Người tạo ra công nghệ đất sạch đầu tiên của Việt Nam
CÔNG NGHỆ ĐẤT SẠCH NHƯ THẾ NÀO?
Ở các quốc gia tiên tiến, đất sạch rất quan trọng với nền nông nghiệp tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn. Đất sạch còn là mặt hàng xuất khẩu của nhiều nước như Hà Lan,Úc,Canada... Thành công của anh Võ Thanh Liêm đánh dấu tiềm năng lớn xuất khẩu đất sạch, đồng thời rất có ý nghĩa với nền nông nghiệp kỹ thuật cao mà ViệtNamđang hướng tới.
Từ chất thải mụn dừa bị tuôn đổ xuống các dòng sông hàng trăm tấn mỗi ngày, anh đã tìm cách xử lý chúng bằng công nghệ vi sinh thành chất trồng tốt. Loại đất này có ưu điểm: tơi xốp, thoáng khí, dễ thấm nước, giữ ẩm cao, có tính kháng khuẩn, hạn chế mầm bệnh giúp rễ cây tăng trưởng và phát triển tốt. Đất sạch không mùi, không độc hại môi trường, sau thời gian sử dụng trở nên “mùn hóa” (phân bón hữu cơ). Hiện đất sạch thương hiệu DASA của anh Liêm được sử dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành để trồng rau an toàn, rau mầm dinh dưỡng, hoa kiểng, trồng hoa cỏ trang trí tiểu cảnh sân vườn, nhà hàng, khách sạn...
Anh còn nghiên cứu làm ra loại đất cao cấp hơn: đất sinh học. Đây là thành tựu mới, được ứng dụng để cải thiện, phục hồi đất hoang hóa bạc màu, tăng độ phì của đất. Thành công này góp phần trong việc cải tạo đất suy kiệt, bạc màu do khai thác cạn kiệt. Đất sinh học được mệnh danh là “thuốc bổ” cho đất, giúp phục hồi hệ vi sinh vật, tăng khả năng trao đổi ion, cây dễ hấp thu dinh dưỡng. Với những ưu điểm mới, đất sinh học phù hợp các loại đất trồng pha cát, pha sét dùng cho vườn ươm, trang trại, hoa kiểng. Đặc biệt, còn được dùng chống xói mòn, sạt lở đất vùng đồi núi. Ở nhiều nước, đất sinh học được trộn với hạt cỏ gieo trồng thành các thảm cỏ chống sạt lở hay phủ xanh công viên.
VƯƠN LÊN TỪTAYTRẮNG
Sức trẻ không nản lòng, anh cứ “lăn lóc” vươn lên. Một lần tìm nguồn nguyên liệu mới làm ván ép, anh tình cờ đến với phế thải mụn dừa. Nhưng phí xử lý cao, khó cạnh tranh, anh nghĩ ngay đến chuyện biến mụn dừa thành phân. Suốt gần năm năm trời, sau đó, anh xuống tận Bến Tre mua mụn dừa, phân tích, xử lý rồi đem thử nghiệm. Anh lập hẳn vườn trồng và đưa bạn bè các nơi dùng thử loại đất nhẹ xốp, không dơ tay mà anh gọi là “đất sạch”. Năm 2001, anh công bố sản phẩm khiến nhiều người ngạc nhiên. Năm sau anh nhận được giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc.
Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm từ mụn dừa ở Bến Tre gặp phải vấn đề xử lý chất thải. Xử lý chất chát trong chất thải tốn kém nên hầu hết xả thẳng xuống sông. Nước sông ngầu đỏ, đen ngòm, gây thiệt hại nuôi trồng thủy sản. Việc người dân không có nước sinh hoạt từng được báo động ở Bến Tre. Anh Liêm lặng lẽ nghiên cứu, và lần nữa thành công: anh đã tìm ra giải pháp tái sử dụng chất thải chát sau khi xử lý mụn dừa, biến chúng thành đất sinh học. Ngay sau đó anh được giải thưởng về môi trường của Ngân hàng thế giới, giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc, giải thưởng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, bằng khen của UBND TP.HCM, cúp vàng, huy chương vàng,...
Ở tuổi 48, Võ Thanh Liêm (Công ty đất sạch DASA: 106 Nguyễn Ngọc Lộc, P.14, Q.10, TP.HCM. ĐT: 08.9050118 - 0918.180639) bắt đầu kế hoạch làm ăn mới từ cây dừa. Khoảng cuối năm 2006, nhà máy sản xuất các sản phẩm từ dừa sẽ hoạt động tại Bến Tre với vốn đầu tư 10 tỷ đồng. Ngoài hai sản phẩm đất sạch và đất sinh học, Công ty cổ phần DASA chuẩn bị đưa ra thị trường ván ép mụn dừa, xirô dừa, vật liệu cách điện, vật liệu xây dựng từ dừa... Anh Liêm sẵn sàng hợp tác để phát triển mạnh hơn các sản phẩm này.
Nguồn: Khoa học phổ thông21/7/2006