Người tìm ra bí quyết nuôi tạo ngọc trai đen
Ông là Trần Doãn Thiện, hiện cư ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ông kể từ những năm 1949-1957, ông công tác tại bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, vì vậy có dịp tiếp xúc với nhiều ngư dân. Trong một lần cùng anh em lặn, mò trai về nấu cháo, ông tình cờ nhặt được một viên ngọc trai trắng đẹp long lanh.
Từ đó, giấc mơ nuôi tạo ngọc trai luôn ám ảnh ông. Nhưng mãi đến năm 1985 khi đã nghỉ hưu, ông mới dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu nuôi cấy ngọc trai.
Ông cùng những người bạn trẻ đào ao nuôi trai, tập cấy ghép nhân ngọc. "Hồi đó, mặc dù rất khó khăn và hầu như không có gì chắc chắn, vừa nghiên cứu, nuôi trai, tập cấy ngọc... chúng tôi phải ăn mì tôm để sống. Đôi lúc khó khăn quá tôi phải bán nốt chiếc xe máy duy nhất trong nhà để trang trải chi phí. Mọi người cho chúng tôi là “hâm”..., thế nhưng khi ấy bác cháu vẫn rất lạc quan và tin mình sẽ nuôi tạo ra được ngọc..." - ông Nguyễn Quốc Thịnh, hiện là giám đốc Công ty Lâm Anh, chuyên về thương mại và sản xuất ngọc, cho biết.
Sau nhiều lần trầy trật với chuyện làm ngọc, cuối cùng nhóm ông Thiện cũng đã cấy ghép nhân thành công. Ngọc trai trắng do nhóm của ông làm đã trở nên ổn định, sắc nét và bán ra được thị trường.
Ông Thiện nhớ lại: "Một lần sang Pháp tìm hiểu về ngọc, tôi thấy những viên ngọc trai đen rất đẹp, loại ngọc này có giá cao gấp 4-5 lần loại ngọc trai trắng cùng cỡ. Tìm hiểu tại sao lại có giá chênh lệch như vậy, ông mới vỡ lẽ ngọc trai đen đắt là do... hiếm. Về nước, ông lại lao vào nghiên cứu để tìm ra công nghệ nuôi tạo và sản xuất ngọc trai đen.
Ngọc trai đen và các loại ngọc trai trắng do ông Trần Doãn Thiện nuôi cấy - Ảnh: T.T.D. |
Một lần, ngồi than thở với vợ, ông bỗng thấy vợ mình rất có duyên với hàm răng đen hạt huyền lấp lánh. Ông chợt ngộ ra: răng cũng được cấu tạo bằng canxi, hạt ngọc trai cũng có thành phần tương tự, vậy thì có thể nghĩ cách thay đổi màu cho hạt ngọc từ khi bắt đầu nuôi cấy. Viên ngọc đẹp hay không sẽ tùy thuộc áo trai làm tế bào ngọc, lớp áo này sẽ tạo nên những tinh thể thuần nhất.
Tạo màu sắc cho trai có liên quan mật thiết đến gen và môi trường sống. Một lần nữa, sau 10 năm lặn lội, miệt mài, ông tạo ra được hạt ngọc hắc trân châu (ngọc trai màu đen) từ loại trai lứa (Sinanodonta jourdyi)lấy giống từ Lâm Đồng.
Thức ăn để nuôi trai cũng được ông nghiên cứu một cách công phu, được chế biến từ một loại lá của cây sồi (loại lá người xưa dùng để nhuộm vải, lụa đen) rồi ông dùng vảy cá lóng lánh như cá diếc, cá chép... phơi khô, tán nhuyễn thành bột trộn với thức ăn để ngọc được tạo thành có độ bóng, đẹp. Thời gian từ lúc cấy nhân đến khi cho ngọc là hai năm, một viên ngọc đen 13-14 mm có giá 1.000-2.000 USD.
Nghe tin VN nuôi tạo được ngọc đen, rất nhiều chuyên gia của Nhật, Pháp, Đài Loan, Trung Quốc đại lục... kéo đến nhà ông tham quan. Người nào cũng thán phục và trầm trồ với viên ngọc trai đen tuyền, ông cũng nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác làm ăn với số tiền lên đến hàng triệu USD... Thế nhưng cũng chính các chuyên gia lại một lần nữa ngạc nhiên khi thấy ông từ chối và cho rằng không thể hợp tác vì đây là "bí mật quốc gia”.
Vậy mà với bà con trong nước, ông lại nói rất chân tình: “Sẽ hướng dẫn bất kỳ người nào có tâm huyết và nguyện vọng nuôi trai màu lấy ngọc mà không lấy một đồng nào”. Quả thật, từ vài năm nay ông đã hướng dẫn rất nhiều chủ trại nuôi ngọc ở TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bến Tre.
Riêng đối với bí quyết công nghệ của ngọc “hắc trân châu”, ông nói: cũng sẽ truyền nghề cho những người tâm huyết mà ông cảm thấy tin tưởng. Tuy nhiên, những người được chọn phải là những người dùng công nghệ để làm giàu cho chính bản thân, tuyệt đối không được bán công nghệ ra nước ngoài.
Nguồn: Tuổi Trẻ 3/5/3006