Người say mê nghiên cứu về nấm
TS Ngô Anh là người đầu tiên phát hiện ra nấm Hoàng chi (có tên khoa học là Ganoderma colossum) ở núi rừng Thừa Thiên - Huế vào năm 1996. Được giáo sư Trịnh Tam Kiệt, các đồng nghiệp tại Đại học tổng hợp Jana (Cộng hoà Liên bang Đức) giúp đỡ, anh đã xác định được 7 loại hợp chất tự nhiên thuộc nhóm triterpenoid là Colossolactones A-G (1-7) trong nấm Hoàng Chi. Các chất này có tác dụng dược lý như chống viêm nhiễm, chống các tế bào ung thư.
Anh còn đi sâu vào phân loại nấm, giúp phân biệt rõ các loài nấm có lợi để phát triển (nấm thực phẩm, nấm dược phẩm), bảo vệ (nấm quý hiếm), tránh tác hại của nó đối với công trình kiến trúc và sức khoẻ con người (nấm độc hại). Các kết quả nghiên cứu đã được anh công bố tại Hội nghị Thực vật dược Dhaka, Bangladesh năm 2000 và đăng tải trên tạp chí Journal of natural products (tạp chí Các hợp chất tự nhiên của Hiệp Hội Hoá học và Dược học Hoa Kỳ) vào năm 2001 và được tập hợp thành nhiều đầu sách phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.
Để có được những kết quả trên TS Ngô Anh đã dành không biết bao nhiêu tâm sức, trí tuệ cho nấm trong suốt 27 năm ròng, kể từ ngày anh được làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Huế năm 1978. Anh không thể nào nhớ hết những chuyến trèo đèo, lội suối, băng rừng tìm nấm cùng với cộng sự và sinh viên. Không quản những cơn mưa rừng xối xả, dai dẳng ở vùng rừng nhiệt đới có thời tiết khắc nghiệt. Có khi đói, lạnh, vắt, rắn, rết, muỗi rừng, rồi nắng cháy trên vùng cát ven biển…cũng không thể nào cản được bước chân anh. Chính những lúc rừng vào mùa mưa là lúc nấm phát triển, sinh trưởng mạnh, cũng là lúc thầy trò anh lao vào nghiên cứu, tìm mẫu nấm. Ban ngày, anh không lên lớp giảng dạy thì vào rừng tìm nấm hoặc dồn hết tâm sức vào nghiên cứu, nuôi trồng nấm trong phòng thí nghiệm. Đêm về, anh lại say sưa đọc tài liệu. Nhiều lúc, anh cảm thấy áy náy, có lỗi với vợ con vì anh có rất ít thời gian dành cho gia đình. Được cái, vợ anh cũng là cô sinh viên dễ thương, chăm chỉ học tập ngày nào của anh là người có hiểu biết, thông cảm sâu sắc với niềm say mê nghiên cứu về nấm của anh. Chị đã trợ giúp việc làm của anh và lo toan chăm sóc mọi công việc gia đình để anh có thêm thời gian nghiên cứu nấm. Chị không những không ta thán mà còn vui vẻ khi anh đã dùng cả tầng trên căn nhà hai tầng của gia đình để làm kho lưu trữ các mẫu nấm mà anh đã lặn lội khắp 4 vùng sinh thái: vùng rừng núi, vùng đồi, vùng đồng bằng, vùng cát ven biển và ngập mặn ở Thừa Thiên - Huế tìm được trong suốt 27 năm ròng. Mẹ con chị và cả gia đình còn trở thành người tự nguyện để anh thử nghiệm hoạt tính của nấm Hoàng chi.
Niềm đam mê khám phá nấm của anh không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu nấm trong tự nhiên làm cho giới chuyên môn kinh ngạc về khu hệ nấm ở Thừa Thiên - Huế, mà anh còn nghiên cứu, nuôi trồng nấm trong phòng thí nghiệm. Anh đã nuôi cấy thành công lần đầu tiên ở Việt Nam nấm Hoàng Chi bằng phương pháp vô trùng mô và tế bào trên giá thể mùn cưa mở ra triển vọng phát triển thành một nghề sản xuất nấm dược liệu quý, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo cho người trồng nấm và cung cấp nguyên liệu cho ngành dược Thừa Thiên - Huế nói riêng và ngành dược trong cả nước nói chung.
Hay tin về kết quả nghiên cứu nấm của anh, tháng 11 năm 2004, đồng chí Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội nghị để anh báo cáo kết quả nghiên cứu nấm lớn ở Thừa Thiên - Huế cho cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số sở ban ngành liên quan nghe, một sự kiện hiếm ở địa phương này. Và rồi, một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nấm Xích chi và Hoàng chi làm dược liệu ở Thừa Thiên - Huế” được đưa vào nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh năm 2005. Đề tài được thực hiện theo cơ chế giao thẳng cho tiến sỹ Ngô Anh thự hiện trong thời gian 2 năm 2005-2006. Mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình sản xuất giống, quy trình sản xuất nấm Xích chi và Hoàng chi.
Đến nay, anh đã hoàn thành công nghệ nuôi cấy nấm Hoàng chi trên bốn loại giá thể từ nguyên liệu ở địa phương trong phòng thí nghiệm. Tiếp đến, anh tiến hành nuôi thử nghiệm và hình thành công nghệ trồng nấm trong điều kiện môi trường tự nhiên ở Thừa Thiên - Huế. Nếu thành công, anh sẽ trở thành người Việt Nam đầu tiên, và Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công nấm Hoàng chi bằng phương pháp vô trùng mô và tế bào trong môi trường tự nhiên.