Người sáng chế ra “máy in tiền”
Đêm gà gáy canh hai, tiếng kẽo kẹt từ phía cái máy xay bột sau nhà anh Đỗ Duy Hậu vẫn vang lên đều đều.
Trong ánh đèn dầu leo lét, chị Lục vợ anh Hậu, rướn người quay chiếc cối đá nặng trịch. Cậu con cả ngồi tráng bánh ngáp ngắn ngáp dài. Bỗng “huỵch” một tiếng, đứa con kêu thất thanh: “Bố ơi, mẹ ngã”.
Từ trong nhà chạy ra, anh Hậu thấy vợ mình ngất xỉu bên chiếc cối đá. Vừa đỡ vợ dậy, anh vừa xót xa kêu lên: “Khổ thân! Đã bảo để tôi làm nốt cho mà cứ cố”.
“Làm không kịp bánh thì mai cả nhà ăn gì, mặc gì?”, chị Lục thều thào nói.
Sáng sớm hôm sau, khi đường làng còn sương mờ mịt, chị Lục đã phải đạp xe gần 20 km đi bán bánh.
Nhìn bốn đứa con quần áo nhếch nhác, nằm ôm nhau trên chiếc phản, anh Hậu thở dài quay mặt đi.
Trưa hôm đó, chị Lục về thấy anh đang chăm chú quay bột. Thấy lạ, chị hỏi: “Sao bố nó không đi làm?”.
Anh dừng tay, cười: “Tôi trả lại cái chức thợ vận hành, sửa chữa máy móc, công nông cho xã rồi. Giờ tôi ở cùng bu nó nuôi con, làm giàu”.
Nói là làm, suốt từ chiều đến đêm, anh tráng được gần 100kg bánh. Sáng hôm sau, khi gà chưa gáy sáng, anh đã dậy gánh bánh cuốn lên Đà Bắc, Hoà Bình, vào bản dân tộc đổi ngô. Ròng rã suốt mấy tháng như thế anh cũng chưa kiếm đủ tiền cho vợ chữa bệnh.
Căn bệnh thoái hoá cột sống, lệch đĩa đệm do ngồi xay bột nhiều, lại thêm bụi than bếp lò bám vào phổi khiến chị Lục gầy ỏng eo, xanh như tàu lá. Anh Hậu cũng hốc hác, hom hem như ông lão 50 tuổi.
Thấy chồng quần quật, chị Lục ứa nước mắt: “Thôi mình đừng cố, ngã bệnh thì ai lo cho các con!”
Anh nắm tay vợ: “Giá như mình có chiếc máy một ngày làm được 1 tấn bánh cuốn mà chỉ mất vài giờ nhỉ! Không chỉ nhà mình, cả làng, cả xã sẽ không ai phải còn đau lưng, ho lao vì nghề làm bánh nữa”.
Phát minh ra đời từ cái nghèo
Mấy hôm sau, chị Lục thấy anh khệ nệ vác về một chiếc mô-tơ cũ. Cứ rảnh rỗi, anh lại tháo tháo lắp lắp. Hì hụi suốt mấy đêm, chiếc máy cũng thành hình. Khi khởi động lần đầu tiên, máy bốc khói nghi ngút. Thì ra chiếc mô-tơ không đủ lực để quay cối đá. Lần sau thì dây yếu quá nên bị dứt.
Vậy mà hai tháng sau, chiếc máy thô sơ của anh đã chạy ngon trớn, có thể thay thế cho bốn, năm nhân công.
“Chiếc máy cải tiến đầu tiên đã thay đổi cuộc đời tôi. Nó không chỉ thay thế sức lao động cho cả gia đình mà đã tạo ra cho tôi một niềm tin sắt đá: nếu có kỹ thuật, có niềm tin và kiên trì thì một người nông dân cũng có thể sáng tạo ra các loại máy móc phục vụ cho mình”, anh Hậu trầm ngâm kể lại.
Mấy hôm sau, nhà anh chật kín người. Ai cũng muốn nhìn tận mắt, sờ tận tay chiếc máy của anh.
Bà con ở Thanh Lương, Hà Tây, xem chiếc máy xay bột nước của anh là “cuộc cách mạng” mới, còn anh Hậu được ví như người hùng.
Nhìn chiếc máy hút nước và gạo ngâm, bà con thích lắm, họ đặt hàng cho anh làm. Đó là vào khoảng cuối năm 1994.
Từ sáng chế này đến cải tiến khác
Thành công với máy xay bột nước, “người nông dân ham máy móc” vẫn còn buồn vì việc quan trọng nhất là tráng bánh vẫn chưa thể thay bằng máy.
Sau một đêm suy nghĩ, cân nhắc, tính toán, anh Hậu bàn với vợ: “Mẹ nó ạ! Tôi đang tính làm chiếc máy sản xuất bánh cuốn tươi. Nó y như chiếc máy làm gạch ấy, nhưng phải có nồi hơi làm chín bánh và làm sao sử dụng ít điện năng, giá thành rẻ. Sẽ phải đầu tư nhiều tiền đấy, tôi muốn hỏi ý kiến mẹ nó”.
Chị Lục đang nằm để con gái nhỏ giẫm lên lưng cho đỡ đau, bật dậy như phải bỏng: “Lạy ông! Bao nhiêu kỹ sư bằng xanh bằng đỏ còn chưa thiết kế được nữa, huống hồ ông. Thôi ông cứ đi phụ giúp tôi tráng bánh, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”.
Chẳng nói chẳng rằng, anh Hậu thức gần một tuần liền, hì hục vẽ vẽ, kẻ kẻ. Đến ngày thứ tám, anh “trình” vợ một bản vẽ chi tiết chiếc máy. Chị Lục chẳng hiểu gì cả nhưng thấy chồng quyết tâm như vậy đã bằng lòng để anh liều một phen. Hai vợ chồng đến ngân hàng vay 10 triệu đồng (hồi đó là cả một tài sản rất lớn).
Góc nhà sau biến thành xưởng ngổn ngang sắt thép, dây nhợ, sách báo. Anh Hậu cởi trần trùng trục, hết cắt gọt lại chỉnh sửa. Đến bữa cơm, con bé lớn phải mang vào chứ anh không chịu rời xưởng.
Chiếc máy hình thành trong sự lo lắng của cả nhà. Ngày đầu tiên chạy thử, “cục nợ” đùn ra một đống bột chẳng thành hình thù gì. Mặt anh Hậu trắng bệch, vò đầu bứt tai, lẩm bẩm: “Tại sao thế nhỉ?”.
Chị Lục bắt đầu, thở dài rồi vẫy đứa con vào buồng lột chiếc nhẫn cưới 5 phân vàng đưa cho nó bảo: “Ra cửa hàng bán cho mẹ, lấy tiền cho bố mày”.
Anh lại thêm cả tháng thức trắng. Thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm kéo dài ngót một năm. Hàng tấn gạo đưa vào chạy thử bị hỏng hết.
Chị Lục kể: “Kẻ được lãi trong suốt thời gian đó là… đàn lợn nhà tôi. Chúng lớn nhanh như thổi. Trong khi đó, anh Hậu tóc bạc trắng, mắt trũng sâu. Người làng đến xem, ai cũng bảo anh ấy bị điên, bị ma ám đấy”.
Anh Hậu nhờ bạn bè mua sách, mò mẫm đọc về chế tạo máy, nồi hơi… chẳng thèm “đính chính” với mọi người vì anh tin chắc mình sẽ thành công.
Niềm vui đổi đời cho bà con
Cuối năm 1995, mớ bánh trắng mịn, thơm mát, mỏng manh và đều chằn chặn nối đuôi nhau bò ra từ chiếc máy khiến anh Hậu nhảy tưng tưng kêu lên: “Thành công rồi! Thành công rồi!”.
Với giá thành “rẻ kinh người” là 10 triệu đồng, chiếc máy của anh Hậu đã giải phóng sức lao động cho rất nhiều người. Ai cũng bảo: “May mà có máy làm bánh của anh Hậu, không thì con cái mình cũng bị vẹo lưng, nẫu phổi hết thôi”.
Nhắc đến chiếc máy đầu tiên của mình, ánh mắt anh Hậu vẫn lộ đầy vẻ sung sướng: “Từ chiếc máy đó tôi đã cải tạo thành máy làm bánh đa nem, làm bún, phở. Những chiếc máy này phức tạp và khó chế tạo hơn nhưng tôi vẫn cải tiến thành công. Tôi đã đi khắp miền lắp đặt máy, hướng dẫn cách sử dụng cho bà con”.
Với chiếc máy của anh Hậu, chỉ cần hai người có thể sản xuất ra 1 tấn bánh mỗi ngày. Trước kia làm bằng thủ công, phải mất 20 nhân công mới song số bánh ấy. Sử dụng máy làm bánh này, ngay cả người đang học việc cũng có thể kiếm từ 100.00 - 200.000 đồng/ngày.
Chị Lục khoe: “Cái máy của nhà tôi ấy à? Không những nó thay cho mấy chục công nhân mà còn làm chín bột trong khoảng thời gian từ 15 - 20 giây nên dai hơn và đảm bảo vệ sinh thực phẩm hơn”.
Tại các cuộc triển lãm nông nghiệp khắp các tỉnh miền Bắc, những chiếc máy của anh Hậu bao giờ cũng là tâm điểm. Sau mỗi chuyến đi như thế, trong sổ tay của anh chi chít lịch đặt hàng làm máy.
Người trong thôn bảo: “Có người khó khăn không đủ tiền, anh Hậu vẫn bán máy cho họ trả sau”.
Hỏi anh Hậu điều gì làm cho anh vui nhất anh bảo: “Đó là có nhiều người từ nhà tranh lụp xụp, cơm chỉ đủ ăn, sau khi sử dụng chiếc máy của tôi đã xây được nhà ba, bốn tầng, có xe máy, có sập gụ, tủ chè. Ai cũng xem tôi là ân nhân của cuộc đời họ. Thế là mình vui rồi”.
Hiện nay, khắp vùng Thanh Lương, Kỳ Thuỷ xuống Phú Đô, Hải Dương, Hải Phòng… chỗ nào cũng có tiếng “máy anh Hậu” chạy ro ro. Bà con khắp nơi phong chiếc máy là chiếc “máy in tiền”. Riêng anh nông dân, chủ xưởng cơ khí Đỗ Duy Hậu cười khà khà: “sáng chế, tối chế gì, chẳng qua thấy vợ con khổ quá nên làm cái máy cho đỡ cực nhọc rồi làm hộ bà con thôi mà. Đói thì đầu gối phải bò. Tôi mừng vì nhiều người nhờ máy ấy mà đủ sống, không bị mắc bệnh như vợ tôi ngày xưa”.
“Anh gàn” Duy Hậu còn thẳng thắn tuyên bố: “Nếu bà con muốn học nghề làm máy để sản xuất thì cứ đến đây, tôi hướng dẫn cho mà làm. Miễn phí!”.
Khám phá “máy in tiền” - Mỗi chiếc máy làm bánh cuốn, tuỳ chủng loại năng suất, có giá từ 10 - 60 triệu đồng đã cho công suất gấp 20 - 50 lần so với cách làm thủ công. - Máy làm bánh cuốn của anh Hậu chế tạo chỉ cần sử dụng điện 100w, 3 viên than hoặc nồi hơi nấu than. Do sử dụng năng lượng ít nên, giá thành sản phẩm hạ xuống. Chất lượng sản phẩm tốt hơn làm thủ công. - Có ba loại máy chính: Máy làm bánh cuốn (cỡ nhỏ và lớn có công suất 500kg - 2.000 kg/ngày, máy làm bánh đa nem (công suất 50.000 - 100.000 chiếc/ngày), máy làm bún (150 - 300 kg/ngày). Xuất khẩu máy Từ một thợ vận hành, sửa chữa máy, anh Hậu đã trở thành nhà sáng chế được nhiều người khen ngợi và tin cậy. Anh Hậu nguyên là thợ vận hành, sửa chữa máy móc công nông cho xã Bích Hoà, Quốc Oai, hà Tây. Vốn liếng hiểu biết về máy móc của anh chỉ dựa vào một khoá học cơ khí ngắn hạn từ năm 1977. Sau khi chế tạo ra máy xay bột nước và máy tráng bánh cuốn, anh Hậu còn nghiên cứu để sáng chế nhiều loại máy khác. Riêng ở Thanh Lương, nhiều hộ làm bánh nhờ máy của anh đã đạt thu nhập hơn trăm triệu đồng một năm. Mỗi ngày làng Thanh Lương cung cấp gần 20 tấn bánh ra thị trường. Chiếc máy làm bánh cuốn, đa nem, bún, phở “made in Đỗ Duy Hậu” đã có mặt khắp mọi nơi miền đất nước: Hoà Bình, Hải Dương, Hải Phòng, TP HCM… Cậu con trai của anh cũng nối nghiệp bố đi lắp đặt máy cho khách. Thời gian gần đây, nghe tiếng chiếc máy của anh, một số Việt kiều ở một số nước Đông Âu, Phap, Nga, Đức... đặt làm máy mang sang để sản xuất. Chiếc máy của anh đã được Sở Thương mại Hà Tây cấp giấy tham gia các hội triển lãm nông nghiệp, các món ăn truyền thống để dự hội chợ trên cả nước. Sáng chế của anh Đỗ Duy Hậu đã được đông đảo bà con khắp mọi nơi tin dùng. Mới đây, anh đã gửi hồ sơ tham dự cuộc thi Nhà nông sáng tạo do Trung ương Hội Nông dân tổ chức. |