Người nặng lòng với văn hóa dân tộc
Năm 1965, khi đang là sinh viên ngành triết học tại Đại học Huế, Thái Kim Lan theo học sinh ngữ và tham khảo sách về triết tại Trung tâm Văn hoá thuộc Viện Goethe Sài Gòn đặt tại Huế, bà được trợ cấp học bổng sang Đức học tiếp về tiếng Đức... Sau hai năm rưỡi học sinh ngữ, bà xin được một học bổng tiếp tục học khoa Triết và bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại Đại học Ludwig – Maximilian, Munich. Từ 30 năm nay, bà là giảng viên về triết học và Phật giáo tại trường Đại học này.
Xa quê hương đã mấy chục năm, nhưng trong sâu thẳm trái tim bà hình ảnh quê hương luôn hiện hữu và bà luôn hướng về quê hương, đất nước với những tình cảm chân thành. Bà bày tỏ: “Nhiều người cùng thế hệ chúng tôi, ngay từ khi mới đi du học, đã ao ước đến ngày được trở về để thực hiện lý tưởng giúp đỡ quê hương. Năm 1991, khi Việt Nam mới mở cửa kinh tế, tôi là một trong những người Việt đầu tiên đứng ra thành lập Hội giao lưu văn hoá Đức - Việt. Tôi đã làm thuyết khách để khuyến khích người Đức sang Việt Nam đầu tư. Tôi cũng rất hay về nước, tham gia giảng dạy và tổ chức các hội thảo khoa học...’.
Tiến sĩ Thái Kim Lan đã tham gia nhiều hoạt động làm cầu nối cho giao lưu văn hoá – khoa học Việt - Đức. Bà tích cực tham gia Trung tâm Bảo tồn & Phát triển Văn hoá Dân tộc, tài trợ cho Trung tâm mở hội thảo khoa học và nghiên cứu văn hoá dân tộc. Đặc biệt, năm 2002, bà đã tự bỏ tiền cá nhân mời cả đoàn tuồng Đào Tấn, GS.TS Trần Văn Khê, GS. Hoàng Chương từ Hà Nội sang CHLB Đức để giới thiệu vở tuồng Đông Lộ Địch. Trước đó một năm, bà đã bỏ ra số tiền 10 ngàn USD tài trợ cho Nhà hát tuồng Đào Tấn dựng lại vở Đông Lộ Địch của Ưng Bình Phúc Giạ Thị chuyển dịch từ tác phẩm Le Cid của Corneille thành một vở tuồng truyền thống Việt Nam. Các buổi biểu diễn trên nước bạn đã được khán giả Đức rất ủng hộ. Bà tâm sự: “Tôi không nghĩ việc làm của mình lại gây được sự thích thú cho khán giả Đức như vậy. Mọi người rất thích, có thể nói là thị hiếu của người Đức bị đánh thức khi đoàn tuồng Việt Nam sang diễn, có sự thuyết giảng của giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp sang, mọi người hiểu được ý nghĩa của tuồng Việt Nam, và vì thế, chương trình rất thành công“.
Tại nhà riêng |
Nói về giải thưởng Đào Tấn, TS Thái Kim Lan bày tỏ: “Tôi bất ngờ khi nhận giải thưởng này. Tôi mê tuồng hát bội từ khi còn thơ ấu, được nghe bà nội kể chuyện tuồng và theo bà đi xem hát bất cứ ở đâu có diễn tuồng. Tôi đã đến với môn nghệ thuật này bằng linh cảm vè “thiện mỹ“ mà bà nội tôi và các nghệ nhân, không gian văn hoá cũng như nếp sống con người Huế thời ấy truyền đạt cho tôi. Có thể nói sự đam mê đến từ ngõ ngách ấy và chính nó thúc đẩy tôi sau bao nhiêu năm xa quê hương thực hiện những bảo trợ cho nghệ thuật tuồng“.
Là một người Huế truyền thống lại giảng triết học trên một nước châu Âu, bà cho biết đã có những thay đổi trong con người bà. Nhưng đó chỉ là những thay đổi của tư duy, của một cách sống bề ngoài để dễ dàng hoà đồng hơn với xung quanh. Còn trong tim bà, bà vẫn là người Việt Nam thuần tuý. Bà tâm sự: “Bằng chứng“ là tôi đã lấy một người chồng Việt Nam cũng đi du học bên Đức, và cùng chồng dạy dỗ con gái trở thành một cô gái có nhiều nét truyền thống Huế, từ giọng nói, sự hiểu biết, đến tình thương dành cho Huế và Việt Nam. Mai Lan năm nay 24 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng nói giọng Huế hệt như tôi và biết nhiều về Huế lắm“.
Đặc biệt, giữa cái không gian hoàn toàn Đức, ngôi nhà riêng của bà lại có kiến trúc theo kiểu làng quê Việt Nam. Nhà một tầng, trong nội thất được trang trí hầu hết vật dụng là Việt Nam. Tất cả đều bằng tre, đến cái cửa ra vườn cũng bằng tre và hàng rào cũng bằng tre, tạo nên cảm giác làng quê Việt Nam rất rõ nét. Bàn thờ Phật trong ngôi nhà của bà được trang hoàng giống hệt như ở nhà chùa, có chuông, có mõ, có kinh, có nhang đèn và tượng Quan Âm Bồ Tát. Nơi đây, mỗi buổi tối, TS Thái Kim Lan ngồi nhiều giờ tụng kinh niệm Phật. Bà thường mặc áo dài mầu lục, đeo kiềng vàng giống hệt như một phụ nữ Huế xưa. Cái chất Âu châu chỉ thấy được ở TS Thái Kim Lan khi bà đứng trên bục giảng với sinh viên Đức hoặc lúc giao lưu với người Đức. Lúc đó bà nói tiếng Đức như nói tiếng mẹ đẻ với những điệu bộ rất Đức, nhất là khi bà thuyết trình về nền văn hoá Việt Nam, về tuồng Việt Nam thì thao thao bất tuyệt, khiến cho người nghe phải chú ý và nể phục.
TS Thái Kim lan còn là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tuỳ bút... Bà đã tuyển chọn, dịch và giới thiệu Tuyển tập văn học Đức - Việt về B. Brecht và Hermann Hesse. Năm 1980, bà nhận Giải nhất giải thưởng “Người nước ngoài sáng tác bằng tiếng Đức“ tại đại học Munich về chùm tác phẩm 12 bài thơ.
Là một người con xứ Huế rất thiết tha với văn hoá dân tộc, luôn muốn thể hiện và giới thiệu văn hoá và văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, nữ trí thức mang tâm hồn Việt Nam ấy đã góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc.
Nguồn: Tạp chí Quê hương, số 1/2008