Người “say nghề như điếu đổ”
Lý do của một "từ mẫu"
Người nghèo đổ bệnh đã khổ, nhưng nỗi khổ còn nhân gấp nhiều lần với những người nghèo phải chạy thận nhân tạo, do sự tốn kém kéo dài trong điều trị. Những trường hợp như vậy cứ ám ảnh ông Khôi da diết.
Có lần tình cờ ông đọc thông tin về một người phụ nữ nghèo ở Hà Tĩnh đang bị viêm cầu thận nặng đăng trên mục "cần cứu giúp" của một tờ báo nọ. Hàng chục năm qua, không ít lần phải chứng kiến những trường hợp éo le như vậy, nhưng lần này, gia cảnh của người phụ nữ ấy khiến ông xót xa quá. Trong cái "tổ chim" không lành lặn, một người đàn bà gầy rộc, mắt trũng sâu đang nằm trên chiếc chõng tre, không công việc, không ruộng vườn và không chồng (chồng chị đã bỏ 4 mẹ con chị đi theo một người phụ nữ khác), và tất nhiên mấy đứa con nhỏ phải nheo nhóc... Suy tư một lúc, ông liền gọi vào số điện thoại đường dây nóng của tờ báo nọ với lời đề nghị "sẽ chạy thận nhân tạo miễn phí cho người phụ nữ này" rồi vội vàng đọc số điện thoại, địa chỉ của ông để tờ báo nọ chuyển tới người phụ nữ bất hạnh kia. Trước khi gác máy ông còn với theo nhắn nhủ "nhờ anh thông báo sớm tới người phụ nữ này nhé, không thì để lâu sẽ khó khăn hơn cho chữa trị"!
Xuất thân là con nhà nghèo nông thôn ra thành phố học, không ít lần để tiết kiệm tiền đi đường, ông và các bạn đồng môn đã phải đi bộ từ Liên Sơn, Đô Lương, Nghệ An ra Hà Nội, rồi chịu cảnh "bụng đói, chân run" đến giảng đường trường Đại học Y những năm 1954-1960, nỗi khổ của bệnh nhân nghèo khi họ không có tiền chữa bệnh ông thấm thía lắm.
Hỏi ông vì sao không chọn các chuyên ngành khác như ngoại, sản... để có thu nhập cao, "dễ nổi tiếng hơn" mà lại chọn chạy thận nhân tạo, PGS. Khôi chỉ cười hiền lành. Ở vào hoàn cảnh đất nước ngày ấy, những lý do "đáng nói" trên hầu như không tồn tại. Bắt nguồn từ những lần đi thực tập ở Bệnh viện Bạch Mai, anh sinh viên Khôi thấy khá nhiều bệnh nhân bị suy thận nhưng các bác sĩ đều "bó tay" bởi đất nước đang có chiến tranh nên trang thiết bị phục vụ cho chuyên khoa này còn nghèo nàn. Những hình ảnh này cứ dần "ngấm vào máu" cậu sinh viên Khôi ngày đó, và tạo thành quyết tâm gắn bó với ngành chạy thận nhân tạo để mang lại cơ hội sống cho những người mắc căn bệnh này. Chẳng biết với những nghề khác thì sao, nhưng nghề y là vậy đấy. Không ít thầy thuốc ưu tú đã tìm đến với ước mơ của mình từ những sự thật đau đớn ngay bên cạnh. Đó dường như là cái tâm của những "từ mẫu".
Quyết tâm này của ông lại được tiếp thêm sức mạnh từ những bài giảng của thầy giáo, GS. Nguyễn Trinh Cơ- nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội hồi đó. GS Cơ đã không chỉ nói rất nhiều về chuyên ngành thận nhân tạo - một chuyên ngành theo GS. Cơ là "mới, khó, xa xỉ nhưng rất cần thiết" mà còn phân tích kỹ lưỡng, trực tiếp hướng dẫn ông về lĩnh vực này, vì thế "tôi bắt đầu thấy say chuyên ngành thận nhân tạo, mà cứ say như điếu đổ ấy. Làm gì cũng nghĩ đến chạy thận nhân tạo. Cũng may tôi được gắn bó và cống hiến cho niềm đam mê này đã gần 40 năm".
"Chỉ xin một chữ tâm"