Nguồn sáng tạo của một đảng viên trẻ
Trong phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo hướng tới tương lai", do Bộ Khoa học- Công nghệ và Môi trường và Trung ương Đoàn TNCSHCM tổ chức hồi cuối năm 2002. Người đảng viên 36 tuổi ấy và nhóm kỹ sư trẻ chế tạo máy ở Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang đã đạt giải A với các ý tưởng nghiên cứu chế tạo dây chuyền sản xuất dược phẩm trên lò nhỏ. Cuối trưa rồi mà Nguyễn Trung Nghĩa vẫn chưa rời xưởng. Khi tôi đến, anh và các cộng sự vẫn đang mải mê nghiên cứu các sơ đồ thiết kế máy bao phin (năng suất 80kg/mẻ). Các kỹ sư ở đây cho biết giá chế tạo tại chỗ chỉ khoảng 175 triệu đồng. Nếu mua ở TPHCM phải tốn khoảng 350 triệu đồng và nhập của Thái Lan giá lên đến 30.000 USD.
Nghĩa được sinh ra, lớn lên trong vùng giải phóng ở Thạnh Hòa (Phụng Hiệp - Hậu Giang). Từ nhỏ, cậu bé Nghĩa đã bộc lộ niềm đam mê với các loại máy móc. Không chỉ ngắm nhìn mà hễ có dịp là Nghĩa tháo rời từ cái radio đến xe đạp để tìm hiểu cấu tạo kỹ thuật. Tháng 10 năm 1975, Nghĩa qua Vĩnh Long học trường Thiếu sinh quân của tỉnh. Đến giữa năm 1976, Nghĩa chuyển qua học phổ thông cơ sở ở phường 8. Năm 1982-1983, Nghĩa được vào học lớp chuyên toán của tỉnh tại trường phổ thông trung học Lưu Văn Liệt (Vĩnh Long). Năm 1985, Nghĩa được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa TPHCM, theo học ngành chế tạo máy (khoa cơ khí). Sau 5 năm miệt mài học tập, tháng 11-1990 Nghĩa tốt nghiệp và vào công tác tại Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang với nhiệm vụ vận hành, bảo trì các thiết bị sản xuất dược phẩm như: máy ép vỉ tự động, máy đóng nang (capsule) tự động.
Khoảng năm 1995, thị trường dược phẩm có nhu cầu sản xuất thuốc ép vỉ bấm có cắt hờ nhưng các máy của xí nghiệp lúc đó không có lắp thêm bộ phận này (do giá thành quá cao - gần 200 triệu đồng). Sau nhiều ngày nghiên cứu, suy nghĩ, Nghĩa và một số anh em ở bộ phận vận hành thiết bị đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng chế tạo thử bộ phận này và được Ban Giám đốc chấp thuận. Để có được phác thảo bản vẽ chi tiết kỹ thuật, lên phương án, đi tìm nguyên liệu để gia công lắp đặt mới chiếc máy có bộ phận cắt hờ, trước đó Nghĩa đã đến tham quan một đơn vị bạn ở TPHCM, cố gắng ghi vào đầu những điều cần thiết khi quan sát. Sau đó về nhà, việc đầu tiên là tất tả phác thảo bản vẽ chi tiết. Hơn 2 tháng thực hiện, đến giờ phút vận hành thử - rủi thay cái máy vẫn chưa chịu "nghe lời" anh, còn nhiều khiếm khuyết như độ rung làm ảnh hưởng đến dung sai của vỉ thuốc, vì vậy đường cắt hờ chưa đều... Lại thêm 2-3 đêm trằn trọc, cuối cùng Nghĩa cũng tìm ra cách khắc phục với kết quả rất tốt: cho ra sản phẩm đạt yêu cầu của xí nghiệp với chi phí chỉ khoảng gần 10 triệu đồng. Đây là công trình đầu tay của Nghĩa và anh em đứng máy lâu năm đã tạo ra và cũng là một trong những đề tài mà anh tâm đắc nhất do kết hợp từ những kiến thức của nhà trường với những kinh nghiệm tích lũy sau gần 5 năm làm việc tại xí nghiệp.
Từ thành công này, được sự động viên, khuyến khích thường xuyên của Ban Giám đốc xí nghiệp, Nghĩa đã liên tục học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm để liên tiếp trong những năm tiếp theo đều có những đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, không phải nhập của nước ngoài mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Những lúc quá khó khăn, anh lại chạy tìm thầy, bạn bè cũ nhờ giúp các thiết bị tương thích... Đầu năm 1997, khi xí nghiệp xây dựng theo tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), Nghĩa được đề bạt làm Phó Quản đốc Phân xưởng Điện máy. Và vinh dự lớn nhất sau bao năm phấn đấu miệt mài đã đến với Nghĩa: anh được kết nạp vào Đảng.
Từ 1997 đến nay, anh và đồng sự thường xuyên được cử đi tham gia nhiều Hội chợ Thương mại quốc tế ở TPHCM. Trong những dịp này, Nghĩa có lúc gần như nhịn ăn cả ngày để nghiên cứu kiểu dáng, mẫu mã mới của các thiết bị ngành dược, nắm rõ các thông số kỹ thuật, nguyên lý vận hành, giá cả của thiết bị... Nhờ đó, anh đã cùng các đồng sự chế tạo, cải tiến thêm hàng chục máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất thuốc chất lượng cao cho Dược Hậu Giang như: máy đóng gói thuốc bột (2.500 gói/giờ), máy đóng gói thuốc nước, máy sửa - xát hạt, máy trộn lập phương (200kg/mẻ và 600kg/mẻ), máy bao phim (80kg/mẻ), bộ hệ thống lọc gió cung cấp cho máy sấy tầng sôi (10.000m3/giờ lưu lượng gió - độ sạch 96% theo tiêu chuẩn GMP) và hệ thống lọc gió cung cấp cho máy bao phim (3.000m3/giờ lưu lượng gió - độ sạch theo tiêu chuẩn GMP 99%), máy ép vỉ xé, dây chuyền sản xuất thuốc viên hạt cải (pellet), dây chuyền sản xuất thuốc trên lò nhỏ... với mức làm lợi cho xí nghiệp ước tính đến hàng tỉ đồng. Không chỉ say mê sáng tạo cho Dược Hậu Giang, Nghĩa còn nghiên cứu, chế tạo một số máy móc, thiết bị theo yêu cầu của Ban giám đốc nhằm hỗ trợ các xí nghiệp bạn ở TPHCM các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như máy bao phim, sửa - xát hạt, trộn lập phương, đóng gói thuốc bột... góp phần nâng cao lợi nhuận cho xí nghiệp. Được biết, lãnh đạo Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng bằng khen cho anh.
Nghĩa tâm sự: "Cái may mắn của tôi là luôn được Ban giám đốc và tập thể anh em trong phân xưởng quan tâm, tin tưởng, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khơi nguồn sáng tạo". Còn theo nhận xét của nhiều anh em trong xí nghiệp, dù là "cây đinh" của phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhưng trong quan hệ với anh chị em Nghĩa luôn trầm tĩnh, khiêm tốn, thể hiện tình đoàn kết, thân ái... Những yếu tố đó đã giúp Nghĩa đào tạo được lực lượng kế thừa có trình độ chuyên môn cao như: kỹ sư Nguyễn Quang Xuân, kỹ sư Nguyễn Văn Tân.
Mười ba năm hăng say lao động, giờ đây với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, Nghĩa có thể ổn định cuộc sống cho gia đình với vợ và 1 con gái 18 tháng tuổi. Thế nhưng, người đảng viên, kỹ sư trẻ ấy vẫn còn trăn trở: "Ngành cơ khí chế tạo máy của thành phố mình còn lạc hậu, thiếu các thiết bị gia công đạt độ chính xác cao nên một số chi tiết máy phải thực hiện gia công trên TPHCM vừa mất thời gian mà giá thành lại cao. Vì vậy, mình thấy còn phải tìm tòi, học hỏi nhiều để góp một phần nhỏ lấp khoảng hẫng hụt này".
Nguồn: baocantho.com.vn 15/1/2006