Người y tá “chiến đấu” với hủ tục"
"Bóng ma" hủ tục
Bản Hổi Ke có 87 hộ với 556 nhân khẩu, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, một năm chỉ có một vụ lúa, vì vậy cuộc sống của bà con ở đây rất nghèo. Ở nơi rừng sâu núi thẳm, "cái điện, cái nước" còn thiếu thốn chứ đừng nói tới tờ báo và các chương trình ti vi. Vả chăng nếu có thì tìm mỏi mắt cũng chẳng ra người biết chữ để đọc. đã bao đời nay, tập quán sinh hoạt hay những kiến thức mới của bà con chuyển biến rất ít và chậm. Mặt trời tắt nắng cũng coi như lúc tắt cái đèn khổng lồ soi sáng nơi đây, đàn ông đi làm về là tụ tập uống rượu đến khuya. Phụ nữ, người già, trẻ em đã rục rịch chuẩn bị chìm vào giấc ngủ dài. Họ gần như chẳng có một chút kiến thức gì về việc bảo vệ sức khoẻ, sự hiểu biết về mọi bệnh tật thì càng là con số không. Từ xa xưa đến nay vẫn vậy, với đa số bà con dân tộc, tất tật các triệu chứng bất thường, ốm đau đều do "con ma" nó gây nên. Nào ma rừng, ma làng, ma núi..., chỉ có thầy mo, thầy cúng và bùa ngải mới là phương thuốc cổ truyền hữu hiệu và gần như duy nhất. Người miền xuôi nếu không hiểu biết gì, họ còn phó thác cho bác sĩ, cho bệnh viện điều trị thì lại dễ dàng một nhẽ. Đằng này, "cái bụng" bà con nó vững như cái sông, cái núi, y bác sĩ của người dân tộc còn phải đến năn nỉ bệnh nhân cho phép điều trị, mà chưa chắc đã xuôi. Khi người nhà bị bệnh, họ mời thầy mo về bản, làm bò, lợn, gà cúng ngày này sang tháng khác. Hệ luỵ từ tập tục này là người dân vừa tốn tiền, tốn sức, mà bệnh nhân thì ngày càng nặng thêm.
Bên cạnh đó là những cái chết không đáng có vì hủ tục, thiếu hiểu biết, thiếu thuốc men ở bản làng. Phụ nữ đồng bào dân tộc còn mang nặng những hủ tục như sinh ngồi, sinh gần bếp, tắm ngay sau khi sinh... Cùng là người dân tộc, lớn lên và tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng không phải vì bệnh nặng mà do thiếu hiểu biết, tin ở thầy cúng, hơn ai hết, anh Phổng càng nuôi dưỡng mong muốn được cống hiến sức mình nhằm giảm bớt những hiểm hoạ cho bà con. Sau này trưởng thành và có cơ hội, anh Phổng liền lập tức gắn bó với trạm y tế xã, nơi trung chuyển trực tiếp những kiến thức khoa học, thuốc men và các phương pháp chăm sóc sức khỏe đầu tiên cho bà con dân tộc.
Anh Phổng cho biết: "Những năm trước đây, ý thức của bà con về phòng chống dịch bệnh chưa cao nên dịch bệnh thường xuyên đe dọa đến tính mạng của người dân. Mỗi đợt tiêm chủng, vận động mãi cũng chỉ được ít người mang con đi tiêm". Nhận công tác ở trạm y tế xã, việc đầu tiên anh làm là đến từng bản vận động bà con dân bản mỗi khi đau ốm nên đến chỗ anh để khám, chữa bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì được tiêm, phát thuốc còn bệnh nặng được sơ cứu kịp thời, sau đó chuyển lên tuyến trên, chứ không nên tin vào thầy cúng, thầy mo.
Tìm bệnh nhân mà chữa
Thấm thoát đã hơn hai mươi năm anh Phổng gắn bó với trạm y tế xã, từ khi mới chỉ là một gian nhà tranh vách đất liêu xiêu với những hàng chữ hết sức "lạ lẫm" với bà con dân tộc. Bác sĩ, y tá miền xuôi thì chỉ ngồi một chỗ là bệnh nhân tìm đến, còn hai mươi năm công tác ở trạm y tế xã của bà con dân tộc, đó là quãng thời gian anh Phổng cần mẫn như con ong rừng, ngày ngày cuốc bộ dưới cái nắng, cái mưa, cái gió, cái rét xẻ da cắt thịt của núi rừng Tây Bắc, mòn hàng chục đôi dép, vượt hàng nghìn vách núi, con suối, đến từng hộ gia đình để vận động, để tìm... bệnh nhân.
Có những người trong bản bị sốt rét đến rụng tóc, da nhợt nhạt nhưng chẳng biết đi khám, họ mời thầy mo về cúng suốt ngày đêm, có lúc đến cả tháng nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Rồi tập tục phụ nữ sinh con phải ở một mình ngoài rừng, không ít trường hợp sinh khó, để rồi dẫn đến nhiều cái chết của cả mẹ lẫn con... Anh Phổng sớm nhận thức được tác hại của những tập tục lạc hậu, nó như sợi dây vô hình trói buộc người dân bản với vòng luẩn quẩn của nghèo đói, bệnh tật.
Anh kể cho chúng tôi nghe cách đây 5 năm, trường hợp anh Hàng A Pao, sau khi đi rừng về bị mắc bệnh sốt rét nằm li bì suốt 3 ngày, gia đình mời thầy mo về cúng, thầy chẳng cần nhìn bệnh nhân đã phán liền: "Ây dà, thằng Pao này bị con ma rừng nó nhập đây. May mà tao đến sớm, để tao làm lễ đuổi nó đi là được mà". Rồi sau đó, thầy mo cho anh ta uống thuốc nam tự hái trong vườn nhưng anh Pao vẫn không hề khỏi bệnh, lại còn nguy cấp hơn. Anh Phổng biết chuyện liền tới kiên trì thuyết phục và giải thích, vận động gia đình đưa anh Pao đến trạm y tế xã. Ở trạm, được các y sĩ chăm sóc tận tình chu đáo nên sức khỏe của anh Pao nhanh bình phục. Sau đó anh Pao và người nhà rất biết ơn anh và cán bộ y tế.
Còn trường hợp chị Thào Thị Sua, sinh con đầu lòng, trong quá trình mang thai không đến trạm y tế để được khám thai định kỳ, khi đẻ chị lại đẻ ở nhà, gọi bà mụ đến đỡ, chị chuyển dạ hai ngày nhưng vẫn không đẻ được. Bà mụ loay hoay mãi chẳng xong, lại nhìn máu me đầy ra cũng hốt hoảng. Thấy nguy hiểm, anh Phổng đến và thuyết phục gia đình đưa chị đến bệnh viện, nhờ sự can thiệp của các y, bác sĩ, chị Sua đã được mẹ tròn, con vuông.
Lại có trường hợp bệnh nhân đau ốm quá nặng, không đi được, anh phải băng rừng, lội suối đến tận nhà. Anh Phổng chẳng thể quên chuyện cuối năm trước, anh vừa bưng bát cơm thì người nhà bệnh nhân đến tìm. Đường xa, mãi nửa đêm anh mới đến nhà bệnh nhân. Anh này đi rẫy bị sốt rét nhưng không được uống thuốc, chăm sóc vì gia đình cho rằng Giàng "quở phạt" nên mời thầy mo về cúng nhiều ngày, khiến cơ thể bị suy nhược nặng. Uống thuốc của anh, vài ngày sau, bệnh nhân đã khỏe lại, đi rừng đi rẫy bình thường.
Qua những trường hợp cụ thể cứ liên tục đến, ngày qua ngày, bà con bắt đầu tin lời anh, mỗi khi trong gia đình có người ốm đau đều đến gọi anh, trường hợp nào không xử trí được, anh cùng người nhà đưa bệnh nhân đến trạm y tế khám và điều trị kịp thời.
"Cuộc chiến" nhà vệ sinh và kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ)