Người thu thập mẫu đất để tìm ra 44 chủng tuyến trùng có ích ở Việt Nam
- Từng theo học khoa Sinh, ĐH Tổng hợp Hà Nội, điều gì đã thúc đẩy anh đến với tuyến trùng học?
TS Long vào rừng lấy mẫu đất - Năm 1994 khi tôi về Viện Sinh Thái và Tài nguyên Sinh vật công tác thì Phòng tuyến trùng mới chỉ là một nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Ký sinh trùng. Sau đó, nhóm mới được tách ra thành phòng độc lập. Tôi được mọi người trong phòng hướng dẫn các cách phân loại tuyến trùng và được thực hành ngay việc phân loại tuyến trùng ký sinh hai chuỗi. Ở Việt Nam khi đó mới chỉ chủ yếu nghiên cứu về tuyến trùng ký sinh thực vật nhưng trên thế giới tuyến trùng đã được ứng dụng rất nhiều. Tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng mới được nghiên cứu ở Việt Nam kể từ năm 1997. Hiện nay trên thế giới, tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng đã được ứng dụng rộng rãi trong phòng trừ sinh học sâu hại, bảo vệ mùa màng và đã được thương mại hoá. Vì thế đây là lĩnh vực hứa hẹn nhiều khám phá mới mẻ. - Làm thế nào mà anh có thể thu thập gần 1.000 mẫu đất để tìm ra 44 chủng tuyến trùng có ích ở Việt Nam?
- Để thu thập được các chủng tuyến trùng này, việc đầu tiên là phải thu thập mẫu đất từ các cánh rừng tự nhiên sau đó tiến hành phân lập tuyến trùng tại phòng thí nghiệm ở Hà Nội. Quá trình thu thập mẫu đất thường khá vất vả vì phải vào tận rừng sâu, men theo suối, trèo lên đỉnh núi và sau đó phải mang số đất thu thập được từ trong rừng về. Mỗi lần như vậy thường phải cõng từ 30 - 50 kg đất, chưa kể các dụng cụ thu mẫu. Những khó khăn thường gặp là bị vắt cắn, bọ chó đốt, mưa rừng, trơn ngã… Mỗi chuyến đi tùy khoảng cách mà kéo dài từ một tuần đến vài tháng. Mang mẫu từ các địa phương (Lai Châu, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Kon Tum...) về Hà Nội cũng vất vả không kém. Khi nghỉ ăn cơm và đi ngủ cũng phải mang đất theo vì nếu để ngoài xe mẫu sẽ bị nóng và tuyến trùng sẽ chết. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng phân lập được tuyến trùng, vì thế chỉ có 44/910 mẫu đất phân lập được tuyến trùng, chiếm tỷ lệ 4,9%. Một số loài tuyến trùng mà mình mới mô tả là Steinernema sangi, Steinernema loci, Steinernema thanhi, Steinernema robustispiculum và Heterorhabditis baujardi - tất cả đều mới đối với khoa học và đều có tác dụng trong phòng trừ sinh học. - Được nhận Giải thưởng ""Hợp tác và phát triển"" của Bỉ, anh cảm thấy thế nào? Mong muốn của anh trong tương lai? - Khi được nhận giải thưởng, mình cảm thấy vinh dự... Đây là lần đầu tiên Bộ hợp tác phát triển Bỉ trao tặng cho nghiên cứu về tuyến trùng học. Mong muốn của tôi trong tương lai là có thể áp dụng nghiên cứu này trong công tác phòng trừ sinh học sâu hại ở Việt Nam. Đồng thời, giảm việc sử dụng hóa chất trừ sâu để bảo vệ cho người sản xuất cũng như tiêu dùng. - Được biết anh đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Tổng hợp Kyoto về vấn đề sử dụng tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng để phòng trừ tuyến trùng ký sinh gây hại thông ở Nhật Bản. Có thể áp dụng phương pháp này ở Việt Nam? - Hiện nay, hàng trăm héc ta rừng thông của Nhật Bản bị tàn phá bởi loài tuyến trùng ký sinh Bursaphelenchus xilophilus. Loài tuyến trùng này di chuyển từ cây này sang cây khác nhờ một loài xén tóc Monochamus alternatus. Việc tiêu diệt xén tóc để ngăn ngừa sự phát tán của bệnh là một trong những nghiên cứu cần thiết. Tuy nhiên, phòng trừ xén tóc rất khó khăn vì chúng sống sâu bên trong cây bệnh nên rất khó tiêu diệt bằng thuốc hoá học. Ngoài ra các thuốc hóa học có thể gây bệnh cho con người và động vật. Căn bệnh này hiện đang xảy ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha và vì thế khả năng xảy ra ở Việt Nam cũng khá cao. Ở trường đại học Kyoto đã có nhiều nghiên cứu về loài tuyến trùng này cũng như các phương pháp phòng trừ loài xén tóc bằng các biện pháp sinh học. Ở đây, chúng tôi nghiên cứu ứng dụng tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng trong việc phòng trừ loài xén tóc Monochamus alternatus là hoàn toàn có khả năng áp dụng được ở Việt Nam. - Anh có nhắn nhủ gì tới các bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là những người yêu thích khoa học? - Chỉ cần yêu thích khoa học là đủ, có lòng tin, đừng sợ thất bại vì đấy cũng là một kết quả. Sau mỗi thất bại, hãy tìm đọc các tài liệu tham khảo kỹ hơn và không ngừng tìm tài liệu mới. - Xin cảm ơn anh!
|