Người tâm huyết với cấy ốc tai điện tử
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông của vùng quê nghèo Thạch Thất (Hà Tây cũ nay là Hà Nội), ngay từ thuở niên thiếu ông đã yêu thích bộ môn sinh vật, đó là nền tảng cơ bản để ông đến với ngành y như một lẽ tự nhiên. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1995 rồi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Đúng 10 năm sau, bác sỹ Nguyễn Tuyết Xương được điều chuyển lên tuyến trên và về với Khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện Nhi Trung ương. Kể từ đó đến nay, số năm công tác của bác sỹ Nguyễn Tuyết Xương cũng đã bước sang năm thứ 10.
Bác sĩ Xương được biết đến không chỉ là một bác sĩ giỏi của chuyên khoa Tai - Mũi - Họng mà còn bởi các chương trình sàng lọc, khám và điều trị cho trẻ khiếm thính. Trong quá trình công tác của mình, ông đã luôn trăn trở mỗi khi chứng kiến những ca bệnh khó… để rồi tiến đến là nghiên cứu chuyên sâu về thính học ở trẻ. Ông trải lòng: Khoa Tai - Mũi - Họng của bệnh viện Nhi Trung ương nơi mình công tác, hàng ngày phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi, trong số đó phần nhiều là các trẻ mắc bệnh điếc bẩm sinh, đặc biệt nhiều trường hợp bệnh nhi đến từ nhiều tỉnh miền núi xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn nên không đưa con đến khám chữa kịp thời, để đến khi phát hiện trẻ đã lớn tuổi, nên gây khó khăn trong công tác khám và chữa bệnh.
Theo thống kê từ số liệu thực tế, hàng năm nước ta có khoảng hơn 50.000 trẻ sinh ra bị điếc, trong đó phần lớn là điếc nặng phải điều trị, trong số đó nhiều trẻ dùng máy trợ thính cũng không thể nghe được, trẻ bị điếc thường không có khả năng phát triển ngôn ngữ, dẫn đến bị câm. Chính thực tế đó đã thôi thúc bác sĩ Xương đi sâu nghiên cứu và tìm tòi với mong muốn có thể xây dựng được một quy trình khép kín từ sang lọc, phát hiện và điều trị phục hồi ngôn ngữ cho trẻ điếc. Nói là làm, từ những kiến thức chuyên ngành, ông tiếp tục tham gia nhiều hội thảo Quốc tế về thính học, tham gia các khóa học Thính học tại Hàn Quốc, Malaysia, Áo…để từ đó đưa những kiến thức đã học được từ nền y học thế giới về áp dụng tại Việt Nam, mà trực tiếp là tại Khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đứng trước thực tiễn quá tải của bệnh viện tuyến Trung ương, bác sĩ Xương đã đề xuất thành lập Trung tâm Thính học, trực thuộc Khoa Tai - Mũi - Họng do ông trực tiếp quản lý, từ những cố gắng nỗ lực của cá nhân, của các y bác sĩ tại Khoa và sự tạo điều kiện của Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho Trung tâm nên đến tháng 7/2010 các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài phẫu thuật thành công cho 5 bệnh nhi bị khiếm thính bẩm sinh, đưa Khoa trở thành đơn vị đầu tiên của Miền Bắc, cơ sở nhi khoa đầu tiên của cả nước cấy thành công ốc tai điện tử. Đây thực sự là một thành công lớn của tập thể y, bác sỹ Khoa Tai - Mũi - Họng, đánh dấu một bước đột phá mới trong ứng dụng các kỹ thuật y khoa. Thành quả đó là sự nỗ lực cố gắng không ngừng của bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương cũng như các cộng sự của ông.
Có được những thành quả đó, bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương tiếp tục xây dựng quy trình khép kín quá trình điều trị, từ khâu khám sang lọc, đến khám chuyên sâu và làm chủ các kỹ thuật cấy ốc tai điện tử đến khâu phục hồi ngôn ngữ cho trẻ em điếc. Đây thực sự là niềm vui lớn đối với cha mẹ và trẻ nhỏ không may mắc phải căn bệnh này, và đó cũng là niềm vui lớn đối với bác sĩ Xương - người luôn trăn trở từng ngày với căn bệnh khiếm thính ở trẻ.
Và hôm nay, được sự giúp đỡ của Tổng cục Dân số - Bộ Y tế, bác sĩ Xương đã đưa ra chương trình khám sàng lọc khiếm thính đầu tiên ở Việt Nam, trong đó một tỉnh ở miền Bắc đã có chương trình sàng lọc khiếm thính, thêm vào đó ông còn tổ chức các buổi dạy trị liệu ngôn ngữ tại nhà cho các ông bố bà mẹ để giảm thiểu chi phí cho các gia đình ở xa có thể điều trị cho trẻ tại nhà. Có thể nói đó là những khóa học có ý nghĩa lớn đối với cha mẹ trẻ mắc bệnh khiếm thính nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung, giúp nâng cao khả năng nhận biết của cha mẹ về thính học và lan tỏa phương pháp trong cộng đồng.
Trong căn phòng làm việc nhỏ của ông có rất nhiều bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sau đó mới biết hàng năm bác sĩ Xương đều tham gia vào các hoạt động từ thiện do Trung ương Hội tổ chức, ông lặn lội cùng đoàn khám chữa bệnh của Hội chữ Thập đỏ Việt Nam đi tới nhiều vùng miền trong cả nước để khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, ngoài ra còn cùng các bác sĩ của bệnh viện tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí tại vùng sâu vùng xa. Tổ chức phát thực phẩm và thuốc men miễn phí cho đồng bào dân tộc vùng cao. Đây thực sự là nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc, những người hàng ngày vẫn khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng và đối mặt với những bệnh tật, với sự sống chết của bệnh nhân tại bệnh viện.
Chia sẻ với chúng tôi ông nói rằng “nghề y là nghề tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày, không thể tránh được những dư luận khen chê, nhưng đối với mỗi y, bác sĩ phải luôn đề cao y đức, sống với chữ tâm và đúng với câu nói lương y như từ mẫu, chữa bệnh cứu người đó là niềm tự hào của tôi”
Chính vì vậy, khi đứng trước thực tiễn căn bệnh điếc ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng, bác sĩ Xương luôn trăn trở và mong muốn trẻ em điếc được chăm sóc và sử dụng máy trợ thính miễn phí, thêm vào đó ông cũng mong muốn có một quỹ chữa bệnh cho trẻ em điếc, và được sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành để chương trình khám sàng lọc toàn quốc cho trẻ điếc được đưa vào chương trình Quốc gia, mang cơ hội nghe trở lại cho trẻ không may mắn mắc phải căn bệnh này.
Chia tay bác sĩ Xương, tôi vẫn ấn tượng mãi về những gì ông đã làm, bằng tâm huyết và tấm lòng của người thầy thuốc hy vọng rằng những mong muốn của ông sẽ sớm thành hiện thực, để ông có thể đến khắp các vùng miền trong cả nước, thắp sáng tương lai cho trẻ em nghèo mắc bệnh điếc bẩm sinh, tiếp tục làm rạng ngời chữ TÂM của người thầy thuốc.