọi việc từ nhỏ tới lớn, đều một tay vợ tôi lo cả...
Nói về thành công của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có người cho rằng, một phần vì ông đã rất biết cách quảng bá nó?
Marketing, xây dựng thương hiệu chỉ là cái bong bóng xà phòng thôi. Cứ đổ tiền vào xây dựng thương hiệu mà trưng bày không có chất lượng cao, không hấp dẫn, không phục vụ tốt nhu cầu tham quan của công chúng thì người ta cũng không tin. Họ có thể sẽ đến một vài lần đầu rồi sẽ không bao giờ trở lại. Tôi dám khẳng định rằng tôi tốn rất ít tiền cho khâu quảng bá, nhưng công chúng vẫn đến với Bảo tàng.
Có nhiều cách thức khác nhau để phát huy truyền thống của gia đình
Nếu vậy, tại sao ông lại không nối tiếp con đường giáo dục của cha mình?
Có rất nhiều cách thức khác nhau để phát huy truyền thống của gia đình. Hơn nữa, ông cụ tôi vốn không phải là người làm công tác giáo dục ngay từ đầu mà do được phân công. Tôi còn nhớ, vào các ngày Chủ nhật, ông cụ vẫn đều dành hết thời gian để xử lý những tài liệu liên quan đến chuyên môn dân tộc học. Ông cụ cũng đã định khi nghỉ hưu sẽ quay lại với niềm đam mê của mình nhưng mà rất tiếc là ông đã đi quá sớm.
Mọi người đều biết ông sinh ra trong một gia tộc rất danh giá. Vậy truyền thống gia tộc đó có tác động nhiều tới công việc của ông không?
Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy rằng, muốn làm tốt một cái gì đó thì nên bắt đầu từ những gì gần gũi nhất, thân thiết nhất đối với mình. Rất nhiều việc tôi làm trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều xuất phát bởi những nhận thức từ gia đình.
Trước đây, xã hội chưa có cái nhìn công bằng với những đóng góp của các gia tộc phong kiến cho đất nước. Ai mà nhắc tới dòng họ là sẽ bị nghĩ ngay tới bản vị. Tuy nhiên, thời đổi mới này, con người ta có xu hướng quay tìm lại gốc gác, nguồn cội của mình, yếu tố gia tộc được coi trọng hơn. Tôi đã nắm bắt được tín hiệu ấy của xã hội thông qua việc mẹ tôi, khi còn sống rất tha thiết với dòng họ Vi quê ở Lạng Sơn của mình, luôn luôn đau đáu với việc giữ gìn lại gia phả họ Vi. Vì thế, tôi mới nẩy ra ý tưởng cho tổ chức cuộc triển lãm trưng bày gia phả Việt Nam vào năm 2000.
Hay như ý tưởng cho cuộc triển lãm 100 năm đám cưới Việt Nam mà tôi nảy ra cũng từ việc những tấm ảnh cưới của những người trong gia tộc mình trước đây hàng nửa thế kỷ trước được giữ gìn cẩn thận như thế nào.
Quay trở lại với niềm đam mê mới của ông - Trung tâm di sản tiến sĩ do Công ty Medlatec khởi xướng và đầu tư - ông có tin đây sẽ là thành công tiếp tục của cuộc đời mình?
Như đã nói ở trên là tôi rất tin! Đặc biệt ngày 24/8 vừa qua, Medlatec đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng cố vấn cho Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ do GS.TS Phạm Minh Hạc làm chủ tịch. Qua các ý kiến phát biểu của các nhà khoa học có tên tuổi tham gia trong hội đồng lại càng củng cố hơn niềm tin cho tôi về sự thành công của dự án và cho quyết định đúng đắn của mình.
Xin cám ơn ông.
GS.TS Nguyễn Văn Huy sinh ngày 3/8/1945 tại Hà Nội. Ông là con của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và nữ hoạ sĩ Vi Kim Ngọc. Ông giữ vị trí giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Namvà Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam từ năm 1995 đến 2006. GS.TS Nguyễn Văn Huy đã nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học và nghệ thuật của Chính phủ Pháp. Ông cũng dành được giải thưởng folklore của Hội đồng Văn hoá châu Á, Mỹ (năm 2002) và Tổ chức hỗ trợ những người thợ thủ công, Mỹ (năm 2003). Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Namvà công viên Văn Miếu đương đại Việt Nam được xây dựng tại xã Bắc Phong, Cao Phong, Hoà Bình. Với diện tích 25ha, đây sẽ là một thư viện, một bảo tàng lưu giữ, cung cấp những thông tin về các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời cũng là một khu du lịch danh nhân, du lịch văn hoá, lịch sử. |