NGƯT, PGS.TS Trần Thị Luyến - Người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Giỏi việc nước
Tốt nghiệp ngành Chế biến thuỷ sản (Đại học Thuỷ sản) năm 1974, kỹ sư Trần Thị Luyến được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Tính đến nay, bà đã có hơn 30 năm đứng trên bục giảng, đào tạo trên 100 lớp sinh viên chính quy và tại chức, với khoảng 6.800 kỹ sư đã tốt nghiệp ra trường. Dưới sự hướng dẫn của bà, đã có 12 sinh viên đoạt giải cao trong nghiên cứu khoa học, như các giải thưởng: Vifotec, các giải thưởng cấp bộ, cấp trường. Nhiều người đã và đang là các chuyên gia giỏi, hiện đảm nhận những cương vị lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh, hoặc trở thành những cán bộ, giảng viên giỏi.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài, dự án khoa học khác của TS Luyến như: Chế biến Surimi và các sản phẩm mô phỏng (2002), Nghiên cứu chế tạo sản phẩm carramin-P từ rong sụn để thay thế hàn the trong sản xuất giò, chả (2005), Một số đặc tính cơ bản của màng Polymer sinh học và chế tạo màng chứa đựng thực phẩm tự phân huỷ trong tự nhiên (2005), Nghiên cứu sản xuất chế phẩm hoạt động sinh học ở olygglucosamin từ Chitosan vỏ tôm, vỏ ghẹ (2005) vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa góp phần tạo ra các sản phẩm "sạch" khi ứng dụng vào đời sống.
Trong vai trò một nhà quản lý, dù là một Trưởng bộ môn, Chủ nhiệm khoa hay một Phó Hiệu trưởng, bà cũng đều chăm chút cho thế hệ kế tiếp, xây dựng một chiến lược phát triển với tầm nhìn xa rộng cho đơn vị. Từ khi còn là một Chủ nhiệm khoa, bà đã mạnh dạn xây dựng chương trình và lập kế hoạch đào tạo thạc sỹ ngành Chế biến thuỷ sản trong điều kiện thiếu cả về nhân lực cũng như cơ sở vật chất, xây dựng nội dung chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho ngành này và ngành công nghệ thực phẩm. Bà cũng là người có công đầu trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình và đưa vào giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành Chế biến thuỷ sản. Từ năm 1990 đến 1998, tập thể khoa Chế biến thuỷ sản do bà đứng đầu luôn là tập thể vững mạnh, đoàn kết, đạt nhiều thành tích trong giáo dục và đào tạo. Từ chỗ toàn khoa chỉ có 2 TS (1994), đến nay đã có 8 TS, 40 ThS chuyên ngành, đảm bảo đáp ứng ngày càng cao về số lượng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo cho ngành chế biến thuỷ sản ở Việt Nam. Tập thể khoa Chế biến thuỷ sản của Trường đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Từ năm 1998, bà được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng phụ trách 3 mảng: Khoa học - công nghệ, Hợp tác quốc tế và Sau đại học của Trường, công việc bề bộn nhưng bà đã khéo thu xếp nên các mảng công việc đều đạt hiệu quả cao: Công tác hợp tác quốc tế của nhà trường đã được nâng cao ở một tầm mới, đặc biệt là các dự án, chương trình hợp tác với nước ngoài đều đạt hiệu quả cao như dự án Nufu, chương trình Pháp ngữ (từ năm 2000, Trường đã được đứng trong khối các trường sử dụng tiếng Pháp, một chương trình Pháp ngữ chế biến thuỷ sản đang được mở ra và phát huy hiệu quả tốt, với hàng chục cán bộ được cử đi đào tạo ở nước ngoài hàng năm, nhiều trang thiết bị nghiên cứu và đào tạo được bổ sung); về khoa học và công nghệ, từ việc chuyển giao những công nghệ vào thực tiễn, chất lượng đào tạo và uy tín nhà trường ngày càng được nâng cao; về công tác đào tạo sau đại học của Trường, số cán bộ giảng dạy có trình độ ThS, TS từ 17% năm 1997 nay đã tăng lên 50%.
Đảm việc nhà
Hoàn cảnh gia đình của bà cũng khá đặc biệt, chồng bà - một Nhà giáo ưu tú, cùng giảng dạy ở Trường Đại học Thuỷ sản, từ năm 1996 bị tai biến mạch máu não nhiều lần, bị liệt nửa người từ năm 2003. Suốt nhiều năm qua, ông sống được là nhờ vào sự chăm sóc chu đáo của bà và gia đình. Mẹ bà tuổi cao, sức khoẻ yếu, hai con đều đi học và đi làm ở xa (con trai là cán bộ ngành bưu chính viễn thông đang du học ở Úc, con gái sau khi tốt nghiệp ThS loại giỏi tại Anh, hiện đang là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) nhưng bà đã vượt lên hoàn cảnh, tự vươn lên hoàn thành tốt công tác chuyên môn, đồng thời chăm sóc các thành viên trong gia đình rất tận tình, chu đáo.
Với những thành tích do kiên trì phấn đấu, vươn lên của mình, bà đã được tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý: Nhà giáo ưu tú (2002), Huy chương vì sự nghiệp KH&CN (2003), Giải thưởng Kovalepxkaia (2003), Huân chương Lao động hạng Ba (2003),… và hiện nay bà đang được Chính phủ xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Bà là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và con cái noi theo… Bà tâm sự, trong 30 năm qua tôi thấy rằng, muốn hoàn thành tốt công việc thì phải biết hy sinh, có kế hoạch và đi trước một bước, chịu khó và biết tổ chức nghiên cứu. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, xin chúc bà luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thêm nhiều nghị lực để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ nước nhà.
Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học số 03/2006