Nguyễn Đặng Minh Chánh: Phần thưởng lớn nhất là niềm tin yêu của bà con các dân tộc Tây Nguyên
Sinh ngày 26.8.1975, Nguyễn Đăng Minh Chánh hiện là nghiên cứu viên của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Những kết quả từ các đề tài nghiên cứu khoa học mà anh tham gia đã và đang giúp người trồng cà phê ở Tây Nguyên nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí. Song song với việc nghiên cứu, anh còn cùng bà con các dân tộc nơi đây xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mẫu, mang lại màu xanh tươi tốt và cuộc sống ngày một cao cho không ít bản làng. Dưới đây là cuộc trò chuyện ngắn cùng anh.
“Cơ duyên” nào đã đưa anh - một chàng trai Huế đến với vùng cao nguyên đầy nắng gió này?
Có lẽ là một chút phiêu lưu của tuổi trẻ và tình yêu với đất - tôi tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông Lâm Huế. Mặc dù có cơ hội ở lại Huế, song tôi vẫn quyết định “lên Tây Nguyên một chuyến” vì qua sách vở, vùng đất đỏ bazan màu mỡ thực sự rất hấp dẫn tôi. Ngay khi đặt chân lên Tây Nguyên, từ trong sâu thẳm trái tim, tôi đã có linh cảm đây là nơi để tôi “ươm mầm” những ước mơ của mình.
Xin anh cho biết đôi nét về những công trình nghiên cứu mà anh tham gia?
Ngay khi mới vào làm việc tại Bộ môn Hệ thống lâm nghiệp, tôi đã tham gia nghiên cứu “Xác định lượng nước tưới thích hợp cho một số dòng vô tính cà phê vối trồng trên đất đỏ bazan tại Đắc Lắc”. Đây là một phần trong đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ. Với người trồng cà phê thì nước là một vấn đề rất quan trọng và chiếm khá nhiều trong chi phí. Sau 5 năm, tôi cùng nhóm nghiên cứu, đặc biệt là anh Dave (nghiên cứu sinh người Bỉ), đã xác định được công thức tưới nước đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời tiết kiệm được 20% lượng nước tưới hàng năm cho cây cà phê trên toàn tỉnh Đắc Lắc. Kết quả của đề tài đã được chuyển giao cho gần 1.000 hộ nông dân trên các địa bàn trồng cà phê trọng điểm như: Krông Buk, Krông Păk, Cư M’gar, Krông Ana… Một phần kết quả của đề tài cũng đã được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín về nông nghiệp - Agricultural Water Management. Ngoài ra, tôi còn tham gia vào các đề tài như: Xác định mật độ và khoảng cách trồng thích hợp cho một số dòng vô tính ca cao có triển vọng (rút ra kết luận khoảng cách trồng 3x3 m có năng suất cao hơn 3x2,5 m); xác định chu kỳ tưới nước thích hợp cho cây hồ tiêu trồng trên đất đỏ bazan; nghiên cứu nâng cao hiệu quả sản xuất của các vườn cà phê vối bằng các giải pháp kỹ thuật tổng hợp. Từ những kết quả bước đầu của các đề tài, tôi cùng các đồng nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ca cao, hồ tiêu, cà phê vối. Đặc biệt, đã xây dựng được nhiều mô hình ghép cải tạo vườn cà phê vối kém hiệu quả bằng các dòng cà phê vối chọn lọc cho năng suất cao và ổn định tại các huyện Cư M’gar, Krông Buk, Ea Hleo (Đắc Lắc); huyện Di Linh (Lâm Đồng) và xã Chư Á, Chư Sê (Gia Lai). Chúng tôi cũng đã xây dựng được 2 mô hình cà phê chè hữu cơ tại Lâm Đồng và Đắc Lắc, 1 mô hình cà phê chè hiệu quả kinh tế cao tại Lâm Đồng. Kết quả cho thấy mô hình cà phê chè chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, còn mô hình cà phê chè đạt hiệu quả kinh tế cao cho lãi suất khá, khoảng 60-70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc xây dựng một số mô hình trồng xen cây che bóng trong vườn cà phê vối nhằm mục đích bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, tôi cùng các đồng nghiệp đều tâm niệm, tất cả những kết quả này còn rất nhỏ bé và mới chỉ là bước đầu, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu nhiều hơn để mang lại những kết quả tốt hơn, phục vụ thiết thực hơn cho đồng bào Tây Nguyên.
Hiện nay nhiều bạn trẻ không “mặn mà” lắm với lĩnh vực nông nghiệp, anh nghĩ sao về thực tế này?
Tôi không nghĩ như vậy, tôi thấy vẫn có nhiều bạn trẻ “đam mê” nông nghiệp đấy chứ, ngay như ở Viện tôi có nhiều bạn trẻ năng lực rất khá. Nước ta là nước nông nghiệp, nếu ai cũng thích kinh tế, tin học thì lấy ai giúp bà con nông dân? Đúng là làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vất vả thật. Bản thân tôi, ngoài lúc ngồi trong phòng nghiên cứu thì công việc của tôi cực không khác gì những người công nhân trồng cà phê, thậm chí vào vụ tưới tôi còn cực hơn họ nhiều, ngoài việc tưới nước tôi còn phải bấm đồng hồ đo lượng nước cho từng gốc cà phê dưới cái nắng 37oC, mùa nắng thì bỏng rát, mùa mưa thì chân tay dính đầy đất đỏ bazan. Một tuần tôi có ít nhất 3 buổi “nằm bản” với bà con. Nhưng làm nông nghiệp cũng có cái “thú” riêng. Mỗi buổi chiều, xong việc, ngắm nhìn những vườn cà phê mênh mông xanh tốt, ánh lên dưới hoàng hôn, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, mọi mệt mỏi đều được xua tan. Với tôi, những vườn cây xanh tốt và sự tin yêu của bà con dân tộc Tây Nguyên chính là phần thưởng lớn nhất, cao quý nhất.
Anh có thể cho biết mong muốn và một vài dự định sắp tới?
Tôi mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp, các nhà khoa học trẻ có nhiều cơ hội tham gia làm chủ nhiệm các đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước. Riêng tôi, sắp tới, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu học cao hơn, có thể là du học theo một suất học bổng chẳng hạn, để có thể mang kiến thức phục vụ nhiều hơn cho Tây Nguyên - vùng đất mà tôi đã coi là quê hương thứ 2 của mình.
Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học, số 4/2006.