Người Việt tài trí: Người thầy của các nhà sử học
Khi cùng TS Lê Xuân Kiêu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) bắt tay vào biên soạn cuốn Học giả Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Văn học - Trung tâm VHNN Đông Tây, 2014), chúng tôi nhận thấy: Cuộc đời và sự nghiệp của Đào Duy Anh là hành trình đi từ tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đến hoạt động khoa học. Đứng trước những vấn đề của thực tiễn văn hóa dân tộc, cũng như nhiều trí thức khác, khát vọng của ông là gây dựng được một nền văn hóa riêng cho dân tộc mình, một nền văn hóa có bản sắc, có khả năng thâu thái tinh hoa của các dân tộc khác nhau và nhất là phải độc lập trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với thế giới. Cả cuộc đời ông đã đeo đuổi, kiên trì và nhất quán cho sự nghiệp tinh thần đó với một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc cũng như con đường mình đã lựa chọn, cần cù lao động khoa học và với một tấm lòng yêu văn hóa dân tộc tha thiết, bất chấp những sóng gió trong cuộc đời mà không dễ gì có thể vượt qua.
Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh đã tổng kết đầy đủ và sâu sắc toàn bộ cuộc đời ông: “Cái khía cạnh chủ đạo là sự diễn biến tư tưởng của tôi từng bước đi vào chủ nghĩa Mác để lấy nó làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi hoạt động của tôi trong lĩnh vực nghiên cứu và tư tưởng, vì đời tôi thực ra không phải là một cuộc đời hoạt động chính trị, mà là cuộc đời tìm tòi và phục vụ về văn hóa của một người trí thức mà thôi”.
“Cua” giảng bài ấn tượng
Nhà hoạt động chính trị, nhà nghiên cứu Đào Phan (tức Đào Duy Dzếnh, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Huế), em trai út của GS Đào Duy Anh chỉ rõ, về những cống hiến của Đào Duy Anh ắt phải chú ý ngay rằng: Cuộc đời học thuật của ông không mở ra từ những văn bằng cao. Tám mươi tuổi, mặc dầu đã để lại cho đất nước nhiều công trình học thuật mang giá trị đặc biệt, GS Đào Duy Anh vẫn chỉ ghi trong gia phả của mình một văn bằng khiêm tốn thời Pháp là cao đẳng tiểu học. Nhưng bằng tự học, Đào Duy Anh đã thâu thái được những kiến thức của hai nền văn hóa Đông - Tây; tinh thông cả chữ Pháp và chữ Hán cổ, cũng như chữ Nôm của nước ta và chữ Trung Quốc ngày nay, lại vừa am hiểu cả sử học, triết học, văn học... của cả phương Đông và phương Tây từ cổ đại đến hiện đại.
Riêng về sử học, Đào Duy Anh gần như thuộc lòng. Bởi vậy, khi người viết bài này hầu chuyện PGS-NGƯT Nguyễn Xuân Nam (ĐH Sư phạm Hà Nội), người học trò 86 tuổi vẫn ấn tượng về “cua” giảng ban đêm hơn 60 năm trước ở Trường Dự bị ĐH Thanh Hóa. Ngồi học trên quả đồi thuộc huyện Thiệu Hóa, thầy Đào Duy Anh có một cái bàn, một phích nước và một ngọn đèn dầu. Các học trò: Trần Thanh Đạm, Phan Huy Lê, Phan Trọng Luận, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Văn Hoàn, Đặng Thanh Lê, Đặng Ngọc Dung... mỗi người một bàn.
“Thầy giảng về cổ sử.Thầy cứ nói, chúng tôi cứ ngồi ghi.Khi gió thổi tắt đèn thì anh Phan Sĩ Phiên là lớp trưởng ra thắp đèn lại.Một lần thế, thầy lại tiếp tục giảng.Giọng thầy trước như thế nào thì sau giống hệt như thế, cứ đều đều.Lần thứ hai, gió thổi tắt nữa, anh Phiên lại ra, thầy vẫn nói y hệt như thế, không có ảnh hưởng gì cả. Đến lần thứ ba, anh Phiên toan đứng lên, thầy bảo: Thôi, không cần phải thắp đèn nữa. Thầy vẫn tiếp tục giảng”, PGS Nguyễn Xuân Nam kể.
Lúc này, học trò mới phát hiện ra, thắp đèn chỉ để cho sáng chỗ thầy ngồi giảng, chứ không phải nhờ ánh đèn thầy mới giảng được bài. Bài giảng thầy đã thuộc nằm lòng, điều đó chỉ có ở người nắm vấn đề đến tuyệt đối. “Chú ý là thầy Đào Duy Anh không giảng hùng hồn. Thầy Trương Tửu giảng hùng hồn như có một đối tượng đang cãi mình ấy. Thầy Đào Duy Anh cứ đều đều nghe rất lạ lùng. Bài giảng nào cũng như vậy, đầy ấn tượng!”, PGS Nguyễn Xuân Nam nhớ lại
Tình thầy trò, cha con
Tháng 3.2004, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Đào Duy Anh.Đông đảo học trò cũ nhiều thế hệ về dự lễ. Nhiều người đã xúc động khi thấy GS-NGND Hà Văn Tấn dẫu phải đi xe lăn, tay run run viết kỷ niệm về người thầy của mình: “Rất ấm áp, không chỉ là tình thầy trò mà còn pha lẫn mối tình cha con”. Điều giản dị, sâu nặng đó có được vì GS Đào Duy Anh năm 1954 đã bước vào tuổi ngoài 50 và các học trò, đồng nghiệp trẻ của ông, người nhiều tuổi nhất như Đinh Xuân Lâm cũng kém ông 21 tuổi; còn như Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Hoàng Văn Lân, Phan Đại Doãn, Phan Văn Ban... kém/cách ông từ 30 tuổi trở lên. Họ là những môn sinh đã từng được thụ giáo ông, trước đó tại Dự bị ĐH và sư phạm cao cấp ở Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp (như Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê...), rồi tại ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp Hà Nội từ 1954 - 1956 (như Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Đại Doãn...)
Sau 1954, GS Đào Duy Anh được cử làm chủ nhiệm bộ môn cổ sử Việt Nam chung cho cả hai trường ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp Hà Nội. Chỉ với 2 năm giảng dạy, ông đã đào tạo được những thế hệ sử gia đầu tiên của nền ĐH Việt Nam độc lập. Nhiều người đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học giữ vai trò đầu ngành trong sự nghiệp phát triển nền sử học Việt Nam hiện đại, trong đó có “tứ trụ” của ngành sử học là GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm...
Vẩy bút làm mưa gió trên diễn đàn khoa học
Sự nghiệp khoa học của Đào Duy Anh bắt đầu từ năm 1930 khi ông rời con đường hoạt động chính trị (Tổng bí thư Đảng Tân Việt) mà chuyển sang nghiên cứu văn hóa. Hai bộ Hán - Việt từ điển (1931) và Pháp - Việt từ điển (1936) đã trở thành sách gối đầu giường của nhiều nhà nghiên cứu.Năm 1938, Đào Duy Anh cho trình làng cuốn Việt Nam văn hóa sử cương. 50 năm sau, GS-NGND Hà Văn Tấn đánh giá: “Quyển Việt Nam văn hóa sử cương viết năm 1938 là bộ sử toàn diện đầu tiên về văn hóa Việt Nam. Đáng tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một quyển lịch sử văn hóa Việt Nam nào khác; do vậy công trình của ông vẫn là độc nhất”. Và cho đến nay, hơn 70 năm, công trình này vẫn chưa dễ bị vượt qua!
Khi đứng trên bục giảng ĐH, trong 2 năm, Đào Duy Anh đã hoàn thành và công bố dồn dập nhiều công trình khoa học, đã vẩy bút làm mưa gió trên diễn đàn khoa học lịch sử Việt Nam. Hai bộ giáo trình: Lịch sử Việt Nam (1956) và Cổ sử Việt Nam (1956); Bộ Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957) gồm 4 tập: Nguồn gốc dân tộc Việt Nam; Vấn đề An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc; Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt; Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến. Tiếp theo là cuốn Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957) và viết lại giáo trình Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập).
Thôi công tác giảng dạy ở trường ĐH, Đào Duy Anh chuyển sang Viện Sử học làm công tác hiệu đính. Con chim tinh vệ họ Đào (bút danh của Đào Duy Anh là Vệ Thạch) tiếp tục nhỏ từng giọt máu để ngậm đá lấp biển học mênh mông: Đất nước Việt Nam qua các đời (1964); Từ điển Truyện Kiều (hoàn thành 1965, xuất bản 1974); chữ Nôm (nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến - 1989)... và chú giải, hiệu đính hàng vạn trang sách trong những bộ sử được dịch ra tiếng Việt...
Đào Duy Anh (1904 - 1988) - nhà sử học, từ điển học, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam sinh tại Thanh Hóa, tác giả của những công trình lịch sử, văn hóa có giá trị. Ngoài ra, ông còn hiệu đính, biên dịch, chú giải: Lịch triều Hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Thánh Tông di thảo, Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử kí toàn thư, Nguyễn Trãi toàn tập, Đại Nam nhất thống chí, Binh thư yếu lược - phụ Hổ trướng khu cơ; Khóa hư lục (dịch), Sở từ (dịch), Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều... Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông được ghi tên vào bộ từ điển Larousse (Pháp) với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại. |
“GS Đào Duy Anh, người thầy của những thế hệ sử gia đầu tiên được đào tạo từ nền ĐH Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945”. (GS- NGND Phan Huy Lê)“Chúng ta đã mất đi một nhà bách khoa, một nhà văn hóa lớn. Đóng góp của ông cho văn hóa dân tộc thật là lớn lao”. (GS-NGND Hà Văn Tấn) “Đào Duy Anh là đệ nhất từ điển gia, là nhà văn hóa, nhà học giả Liên Đa Xuyên ngành”. (GS Trần Quốc Vượng) |