Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 08/05/2006 14:54 (GMT+7)

Người thức với mặt trời đêm: Kỷ niệm về TS. Bùi Ngọc Trác

Nếu có cỗ máy thời gian cho tôi lùi lại quá khứ khoảng 35 năm, lùi vào những đêm mùa thu năm 1970, hẳn là tôi sẽ trông thấy bóng một người đọc sách thâu đêm dưới ánh đèn che hình chóp nón, bên cửa sổ ký túc xá của Đại học Tổng hợp Hà Nội một thời. Người ngồi đó, mải mê đọc và viết, như quên cả thời gian, chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc làm bạn đồng hành trong cuộc viễn du tới bình minh.

Lúc đó, chúng tôi là sinh viên Khoa Văn mới nhập học. Đang thời kỳ tập quân sự, lớp chúng tôi phải thay nhau thức mà canh gác, tuần đêm. Trường nghèo, Khoa nghèo, chẳng có gì đáng ăn trộm và đáng phải canh gác. Chúng tôi chỉ còn mỗi một việc là đứng ngắm các thầy giáo thức khuya qua cửa sổ. Các cây đèn đọc sách của các thầy đều được che chắn cẩn thận để tập trung ánh sáng. Có thầy dùng ánh sáng điện, có thầy dùng đèn dầu hỏa. Đèn gì thì đèn, mỗi thầy cũng chỉ có một mảnh ánh sáng hình tròn, đường kính một mét. Chúng tôi vác súng đi qua đi lại, đổi gác nhiều lần, trời sắp sáng mà có một thầy vẫn thức. Cái vầng sáng hình tròn ấy cứ sáng mãi, như một mặt trời riêng.

Nhìn bóng ông thầy đọc sách thâu đêm ấy, tôi liền đồng nhất hình ảnh người đọc sách đêm với hình ảnh các giảng viên đại học. Cái nghiệp của người giảng viên đại học là vậy: sôi nổi, say sưa trên giảng đường nhưng lại âm thầm, cô đơn trong nghiên cứu. Chả lẽ làm giảng viên đại học là phải vậy ư ? Đang tuổi ăn tuổi ngủ, nên đám sinh viên năm thứ nhất chúng tôi cứ nhìn ông thầy đọc sách đó là lại ái ngại, lắc đầu thè lưỡi mà thề rằng: Xin chịu, chúng em không đủ gan theo con đường khoa học như thầy.

Người thầy đáng kính đó, đối với ngành Ngữ văn đại học và nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam, không phải ai xa lạ mà chính là Tiến sĩ nghệ thuật học Bùi Ngọc Trác.

Ai đã từng học thầy Bùi Ngọc Trác hẳn không thể quên đôi mắt trong lành, thẳm sâu đến quyến rũ của thầy. Nhiều nữ sinh viên dù biết thầy khi ấy đã có gia đình, vẫn nhìn trộm rồi thì thầm bình luận về ông thầy trẻ, "mắt bồ câu, râu xanh" Bùi Ngọc Trác. Quả là thầy có đôi mắt rất nét. Nét như mắt của một thục nữ. Nhưng, như để bổ khuyết cho hình thức giới tính ấy, Trời lại cho thầy một bộ râu quai nón xanh, dày. Vì phải liên tục cạo cho nghiêm chỉnh để giảng bài, bộ râu quai nón ấy cứ làm đôi má của thầy trước giờ lên lớp lại xanh ánh lên. Đúng là thứ màu xanh của thép không rỉ. Đúng là người đàn ông râu xanh. Sinh viên vừa nghe thầy giảng, vừa ngắm thầy. Giọng thầy nhỏ nhẹ, trầm lắng. thầy giảng càng say, lời thầy càng trở thành bài độc thoại nội tâm. Những lúc ấy thầy như quên tất cả sinh viên trước mặt. Thầy nói như cho chính mình nghe, nói cho đôi mắt mình cũng chuyển thành màu xanh. Có điều đó là màu xanh hồ nước. Rất sâu và rất mơ màng.

Một ngày nào đó chúng tôi phát hiện ra là dáng đi của thầy hơi bị lặc. Kèm theo đôi lần thấy thầy bị mệt giữa giờ, phải giải lao đột xuất, chúng tôi tò mò tìm hiểu mới biết rằng thầy là bộ đội chống Pháp, bị thương khá nặng. Biết tin này, mấy anh bạn hay bỏ học trong lớp tôi không bao giờ trốn học giờ thầy giảng nữa. Thương thầy là một phần, chủ yếu là họ muốn nghe thầy để hiểu thêm về sự thật cuộc kháng chiến chín năm mà người cha của họ từ đó đã thành thương binh, liệt sĩ. Giống như họ, tôi cũng cố lọc ra những chi tiết đời thường trong tâm sự của thầy về anh bộ đội Cụ Hồ “áo vải chân không” lùng giặc. Lúc bấy giờ có bao điều thơ ca không được nói, giáo trình chưa được phép viết.

Nhưng rồi tôi không có thời gian tìm kiếm sự thật kháng chiến chống Pháp qua lời thầy giảng. Tôi và nhiều bè bạn đã được dành cho cuộc chiến tranh khác: Đầu mùa thu năm sau, năm 1971, sau khi nhận điểm thi loại giỏi (5/5) môn Lý luận văn học thầy dạy, tôi lên đường nhập ngũ, vào chiến trường Quảng Trị.

Kết thúc chiến tranh, tôi thầm cảm ơn đồng đội và cảm ơn Trời - Phật đã cho tôi... thoát chết. Tôi bị thương sọ não nhưng chưa thấy có biến chứng thần kinh nên vẫn học hành chu đáo, tốt nghiệp ra trường. Tôi thích sáng tác, thích viết văn tự do, nhưng Giáo sư Phan Cự Đệ, người hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp lại đề nghị Bộ môn giữ tôi ở lại giảng dạy. Nhớ tới hình ảnh thầy Bùi Ngọc Trác còng lưng đọc sách thâu đêm, tôi nản quá, lăm le từ chối. Nghe tin đó, thầy Đệ nửa khuyên nửa dọa tôi mấy câu, đến giờ tôi vẫn nhớ: “Nếu cậu không ở lại, Trường nó ghép cậu vào tội chống quyết định phân công, trừng trị cậu bằng một cái quyết định đi miền núi, hải đảo. Khi ấy, cậu tính sao? Vả lại, nghề làm báo cũng phiêu lưu vất vả lắm, nhất là với một thương binh như cậu. Thôi ở lại, tôi giúp!". Nghe lời thầy Đệ và thể theo nguyện vọng của gia đình, tôi ở lại trường. Vì thích môn Lý luận văn học, tôi xin thầy Đệ cho tôi theo thầy Trác. Xoay quanh chuyện này tôi đã làm hai thầy không vui với nhau. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tôi không bận tâm gì tới chuyện, theo cách nghĩ của một số người, mình làm "đệ tử" cho ai. Tôi chỉ biết làm độc giả của những cuốn sách hay và lao vào dịch tiếng Nga.

Khi bắt tay vào những trang nguyên bản tiếng Nga, tôi mới nhận thấy nghị lực lớn lao của thầy Bùi Ngọc Trác. Tiếng Nga cũng như Anh văn, Pháp văn, là những thứ tiếng mà thầy hoàn toàn tự học, không qua trường lớp nào. Vậy mà thầy đã là dịch giả của tác phẩm Mùa hè kỳ lạ (của nhà văn Phê-đin) và nhiều cuốn sách lý luận Xô Viết khác. Tiếng Nga chính là thứ tiếng thầy tự học trên giường bệnh suốt hai năm nằm liệt trong Quân Y viện, sau khi tham gia hàng chục trận đánh thuộc chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

Làm trợ giảng cho thầy, tôi biết sức khỏe của thầy rất đáng lo ngại. Tuy vậy, niềm say mê khoa học đã cuốn người cựu chiến binh này chỉ biết một con đường là tiến lên phía trước. Riêng tôi, tôi đã cùng các anh Bá Thành, Lê Đô đưa thầy đi cấp cứu hai lần, mà cả hai lần đều chỉ là do tình cờ ghé qua thăm thầy. Điều đó có nghĩa là thầy đau đớn, cấp cứu như cơm bữa. Mỗi lần vết thương tái phát, thầy cắn răng chịu đựng hàng giờ. Khi ấy, những nét hiền từ trên khuôn mặt người đàn ông râu xanh biến mất, chỉ còn lại đôi mắt tê dại và đôi quai hàm nghiến chặt, đọng mấy giọt mồ hôi hột. Láng giềng trong khu tập thể Lò Đúc ai mà không cảm phục những lo toan gánh vác của vợ thầy - nhà báo Hạnh Nhu, cho người chồng thương binh cùng hai đứa con trai thơ bé.

Sau những cơn đau, sau những đợt cấp cứu, điều trị, thầy lại bình thản trở về với công việc nghiên cứu, giảng dạy. Hai giáo trình cơ sở thầy đảm nhiệm là hai giáo trình được xếp vào hạng nặng trong chương trình đào tạo của ngành Ngữ văn. Đó là giáo trình "Mỹ học" và giáo trình "Nguyên lý chung của Lý luận văn học". Chuyên đề “Kịch Việt Nam hiện đại” là chuyên đề thầy dày công xây dựng và cũng là một hướng tìm kiếm khoa học rất thiết thực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật sân khấu Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ.

Cuối những năm 70, đầu những năm 80, các giáo trình và nhiều chuyên luận của thầy nối nhau chào đời. Đó là các cuốn sách: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và con đường phát triển của kịch VN(1978); Phấn đấu cho một nền sân khấu hiện thực XHCN(1978); Cơ sở Lý luận văn học(1980); Tổng tập Văn học Việt Nam- tập 34 (chủ biên, 1985); Nguyên lý văn học(1986) v.v... Thầy còn là tác giả quen thuộc của tạp chí Văn học, tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật và nhiều tạp chí khoa học khác.

Từ năm 1983 đến 1985 thầy đi làm chuyên gia Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Humbold, CHDC Đức. Chuyến công tác nước ngoài không phải là dài, nhưng nhờ tâm hồn nhạy cảm và nghị lực khoa học vượt bậc, sau chuyến đi, thầy thực sự đã đạt tới một tầm nhìn quốc tế trước các vấn đề trong chuyên ngành khoa học của mình và trong đời sống xã hội nói chung. Đối với những người nghiên cứu và giảng dạy khoa học xã hội, tuổi 40, 50 là tuổi khai hoa kết trái, tuổi phát lộ độ chín của cả một quá trình tìm tòi, tích lũy. Sinh viên, đồng nghiệp, bao người đang chờ đón những công trình thai nghén của thầy. Nhưng tai ác thay, năm 1989, ở tuổi 55, thầy đột ngột ra đi, từ hậu quả của một đợt ngập lụt, ách tắc giao thông!

*

Tôi viết những dòng hồi ức này khi vừa trở về từ buổi đến thăm nhà báo Hạnh Nhu. Nối nghiệp cha mẹ, người con trai cả đã trở thành nhà báo có tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam. Người con thứ hai là kiến trúc sư tự do đã mở văn phòng kiến trúc riêng. Tôi đã nhờ chị Hạnh Nhu viết cho tôi những đoạn tư liệu thật cụ thể về thầy, người chồng kính yêu của chị, nhưng chị từ chối, nói rằng "ngồi giữa rừng làm sao vẽ nổi cánh rừng". Nhìn trang viết ngắn ngủi, dòng chữ lúc thưa lúc mau, có nhiều nét nguệch ngoạc của chị, tôi biết rằng chị đã khóc trước trang giấy, không viết nổi. Trang viết đã khô mực, nỗi đau đã được kiềm chế, chị dè dặt kể cho tôi nghe một vài câu chuyện về thầy. Chị kể rằng trong hai năm nằm thập tử nhất sinh tại Quân Y viện, có lần thầy đã bị khiêng xuống nhà xác, chuẩn bị làm thủ tục chôn cất, đột nhiên thầy tỉnh lại, thều thào lên tiếng: "Đừng chôn! Tôi vẫn còn sống đấy”. Hai người y tá hoảng hồn thả băng-ca xuống rồi lại khênh về.

Phải chăng đây là điều có thể vỗ về, an ủi người thân, sinh viên và đồng nghiệp của thầy: Năm 1955 thầy đã được Trời cho “phục sinh” để sống thêm hơn ba mươi năm nữa. Nếu như số mệnh là một điều có thực của kiếp người, thì cái mệnh của người cựu chiến binh - Tiến sĩ Bùi Ngọc Trác là vậy. Có mặt ở đời để mà hy sinh, cống hiến. Thầy đã cống hiến cho sự nghiệp giành tự do cho dân tộc và cho sự nghiệp "trồng người".

Thấm thoắt thế mà đã 15 năm trôi qua. Mười lăm năm, các giảng đường văn học vắng bóng thầy. Cái ô cửa sổ ngày nào thầy ngồi thức đêm đọc sách bên chiếc chao đèn hình chóp nón đến hôm nay đã biến thành một cửa hàng điện tử xập xình. Công nghệ hóa nhiều thứ lắm rồi, nhưng dường như đây vẫn chỉ là một sự xoay vần theo kiểu nương dâu bãi bể. Tìm đâu ra trong thời nay cái giọng giảng bài điềm tĩnh và sâu lắng như tiếng ru đêm của thầy năm nào! Tìm đâu ra những lớp sinh viên như lứa chúng tôi - dạ dày lép kẹp mà vẫn ngồi nghe thầy để thả hồn mình theo "những vầng trăng viễn xứ"?

Giáo trình, chuyên luận của ngày hôm nay đang được in dày hơn, đẹp hơn, liên tiếp gối nhau ra đời, nhưng nhìn những cuốn sách đang dần ngả vàng của thầy tôi hiểu rằng chúng vẫn giữ nguyên giá trị học thuật và đã trở thành di sản quý trong kho tàng lý luận văn học và nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam. "Cảo thơm lần giở trước đèn", nhìn bút tích thầy trong cuốn sách thầy tặng tôi năm xưa, đột nhiên tôi thấy dòng chữ ấy cứ mỗi lúc một ướt. Ướt đúng cái màu xanh của mực Cửu Long ngày xưa. Tôi hoang mang tự hỏi: Đây là hiện tượng "lại mực" hay tôi đã… ngồi lọt vào cỗ máy thời gian mơ ước.

Thế rồi… lắc lư trong cỗ xe thời gian, tôi cầm bút viết, kể chuyện Thầy.

Nguồn: bulletin.vnn.edu.vn

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.