Người “thắp lửa” đăng quang
Người đưa lý thuyết ứng dụng vào thực tế
Những ngày cuối năm 2004, hơn 100 nhà khoa học danh tiếng của 53 quốc gia sử dụng tiếng Pháp đã cùng tụ hội về thành phố cổ Louvain-La-Neuve (Vương quốc Bỉ) để chia vui với 4 nhà khoa học đã đoạt giải thưởng thường niên danh dự đối với bất kỳ ai đã trưởng thành từ các trường đại học sử dụng tiếng Pháp. So với các năm trước, Ban tổ chức cho biết họ rất đắn đo để chọn 4 gương mặt tiêu biểu nhất trong 99 hồ sơ xem xét thuộc 66 nước đang phát triển và 33 nước công nghiệp phát triển. Cuối cùng giáo sư Bùi Văn Ga đã được trọn trao giải khoa học công nghệ bên cạnh 3 vị tiến sĩ khác ở các lĩnh vực triết học, y tế và văn hoá.
Vậy là lần đầu tiên, giáo sư của một quốc gia đang phát triển bước lên bục đăng quang. Thành tích của giáo sư Bùi Văn Ga được ghi nhận là những đóng góp bảo vệ môi trường từ việc nghiên cứu “ Mô hình hoá quá trình cháy trong động cơ đốt trong” để tìm cơ chế hình thành các chất ô nhiễm nhằm hạn chế nồng độ khí thải. Ông đã dành 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp bằng học vị tiến sĩ bộ môn truyền nhiệt Trường Đại học trung tâm Lyon (Pháp) để hoàn thành những cơ sở lý thuyết của mình, sau đó vận dụng vào thực tế cuộc sống, thực hành phát minh các thiết bị biến đổi nhiên liệu sạch cho động cơ xe máy và ô tô cũng như một số dạng máy móc khác.
Năm 2003, giáo sư Bùi Văn Ga đã nhận bằng sáng chế với “ Hệ thống chuyển đổi nhiên liệu cho xe gắn máy 2 bánh sử dụng khí dầu hoả hoá lỏng LPG”. Hiện nay giáo sư đang phối hợp với Trường Đại học trung tâm Lyon và hãng ô tô Renault (Pháp) tổ chức một nhóm nghiên cứu về vấn đề này với hy vọng chung tay giải quyết một vấn đề mang tính toàn cầu: “ Hiệu ứng “nhà kính” và các tác nhân gây nguy hại đến môi trường sinh thái từ khí thải công nghiệp”.
Không dừng lại ở công tác nghiên cứu, giáo sư Bùi Văn Ga còn là một trong những giảng viên đại học trực tiếp xây dựng nền tảng lý thuyết mô hình cháy, trực tiếp hướng dẫn hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ chuyên môn về vật lý có trình độ cao. Ông là giảng viên thỉnh giảng Viện đại học công nghệ 1 thuộc Đại học Grenoble 1 (Cộng hoà Pháp) từ năm 1995 đến 2001, góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên xuất sắc của nước Pháp, đóng góp vào mối quan hệ giao lưu quảng bá văn hoá, khoa học Pháp. Chính vì vậy giáo sư Bùi Văn Ga được Thủ tướng Pháp trao tặng huân chương “ Nhành cọ Hàn lâm”, phần thưởng cao quý cho các nhà khoa học có công với nền học vấn quốc gia Pháp (năm 2001).
Nỗ lực thắp sáng ngọn lửa quê hương!
Điều quan trọng nhất là tất cả các công trình và thành tích ấy đều được giáo sư Bùi Văn Ga tập trung vào một đối tượng duy nhất: ngọn lửa cháy trong không gian. Ông tâm sự, thật tình ngọn lửa từ lâu đã là nỗi đam mê của ông, kể từ những ngày ấu thơ ở quê nhà Bình Định cho đến ngày ra nước ngoài hoà nhập vào môi trường khoa học đẳng cấp quốc tế. Thời niên thiếu, nhà nghèo chân đất, cậu bé với cái tên cúng cơm Bùi Văn Gà đã bươn chải cùng cha mẹ trên đồng ruộng, đã quen hít thở mùi rạ mới, mùi khói đốt đồng nghi ngút khắp ngoại thành Quy Nhơn. Hình ảnh những ngọn lửa lem lém hun rơm rạ tươi ngả màu rồi khô cong bốc cháy, và hình ảnh ngọn lửa bom đạn chiến tranh trên mảnh đất quê hương đã hoà quyện lại, gieo vào cậu bé nỗi băn khoăng, làm sao để ngọn lửa vô tư kia chỉ mang lại lợi ích cho đời chứ không phải tàn phá đau thương. Dẫn đầu, Bùi Văn Gà định hình được suy nghĩ của mình, phải làm sao nắm bắt nguyên lý bốc cháy giữa ngọn lửa trong bếp nghèo với những tia lửa rực sáng khi tàu vệ tinh xuất phát, mới có thể góp phần hoàn thiện “tặng vật vô giá mà thành Prômêtê đã mang lại cho loài người”.
Chính niềm tin của người cha nông dân ít học và lòng cảm mến của bà con mảnh đất hiếu chữ chuộng tài đã giúp ông hun đúc thêm ngọn lửa nhiệt huyết trong tim, vượt qua những khó khăn đời thường để đi đến đích. Học hết cấp 1, ông là học sinh duy nhất trong làng thi đỗ lớp 6 trường huyện, rồi hết cấp 3 đậu thẳng vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Xong đại học, ông trở thành giáo viên trẻ nhất của khoa cơ khí, rồi lại trải qua những kỳ thi tuyển sau đại học do Bộ Giáo dục Cộng hoà Pháp tổ chức, trở thành nghiên cứu sinh đại học, thành tiến sĩ kỹ thuật của Đại học Trung tâm Lyon và tiến sĩ khoa học của Viện Đại học Hà Nội.
Theo giáo sư Bùi Văn Ga, chỉ cần nắm bắt được quy trình cháy, khống chế được ngọn lửa cháy, các nhà chế tạo cơ khí và công nghiệp đã kiểm soát được mọi nguồn động năng phát triển công nghiệp. Phải làm sao để ngọn lửa cháy trong không gian cuộc sống phải có hiệu suất cao nhất, “đốt nóng” tốt nhất, giảm tiêu hao tài nguyên thiên nhiên nhất mà lại bảo vệ môi trường nhất. Từ đó, các thiết bị dây chuyền công nghiệp, các loại động cơ sẽ hoạt động với hiệu quả cao hơn trong khi những nguy cơ về hiệu ứng “nhà kính”, phá huỷ môi trường được giảm nhiều. Hơn nữa, nắm bắt đúng quy trình cháy sẽ tạo nền móng lý thuyết cho các nhà khoa học Việt Nam nghĩ đến hướng nghiên cứu ứng dụng và chế tạo động cơ tên lửa cho nước nhà!
Một nhà khoa học giản dị
Những người ở cạnh giáo sư Bùi Văn Ga đều hiểu rõ, những kết quả khoa học về ngọn lửa của ông đều gắn chặt voíư những nỗ lực quyết tâm và sự hy sinh lợi ích cá nhân. Những câu chuyện về một giảng viên đại học dám bỏ cả năm lương để mua máy vi tính về để kiểm tra các bài toán lý thuyết, đi giảng bài ở các nơi để có tiền thuê phòng thí nghiệm thực hành, trở thành người có thói quen mỗi ngày chỉ ngủ 4 giờ đồng hồ… từ lâu đã được truyền miệng. Giờ đây, khi đã trở thành hiệu trưởng của chính mái trường đại học đã đào tạo ra ông, có quan hệ với bạn bè khắp nơi, có điều kiện thuật lợi để làm việc, giáo sư Bùi Văn Ga vẫn giữ vững tập quán làm việc bền bỉ của mình - một con người chuyên “thắp lửa”!
Giáo sư Bùi Văn Ga chân thành khẳng định: “Những gì tôi có hôm nay, là kết quả cộng hưởng từ những người bạn Pháp, những đồng nghiệp tại Đại học Đà Nẵng, những sinh viên mà tôi có dịp gần gũi họ. Hơn thế nữa đó còn là ý thức tự hào về quê hương. Những người âm thầm nhất, nhưng giúp tôi nhiều nhất, là những người nông dân, là cha tôi, những người đã giúp tôi những bước đi đầu tiên bằng đôi chân đất của mình”. Rồi ông thổ lộ, không có gì làm ông hứng khởi và hạnh phúc bằng việc trở về quê, được yên lặng đứng nhìn những ánh lửa trong bếp nghèo của những người nông dân Bình Định, nơi đã thắp sáng tâm hồn ông.
Nguồn: Báo KH & ĐS phụ san, số 283, 2006, tr 3 - 6