Người tạo ra nhiều sản phẩm cho ngành bưu chính - viễn thông
Vừa chân ướt chân ráo về Công ty Thiết bị điện thoại (năm 1995), Bùi Quang Trung đã cùng các đồng nghiệp trẻ thuộc Trung tâm VTC nghiên cứu thiết kế tổng đài điện tử số. Anh nhớ lại: “Khi chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu loại tổng đài này, hạ tầng viễn thông ở nước ta lúc đó mới bắt đầu phát triển với những trung kế dạng analog”. Không có thiết bị mẫu, các anh phải tự thiết kế chế tạo phần cứng ngay tại xưởng. Đáng ngại hơn là các công nghệ để chế tạo tổng đài như công nghệ mạch in, hàn chip, linh kiện thích hợp chưa được cập nhật, mọi người lại phải thay nhau lên mạng tìm tài liệu hướng dẫn. Sau nhiều tháng mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, tổng đài điện tử số có trung kế số PCM báo hiệu R2/MFC đã ra đời. Việc sản xuất được tổng đài điện tử số thành công đã khẳng định khả năng nghiên cứu và làm chủ được công nghệ nghiên cứu của VTC.
“Động lực giúp mình lao vào nghiên cứu là vì hiện nay công nghệ viễn thông nước ta còn thua kém nhiều nước trên thế giới và khu vực. Hy vọng những đóng góp của mình trong lĩnh vực này sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách đó” – Trung tâm sự. Thành công của tổng đài điện tử số (Công trình này sau đó đã đoạt giải nhì VIFOTEC 1998) đã tạo tiền đề cho Bùi Quang Trung và các đồng nghiệp tiếp tục cho ra đời tổng đài điện tử DTS2000, thay thế các tổng đài analog trước đây.
Côngtrình nghiên cứu mà Bùi Quang Trung và các cộng sự đã thực sự làm chủ từ nguồn linh kiện đến phần mềm và thiết kế phần cứng... là modem V-ADSL. Thời điểm nhóm của Trung nghiên cứu chế tạo thiết bị này (8/2002) cũng là lúcTổng Công ty Bưu chính-Viễn thông (VNPT) mới bắt đầu triển khai dự án mạng Internet tốc độ cao (ADSL) ở Việt Nam . Khó khăn lớn nhất mà nhóm nghiên cứu gặp phải là chi phí chế tạo thiết bị phần cứng cho V-ADSL quá lớn. Nhiều chi tiết phải hàn dán thủ công, trong khi có nhiều loại linh kiện khó tìm mua. Phải mất gần một năm thực hiện, Trung và các bạn mới cho ra đời những mẫu sản phẩm đầu tiên của modem ADSL made in Vietnam .
V-ADSL có tốc độ tối đa đạt 8 Mbps khi tải xuống và 1 Mbps tải lên. Sản phẩm này đã được Viện Kỹ thuật Bưu điện đo kiểm và kết luận đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, các giao thức truyền dẫn có chất lượng tương đương, thậm chí có một số tính năng nổi trội so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.
Ưu điểm nữa của modem V-ADSL là sản phẩm do chính những kỹ sư của Công ty thiết kế, chế tạo. Họ hiểu rõ và luôn làm chủ được thiết bị của mình nên sẽ có một chế độ bảo hành, bảo dưỡng tốt hơn khi gặp sự cố. Khoảng 500 chiếc đã được bán cho khách hàng với giá 70 USD/chiếc. Những ý kiến phản hồi từ phía người sử dụng đều đánh giá cao về chất lượng, độ ổn định cũng như các tính năng của modem V-ADSL. Nói về sản phẩm mới này, Bùi Quang Trung hồ hởi: “Sản phẩm này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển công tác nghiên cứu triển khai của công ty VITECO. Thông qua nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, trình độ nghiên cứu của các cán bộ trẻ của công ty được nâng cao. Riêng với V-ADSL lần đầu tiên chúng tôi có thể gắn công nghệ nghiên cứu với sản xuất trên dây chuyền công nghiệp”. Từ sản phẩm này, nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp tục phát triển các thế hệ kế tiếp như modem VDSL...
Một huận lợi cho Trung và các đồng nghiệp trẻ là Công ty VITECO có hẳn một xưởng sản xuất để họ có điều kiện hiện thực hóa những ý tưởng nghiên cứu của mình. Trung tâm VTC, nơi Bùi Quang Trung làm phó giám đốc, phần lớn nhân viên là những kỹ sư còn rất trẻ. Ngoài thời gian làm công tác quản lý, công việc chính của Trung là nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới (bao gồm cả thiết kế, sản xuất). Bên cạnh những đề tài nghiên cứu theo định hướng (có sự hỗ trợ) của Tổng công ty VNPT, thời gian tới VTC sẽ tiếp tục theo đuổi những ý tưởng mới về thiết bị truyền dẫn băng thông rộng... Trung tâm niệm: “Nghiên cứu khoa học là nền móng vững chắc để xây nên ngôi nhà sáng tạo. Và một trong những chìa khóa mở cánh cửa thành công cho những người làm công tác nghiên cứu là phương pháp làm việc theo nhóm. Khi công việc nảy sinh những khó khăn, mọi người cùng tìm cách giải quyết sẽ hiệu quả hơn là một người”.
Nguồn: KH&ĐS số 24 (1742)