Người tạo ra máy cắt máng che mưa cho cây cao su
Do có tay nghề cơ khí, anh Nguyễn Đình Tâm là cán bộ Phòng Hành chính (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước) có ý tưởng sáng tạo ra máy cắt máng cao su thay cho sản xuất thủ công. Anh Tâm bỏ ra hàng chục triệu đồng mua sắt thép, nguyên liệu, môtơ điện nghiên cứu mấy năm liền. Đồng lương công chức của vợ chồng anh mấy năm nay đều bị ném vào chuyện “nghiên cứu và xin đăng ký bản quyền...”. Nhiều phen vợ chồng lục đục chỉ vì chuyện tiền không có cứ đi mua sắt thép lung tung không mang lại hiệu quả gì. Không chịu đầu hàng, anh Tâm nhiều đêm trăn trở chuyện cái máy cắt máng che mưa. Một lần đi mua dép ở chợ thị xã Đồng Xoài, anh Tâm phát hiện người thợ dép cắt miếng cao su ngọt như dao thái chuối. Mày mò anh phát hiện đó là loại dao chế bằng thép đặc biệt của Đài Loan. Từ đó anh có ý tưởng chế tạo ra máy cắt thủ công bằng loại dao này thay thế cho loại dao mà công nhân sử dụng. Chiếc máy anh Tâm chế tạo ra thật đơn giản. Máy đứng trên một giá đỡ cao khoảng 1,3 m. Toàn bộ mặt phẳng chế tạo bằng loại thép lá. Dao đặt bởi một trụ quay hình cung. Khi đun giấy dầu vào máng, hai đầu trụ được hai thanh sắt giữ lại một khoảng cách chừng 4cm cố định. Người thợ chỉ cần đứng thẳng kéo một vòng có thể cắt từ 2-3 máng che mưa rất nhẹ nhàng mà đều nhau tăm tắp. Từ cái máy đầu tiên anh cải tiến thêm một số chi tiết như bôi trơn, cách đặt lưỡi dao, và độ cao của thân máy rồi sản xuất thêm 4 chiếc nữa. Với máy cắt thủ công này, mỗi ngày một người thợ sẽ cắt được khoảng 20 cuộn giấy dầu cho ra 10.000 máy, gấp 20 lần cắt tay mà máng không hề bị rách hoặc bị cong. Theo anh Tâm chi phí cho một máy trên dưới 1 triệu đồng.
Rõ ràng với ưu thế vượt trội chiếc máy cắt máng kiểu thủ công của anh Nguyễn Đình Tâm đã có chỗ đứng trong lòng người thợ cạo mủ cao su. Biết tin anh sáng tạo ra loại máy thủ công này một số nông trường đã hợp đồng với anh cắt máng che mưa cho cây cao su. Anh Tâm tâm sự nếu như các công ty cao su hợp đồng anh sẽ cung ứng đầy đủ máy chỉ trong vài tuần lễ. Công nhân sẽ giảm rất nhiều sức lực không phải nai lưng cắt máng kiểu cũ. Một chủ vườn cao su tiểu điền nhờ tôi đưa đến anh Tâm mua một máy chưa đầy 1 triệu đồng rất phấn khởi và khâm phục người thợ cơ khí sáng chế chiếc máy cắt máng thủ công này.
Nguồn:Nông nghiệp Việt Nam, số 108, 31/05/2006