Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 24/01/2011 22:07 (GMT+7)

Người nông dân đầu tiên sản xuất thành công nghêu giống

Thành công của ông có ý nghĩa khi hiện nay nghề nuôi nghêu thương phẩm – cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nghêu xuất khẩu góp phần mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước – đang phải phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên. Ngoài ra, ông cũng là một trong những người tiên phong và thành công trong mô hình nuôi nghêu thịt ở Tiền Giang với lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng.

Ấp ủ một giấc mơ

Ông Vinh vốn là một trong những người nuôi nghêu thịt có tiếng ở vùng đất Gò Công với lợi nhuận hàng năm tính bằng bạc tỷ. Còn mảnh đất khoảng 10.000 m 2mà ông đang xây dựng trang trại sản xuất nghêu giống nằm ngay cạnh khu du lịch biển Tân Thành với trị giá cũng vài tỷ đồng.

Có lẽ với nhiều người dân vùng biển ở độ tuổi trạc lục tuần cũng đã rất hài lòng với những gì mà hiện tại ông có được. Thế nhưng đối với chú Bảy thì khác, chú không an phận với hiện tại, không vội nghỉ dưỡng khi sức khoẻ vẫn còn tràn đầy. Từ chỗ khó khăn trong nghề nghiệp và những cảm thông cho bà con nuôi nghêu thịt, ông đã nuôi dưỡng trong lòng ước muốn sản xuất ra con nghêu giống nhân tạo để cung cấp cho bãi nghêu nuôi của mình và bà con trong khu vực.

Ông kể: “Tôi đã gắn bó với nghề nuôi nghêu gần 15 năm, từ khi vùng nuôi nghêu ở Tiền Giang mới hình thành, lúc đó nghêu thịt chỉ bán thị trường nội địa với giá thấp từ 1.500-2.000 đ/kg. Qua thời gian nuôi nghêu, tôi nghiệm ra rằng việc chủ động được nguồn giống là vấn đề rất khó khăn. Vì nhiều năm, bãi nghêu của tôi không tìm được nguồn giống để thả nuôi mặc dù chấp nhận mua với giá cao, đành phải phơi bãi chờ vụ sau”.

Ông cho biết: “Mặc dù giấc mơ sản xuất ra được con giống nhân tạo đã ấp ủ trong lòng nhưng cho đến năm 2007, khi nghe tin Trại giống Tân Thành (Trung tâm giống Thủy sản Tiền Giang) đã thành công trong quy trình sản xuất nhân tạo nghêu giống thì tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Lúc đó, tôi mừng như “bắt được vàng” nên đăng ký học ngay trong thời gian 1 tháng. Học xong, tôi về cùng 3 đứa con trai về áp dụng tại gia đình, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thử nghiệm quy mô nhỏ với tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Lần cho nghêu đẻ đầu tiên, tôi thất bại vì nghêu không đẻ được, rồi lần 2,3 … Con tôi khuyên tôi nên bỏ nghề vì cho đẻ nhiều lần mà vẫn không thành công. Tôi động viên các con “có công mài sắt có ngày nên kim” … và cuối cùng quy trình sản xuất nghêu giống cũng dần ổn định với tỷ lệ nghêu sống khoảng 10%”.

Đến những đam mê

Nghêu giống cấp II giải quyết khó khăn cho người nuôi và góp phần bảo vệ nguồn giống tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Chín, doanh nhân người Mỹ gốc Việt - thành viên Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ (NFI) là bạn ông Vinh nhận định: “Làm nghề sản xuấtnghêu giống này phải có lòng đam mê, chỉ có đam mê mới đem lại thành công cho Bảy Vinh và khi thành công thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế”.

Ông Vinh cười và gật đầu đồng ý với những gì chú Chín nói. “Để có được quy trình sản xuất nghêu giống ổn định và cơ sở vật chất như hiện nay là cả một quá trình tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo và học hỏi không ngừng”. Chú Chín nói thêm.

Thật vậy, để có trại sản xuất giống với quy trình hoàn chỉnh như hiện nay, ông đã tự thiết kế từ những bể đẻ, bể ấp bằng nhựa. Rồi các bể ương nghêu xây như thế nào với mực nước bao nhiêu? Mái che thiết kế như thế nào cho nhiệt độ thích hợp với sự sinh trưởng con nghêu? Làm sao cho nghêu đẻ đồng loạt với hiệu quả cao nhất? Làm gì tỷ lệ nghêu sống cao nhất trong quá trình ương?... Đó là hàng loạt các vấn đề mà ông Vinh đã phải giải quyết trong quá trình sản xuất của mình.

“Để có đủ dụng cụ cần thiết cho trại giống, tôi phải tự thiết kế và vẽ mẫu, rồi đặt hàng tại các hãng nhựa. Các nhóm dụng cụ như bể ương bằng ximăng, mái che giữ nhiệt … dùng cho ương nghêu được tôi xây ngang, rồi đập phá cho xây dọc, làm sao để tìm ra được phương pháp tối ưu nhất. Do đó, trong trại của tôi, nếu thấy chỗ nào được xây dựng kiên cố bằng bê tông thì khu vực đó đã hoàn chỉnh, còn khu vực nào xây dã chiến thì nơi đó vẫn tiếp tục nghiên cứu và có thể bị phá đi. Bởi vậy, nếu ai hỏi tôi đã đầu tư vào cơ sở vật chất ở trại giống này bao nhiêu (ngoài tiền mặt bằng) thì tôi trả lời là khoảng 1,4 tỷ đồng nhưng nếu hỏi xây dựng trại như vậy cần vốn bao nhiêu thì số tiền cần chỉ khoảng 700 triệu đồng” - ông Vinh giải thích.

Cho nghêu đẻ, nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng nhiều chuyên gia, nhiều trại giống được đầu tư tiền tỷ nhưng cuối cùng đành phải chịu thất bại. Vì đối với con nghêu, ngoài trình độ khoa học kỹ thuật còn phải có lòng yêu nghề, niềm đam mê và lòng kiên nhẫn, chỉ cần một sơ ý nhỏ thôi cũng dẫn tới thất bại. Anh Thuận, con trai trưởng của ông Vinh, kể: “Con nghêu thấy vậy chứ cho đẻ gian nan lắm, lại rất dễ mẫn cảm với môi trường nước. Nước dùng để cho nghêu đẻ, ấp và ương nghêu cấp I trong trại đều được lọc qua than hoạt tính và hệ thống lọc nước sử dụng cho nước uống con người, hoàn toàn không sử dụng hoá chất. Cách đây khoảng 3 năm, bỗng nhiên có 2 đợt ương liên tiếp, nghêu đều không rớt đáy, chuyển giai đoạn. Kiểm tra lại thì tất cả các khâu kỹ thuật đều đảm bảo, chất lượng nước cũng ổn định… Cuối cùng phát hiện ra là do thuốc trừ sâu bên vườn nhà kế bên bay sang”.

Mặc dù được chuyển giao kỹ thuật, nhưng qua thời gian vừa nghiên cứu vừa sản xuất gần 4 năm, ông Vinh đã cải tiến rất nhiều trong quy trình, phát hiện ra rất nhiều điều khác với nhận định của các “đàn anh” trong nghề. “Mọi người đều cho rằng con nghêu rất sợ tiếng động nên khi nghêu đẻ tuyệt đối để yên tĩnh. Nhưng tôi phát hiện ra rằng, khi nghêu đẻ thì tác động bên ngoài không ảnh hưởng đến chất lượng đẻ của nghêu. Do đó, thay vì xếp nghêu bố mẹ cố định trong bể đến khi nghêu đẻ xong thì vớt trứng đem ấp, tôi xếp nghêu vào các khai nhựa và theo kinh nghiệm, tới khi thấy nghêu đẻ trứng với một lượng vừa phải thông qua độ đục của nước. Lúc đó, lấy khai nghêu cho vào bể đẻ khác với môi trường nước hoàn toàn mới, nghêu sẽ đẻ tốt hơn. Với cải tiến này, lượng trứng nghêu có thể tăng gấp 3-4 lần”.

Để tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng nghêu giống, ông Vinh còn thiết kế bể đẻ tuần hoàn với hệ thống lọc nhớt nghêu và ống dẫn trứng tới bể ấp tự động. Thiết bị này giúp trứng nghêu không tiếp xúc với nhớt do nghêu mẹ tiết ra trong quá trình đẻ, giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và tiết kiệm được nhân công theo dõi nghêu đẻ và đem trứng ra bể ấp …

Và vị ngọt thành công

Thu hoạch Nghêu ở bãi biển Tân Thành (Tiền Giang).

Từ chỗ sản xuất thử nghiệm với diện tích khoảng 100 m 2, đến nay, trại nghêu giống của ông Bảy Vinh có diện tích gần 10.000 m2, trong đó diện tích khu vực cho nghêu đẻ và ương nghêu cấp I là 2.000m 2, cấp II là 5.000 m 2và diện tích còn lại là các ao, bể lắng nước, nuôi tảo …

Mặc dù, quy trình sản xuất nghêu giống chưa thật hoàn chỉnh, vẫn con một chặng đường dài đang chờ phía trước nhưng với những thành công bước đầu là kết quả khích lệ cho tình thần ham học hỏi, say mê với nghiên cứu của người nông dân này. “Từ đầu năm đến nay, trại của tôi cho 300kg nghêu bố mẹ sinh sản, thu được 300 triệu ấu trùng, sau đó, ương lên nghêu cỡ 200.000 con/kg với giá bán 25đồng/con đạt doanh thu 750 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi được 600 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng hệ thống ương nghêu cấp II tại trại, tôi thu mua nghêu giống tự nhiên với số lượng 75 triệu con về ương trong thời gian 3 tháng, thu được 37 triệu con nghêu cấp II với giá 7đ/con, trừ chi phí lãi được 326 triệu đồng. Riêng đối với hoạt động nuôi nghêu thịt thì tôi lời được 200 triệu đồng vì nghêu bị chết khoảng 60% trong đợt nắng nóng kéo dài vào tháng 4-5”.

Hiện nay, khách hàng mua nghêu giống của ôngBảy Vinh không chỉ là bà con trong khu vực mà còn có nhiều ngư dân tận Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Nội … Nhiều đoàn khách tham quan từ Nam chí Bắc đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại trại giống của ông. Mới đây, tỉnh Hải Dương đã cử đoàn tham quan trại sản xuất giống của chú và đặt vấn đề chuyển giao kỹ thuật.

Dù đến và thành công với nghề xuất phát từ nhu cầu cá nhân nhưng ông Bảy Vinh cũng không quên trách nhiệm xã hội. “Trước đây, vào tháng 7-8, biển Tân Thành bị bồi lắng bùn nên nguồn nghêu giống tự nhiên bị hao hụt rất cao. Do đó, vào thời điểm này nghêu loại 300-400 ngàn con/kg được bán ra các tỉnh miền trung để ương lên loại 2-3 ngàn con/kg và bán ngược vào khu vực này để thả nuôi. Thấy được bất cập này nên tôi đã hướng dẫn kỹ thuật tận tình cho bà con trong khu vực có nhu cầu ương nghêu từ nguồn nghêu giống tự nhiên, được ứng dụng từ kỹ thuật ương nghêu nhân tạo, để cùng sản xuất. Hiện nay, ở vùng biển Tân Thành đã hình thành làng ương nghêu giống với khoảng 80 cơ sở hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần mang lại việc làm cho người dân địa phương”. Ngoài ra, ở địa phương, ông cũng là một mạnh thường quân có lòng hảo tâm, luôn đi đầu trong các cuộc vận động xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, xây dựng công trình giao thông nông thôn, tặng quà cho các em học sinh nhà nghèo học giỏi …

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền ông Vinh được tuyên dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và mới đây nhất tại Festival Thủy sản Việt Nam (lần I) được tổ chức tại Cần Thơ, ông đã được công nhận là “Gương điển hình đóng góp cho sự phát triển ngành Thủy sản Việt Nam”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.
Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam
Ca khúc: “Tự hào Liên hiệp Hội Việt Nam”. Nhạc: Doãn Nguyên. Lời thơ Lê Cảnh Nhạc. Tập thể cán bộ, phóng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển cùng Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển biểu diễn tại Hội thảo khoa học: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”, ngày 26/12/2024, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Phó Chủ tịch VUSTA được trao tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3
Chiều ngày 22/12/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của cơ quan, Đảng bộ và các đoàn thể cơ quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
An Giang: Tổng kết nhiệm vụ năm 2024
Chiều ngày 30/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027. Hội nghị tập trung đánh giá hoạt động năm 2024, thống nhất bổ sung hội viên mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.