Nguồn năng lượng vĩnh cữu
"Nó giống như một đống nhờn chuyển động quanh chiếc ghế băng của phòng thí nghiệm", chuyên gia nghiên cứu về các loại vật liệu Jeffrey Cheung thuộc Trung tâm nghiên cứu Rockwell Los Angeles (Mỹ) kể lại. "Tôi cứ nghĩ rằng có ai đó đã để hở bình xịt chống cháy hay đại loại vậy. Nhưng điều kỳ lạ là nó chuyển động theo mỗi bước chân của tôi".
Một tai nạn…may mắn
Đó là một ngày không thể quên được trong sự nghiệp khoa học của ông Cheung. Ông đã thực hiện một cách rất tình cờ những thí nghiệm với sắt lỏng. "Nó như một định mệnh vậy."
Ngày hôm đó nhà khoa học đã phạm phải hai lỗi, nhưng lại là hai hành động quyết định cho thí nghiệm xảy ra. Việc thứ nhất là ông đã đánh mất một thanh nam châm mà mình lấy từ một đồng nghiệp, ông định sử dụng nó cho thí nghiệm. Việc thứ hai là ông đã làm tràn ra một lượng nhất định chất lỏng rớt xuống chiếc ghế băng của phòng thí nghiệm. Lượng chất lỏng này nhanh chóng chuyển hoá thành một lớp nhờn màu nâu đỏ.
Và chuyện gì đã xảy ra? "Khi đó phòng thí nghiệm giống như hiện trường một vụ án vậy. Phản ứng xảy ra và mọi thứ trở nên hỗn độn". Nhưng sự bình tĩnh khoa học đã khiến ông Cheung làm một việc với người thường có thể hơi điên khùng: vớ lấy giấy và bút chì để ghi lại những ý tưởng xuất hiện trong đầu. "Có lẽ tôi đã viết kín hai trang giấy".
Khối kim loại mà Cheung miêu tả chính là miếng nam châm ông đánh rơi mà không biết. Nó được bọc ngoài một lớp sắt lỏng. Sắt ở thể lỏng là dạng đơn giản của các phân tử hạt nano mang từ tính. Đổ một chút sắt lỏng lên nam châm, chúng sẽ tự động di chuyển về hai cực của nam châm và bám chặt vào đó. Hiện tượng này giống như khi người ta mài một thanh sắt vào một miếng nam châm.
Khoảnh khắc Eureka của nhà khoa học Cheung xuất hiện khi ông nhận ra rằng sắt lỏng có thể hoạt động như một chất bôi trơn cực kỳ hiệu quả, như vậy có nghĩa là ứng dụng của nó rất đa dạng. Và một trong những điều ông ghi lại được là ý tưởng sử dụng nam châm bọc sắt lỏng làm phần lõi của máy phát điện. Máy phát điện đó sẽ không cần nguồn vào mà chỉ cần những chuyển động đơn giản là có thể hoạt động.
Ứng dụng đa dạng
Sau khi thử nghiệm và công bố nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu của ông Jeffrey Cheung đã được sự hậu thuẫn ngay lập tức của Cơ quan nghiên cứu các dự án phòng thủ tối tân Pentagon. "Tôi cần thử nghiệm với những điều kiện cho phép tao ra các chuyển động ngẫu nhiên tự do hơn và sinh năng lượng lớn hơn" - ông Cheung nói. "Đó chính là những ngọn sóng biển. Chúng luôn luôn thay đổi". Hiện nay, nhóm của ông Cheung đang thực hiện thí nghiệm tại vùng biển California cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hải dương học thuộc Viện nghiên cứu Scripps La Jolla. "Đích đến của chúng tôi là xây dựng những trạm năng lượng trên biển", Jeffrey Cheung khẳng định.
Tuy nhiên, mới đây nhà khoa học này cũng đã thành lập một công ty riêng với ý định áp dụng thành công của mình cho những sản phẩm thực tế hơn. "Pin tự nạp năng lượng hay những chiếc điện thoại di động có thể để chế độ standby không giới hạn… Tất cả chỉ cần bạn lắc món đồ của mình một chút, nó sẽ tự tạo ra điện năng".
Nguồn: sgtt.com.vn,09/05/2006