Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 30/07/2005 15:38 (GMT+7)

Người nhân giống thành công loài cá bống tượng

Lúc nhỏ, Nguyễn Văn Tiếu (Tám Tiếu) được lũ bạn cùng xóm ở Bình Đức, Châu Thành, Tiền Giang phục lăn bởi tài ép phối giống cá.

Ra đồng giữ trâu, Tám Tiếu vớt cá lia thia, cá phướn, cá bảy mầu về thảy vô thạp mày mò ép cho chúng đẻ rồi nuôi cá con đầy trong các keo, lọ chờ ngày “chiến đấu”.

Lớn lên, Tám Tiếu đi kháng chiến và từng giữ các chức vụ: Ủy viên Thành ủy TP Mỹ Tho, Phó ban Dân vận Thành ủy thành phố Mỹ Tho. Dù bận rộn trăm công ngàn việc nhưng niềm đam mê nuôi cá nơi ông Tám vẫn không nguôi. Bởi vậy, được đơn vị cho về quê năm 1981, ông Tám vội vàng khăn gói sang Bến Tre tầm sư học nghề ương nhân giống cá, chiết cành. Ông kể: Lúc ấy, phong trào VAC (vườn - ao - chuồng) đang phát triển mạnh, học nghề xong tui về quê khai phá miếng đất hoang tại căn cứ địa Đồng Tâm trồng cây, nuôi heo và dành nhiều diện tích để nuôi cá: Ban đầu tui ép mấy giống đơn giản như cá phi, cá chép... để nuôi và bán lại cho bà con trong xóm. Rồi nghe bà con hỏi nhiều về giống cá tai tượng, tui tập tành ép thử, gần nửa năm thì cá bột sống được”. Thời điểm đó, số người ương được cá tai tượng giống còn đếm trên đầu ngón tay.

Từ thành công trong việc ép cá tai tượng, ông Tám được mời tham dự Hội nghị Nghề cá do Bộ Thủy sản tổ chức tại TP Hồ Chí Minh năm 1993.

Trong hội nghị, Bộ Thủy sản gợi ý với các kỹ sư về tiềm năng của cá bống tượng, một loại cá có chất lượng thịt cao, thị trường xuất khẩu rộng nhưng chủ yếu còn khai thác trong tự nhiên, nếu ương giống thành công sẽ mang lại hiệu quả lớn, vậy là ý tưởng ương cá bống tượng giống "ám ảnh” ông từ đó.

Nghe tin ông Tám Tiếu có ý định ương cá bống tượng giống, trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cử ngay một nhóm kỹ sư về phối hợp. Một trăm rưỡi cặp cá bống tượng bố mẹ được ông Tám mua về thuần dưỡng chờ ngày cho trứng. Mẻ cá bống tượng giống đầu tiên ra đời trong sự mừng rỡ khôn cùng của ông Tám và nhóm kỹ sư. Tuy nhiên, niềm vui chỉ kéo dài đúng một tuần, sang ngày thứ tám, cá bột chết sạch! Liên tiếp hàng chục, hàng trăm mẻ sau đều như vậy.

Quá ngỡ ngàng, ông Tám và các cộng sự như từ trên trời rơi xuống. Hàng loạt giải pháp tức thời được đưa ra như thay đổi môi trường nước, thức ăn, độ pH... nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Cá bột cứ chết đúng vào ngày thứ tám như một định mệnh.

"Sau vụ đó, ông như người mất hồn. Mấy ông kỹ sư thấy khó đạt kết quả bỏ về thành phố hết trơn, còn một mình, ống lại ương, cá lại chết...”, bà Tám nhớ lại thời chồng mình làm... dã tràng.

Không còn hy vọng, ông Tám đành ngưng ương cá bống tượng.

Bí quyết thành công

Nói là nói vậy chứ niềm đam mê một đời lẽ nào chấm hết trong lòng tay nuôi cá già dặn này. Câu hỏi ‘Tại sao cá bống tượng con chết’ cứ lảng vảng  trong đầu ông từ bữa ăn đến giấc ngủ. Và chính trong những đêm thức trắng, ông đã khám phá ra điều bí mật của cá bống tượng. Đó là một đêm cuối thu năm 1994, trong lúc đi thăm ao cá, tình cờ ông Tám rọi đèn xuống nước và thấy cặp cá bống tượng bố mẹ đang ăn. Một ý tưởng mới vụt lóe lên trong đầu ông.

Ông Tám âm thầm bắt tay ương lại cá bống tượng giống trước cặp mắt ngơ ngác của vợ con. Lần này, bao nhiêu căng thẳng lại dồn vào ngày thứ tám. Ông Tám hồi hộp đi từng bước chậm ra thăm ao cá. Cá bột vẫn sống! Ông Tám nhẹ cả người. Ngày thứ chín căng như dây đàn rồi cũng trôi qua, ngày thứ mười nhích dần từng phút, ngày thứ mười một, ngày thứ mười hai, nửa tháng, một tháng, ông Tám đứng bên hồ ương lứa cá bống tượng giống thành công mà rưng rưng nước mắt. Ông kể lại: “Khi thấy cặp cá ăn trong đêm tui mới giật mình nhớ lại: từ xưa đến giờ có ai thấy cá bống tượng ăn ban ngày bao giờ đâu. Có lẽ loại cá này “mạng âm", chỉ sinh hoạt vào ban đêm, ban ngày thì ngủ. Trước kia mình toàn cho cá bột ăn vào ban ngày, nó ăn không được nên khi sử dụng hết chất dinh  dưỡng trong trứng là chết”.

Nguyễn Văn Tiếu trở thành người đầu tiên ương cá bống tượng giống thành công với bí quyết cho cá ăn ban đêm làm nhiều người vỡ lẽ. Dĩ nhiên đó không phải là sự may mắn tình cờ.

Tấm lòng "ông mụ” cá

Thời điểm này, trại cá giống Tám Tiếu là nơi cung cấp cá bống tượng giống lớn nhất nước. Bạn hàng thường xuyên của ông Tám là các trang trại sản xuất cá thịt ở Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), Singapore, Campuchia... với nhu cầu khoảng 2 triệu con giống mỗi năm.

Trong nước, ngoài chuyện để lại con giống bống tượng cho bà con nuôi với giá rẻ, ông Tám còn sẵn lòng hướng dẫn bất cứ ai muốn học ép giống loại cá này. Theo ông, loại cá này lớn nhanh, giá cao (không dưới 150.000 đồng/kg), tiềm năng xuất khẩu lớn, là "con cá xóa nghèo” cần phải phổ biến cho nhiều người biết. Tuy nhiên, với đối tác nước ngoài ông Tám lại tỏ ra ích kỷ". Nhiều lần ngành thủy sản tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) và Đài Loan mời ông sang hướng dẫn họ ương cá bống tượng với mức lương 1.000 USD/tháng nhưng lấy cớ tuổi già sức yếu, ông không đi. "Cá giống mình làm ra chủ yếu bán cho bên đó chỉ họ biết rồi sau này dân mình bán cho ai?”, ông Tám tâm sự.

Ở tuổi 70, có trong tay một bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai bằng khen của Bộ Thủy sản, nhiều bằng khen của UBND, Sở Thủy sản tỉnh Tiền Giang, một cơ ngơi ổn định, một trại cá giống với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm nhưng ông Tám vẫn chưa chịu “an phận thủ thường”. Hồ ương cá giống của ông vừa xuất hiện bốn cặp giống một loại cá mới: bạch tượng phát tài (một giống cá cảnh hiếm, thịt ngọt) mà ông lạc quan cho rằng tương lai còn tốt đẹp hơn cả cá bống tượng. Hãy chờ xem lần này “ông mụ” có mát tay hay không?
                                Nguồn: nhandan.com.vn        9/7/2005

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).