Người sáng chế cầu phao bắc qua sông Lục Nam
Trăn trở cảnh “đò giang”
Sinh năm 1956 trong một gia đình nông dân, từ nhỏ ông Chương đã rất thích nghề cơ khí. Ông thường tự sửa chữa những vật dụng quen thuộc của người dân quê ông như thuyền, đò, cày, bừa, xe cải tiến... Do hoàn cảnh riêng, ông chỉ học hết lớp 7 rồi đi bộ đội, gác lại ước mơ trở thành kỹ sư cơ khí. Năm 1983, ông phục viên trở về quê nhà, cuộc sống bộn bề khó khăn, vất vả. Âm thầm nuôi ước vọng làm giàu, vừa làm ruộng, ông Chương vừa mày mò tự học đóng mới nhiều loại nông cụ. Vốn có năng khiếu lại chăm chỉ, ham sáng tạo, những sản phẩm ông làm ra ngày càng đẹp và tiện ích, được nhiều người tìm về đặt hàng.
Tích được chút vốn liếng, đến năm 1989, ông mở một cửa hàng sửa chữa và bán sản phẩm cơ khí ở chợ Kim. Khoảng năm 1994-1995, một số người đã đến đặt ông làm cầu phao bắc qua những sông, suối nhỏ ở khu vực miền núi. Ban đầu, ông cũng ngần ngại vì thấy mình không được học qua trường lớp về cơ khí, liệu có đóng nổi những phương tiện đòi hỏi độ bền, độ an toàn cao và nhiều chi tiết như cầu phao hay không? Nhưng rồi ông nghĩ ở miền núi, vào mùa mưa, nước sông, suối chảy rất dữ, nếu có cầu phao thay thế thuyền, đò thì việc đi lại của bà con sẽ chủ động và an toàn hơn. Vậy là ông hạ quyết tâm đóng bằng được cầu phao. Làm đi rồi làm lại, thấy không ưng chi tiết nào lại tháo dỡ, chỉnh sửa. Đến năm 2000, ông đã hoàn thành 5 cây cầu phao theo đơn đặt hàng của khách. Nhưng đó chỉ là những cây cầu nhỏ.
Trong một lần về quê vợ chơi và nói chuyện làm ăn với họ hàng, cậu em vợ nói đùa: "Anh đóng mấy cây cầu phao thật đấy nhưng toàn làm cho nơi khác thôi, sao không làm cho Mỹ An một cây cầu để đi sang chợ Kim cho tiện?”. Câu nói ấy với ông Chương lại không phải là câu nói đùa nữa. Sống nhiều năm ở khu vực chợ Kim, ông thấu hiểu cảnh vất vả của bà con Mỹ An mỗi khi đưa vải thiều qua sông. Rồi có những ngày phố xá đã lên đèn, mấy chục em học sinh là con em Mỹ An phải đứng chờ đò trong gió rét... Nỗi nhọc nhằn vì cảnh “đò giang” cách trở thôi thúc ông Chương làm cây cầu phao thứ sáu nối liền hai bờ sông Lục.
Trước khi xây dựng cầu, một thời gian dài ông Chương đi xem những cây cầu phao đã hoạt động nhiều năm nay, tìm hiểu từ cách vận hành cầu cho tới từng chi tiết kỹ thuật, tự đánh giá xem mỗi cây cầu có ưu điểm, hạn chế gì, đêm về, ông lại thức trắng với những bản vẽ. Sau hơn hai năm, cây cầu cơ bản hoàn thành nhưng sau khi lắp đặt thử một thời gian thì gặp trục trặc. Vì phải bảo đảm tiêu chí an toàn nên trong năm 2003, ông tiếp tục chỉnh sửa, cải tiến cây cầu và đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện khâu đăng kiểm. Ban đầu, ông dự tính cây cầu hết khoảng 800 triệu đồng nhưng sau đó chi phí bị đội lên tới hơn một tỷ đồng. Thiếu vốn nên ông mời thêm một hộ khác cùng hùn vốn đầu tư xây dựng cây cầu và cho tới năm 2005 cây cầu phao của ông mới hoàn thành chính thức được đưa vào sử dụng.
Nối liền đôi bờ vui
Cây cầu phao do chính ông làm chủ sở hữu hiện nay, về kết cấu, nó cũng không khác nhiều so với những cây cầu phao trước mà ông từng xây dựng. Điều khác biệt lớn nhất chính là cây cầu này “tầm cỡ” hơn hẳn với mức đầu tư 800 triệu đồng dự tính ban đầu, cầu chia thành 11 nhịp với 9 phao đỡ, tổng chiều dài 120m, mặt cắt ngang cầu rộng 3m, tải trọng đáp ứng được xe 2,5 tấn. Toàn bộ phao và hệ thống dầm đỡ đều được lắp đặt bằng sắt kiên cố, mặt cầu dát gỗ ván phẳng lì. Cây cầu còn có hệ thống đóng mở cho tàu thuyền qua lại trong 4 phút nên rất thuận tiện. Theo giải thích của ông Chương, cầu đạt được kỷ lục này là nhờ cặp bản lề vững chắc cùng với một máy kéo, đẩy cực lớn, trong khi những cây cầu phao thông thường hiện nay thời gian đóng mở nhanh nhất cũng phải mất 15 phút. Như một lập trình đã được cài đặt sẵn, mỗi ngày cứ vào khoảng 10 giờ và 14 giờ, một phần hai cây cầu phao này lại rẽ nước áp sát vào bờ để nhường đường cho các phương tiện thuỷ lưu thông.
Hiện tại, việc khai thác cầu phục vụ nhân dân hai bên bờ sông đi lại được ông tổ chức theo đúng quy định của Nhà nước với việc thu phí hợp lý. Tám năm nay, cầu phao "ông Chương" trên cây cầu ấy, người xe qua lại liên tục và cầu đã trở thành con đường vui cho học trò đến lớp, những chuyến xe đầy ắp vải thiều tấp nập lại qua, đường sang chợ Kim bán mớ tôm mớ tép của bà con nghèo Mỹ An cũng vơi bớt nhọc nhằn. Chia sẻ niềm vui của mình từ khi có cây cầu ông Vũ Tiến An, một nông dân xã Mỹ An trên đường đi chợ từ thị trấn Chũ về vui vẻ cho biết: “Nhờ có anh Chương nên giờ tôi mới được đàng hoàng cưỡi xe máy vượt qua sông đấy nhà báo ạ!”. Chúng tôi hiểu, đằng sau lời nói vui của ông An là cả một niềm day dứt kéo dài hàng chục năm trời của những dân nơi đây. “Từ ngày có cầu, ngoài những thuận tiện trong sinh hoạt, đời sống của người dân xã Mỹ An ngày một khấm khá hơn. Nông sản làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đấy. Đặc biệt những con đò ngang chòng chành, nguy hiểm ngày nào giờ đã trở thành dĩ vãng”, - ông Chất một cán bộ xã chia sẻ.
Ông Chương cho biết, với giá vé như hiện nay, có lẽ phải mười năm nữa ông và cộng sự mới thu hồi đủ vốn xây dựng cây cầu. Với số tiền hơn một tỷ đồng, nếu đầu tư buôn bán những mặt hàng khác, ông có thể thu hồi vốn nhanh hơn và có lãi nhiều hơn, nhưng ông vẫn quyết làm cây cầu phao. Giờ đây, ngày ngày được thấy bà con đi lại thuận tiện, thấy sức lao động, sáng tạo của mình mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều người, với ông Chương, đó là niềm vui lớn hơn hết thảy.
Nhiều người còn nhớ vào một trưa nắng đầu năm 2008, có hai cậu sinh viên Ðăng và Khoa nhễ nhại mồ hôi hỏi thăm người đi chợ Kim: "Chúng cháu muốn tìm nhà thầy Chương học nghề làm cầu phao". Ðể rồi sau hơn một năm, quê hương hai thanh niên ấy xuất hiện cây cầu đầu tiên vươn mình ngang sông Bứa đoạn qua xã Quang Húc (Tam Nông - Phú Thọ). Từ đó, dân làng quen gọi "cầu sinh viên" để chỉ đường mỗi khi có khách ở xa về. |