Người nắm giữ bí quyết bảo vệ những cây cầu thép
Ít ai biết rằng, để những công trình kết cấu thép tồn tại bền vững được với thời gian trước sức tấn công ăn mòn của môi trường và khí hậu khắc nghiệt, người ta phải dùng đến những loại sơn đặc chủng để bảo vệ nó. Trước đây, Việt Nam phải nhập khẩu những loại sơn này bằng ngoại tệ. Còn nay, nhờ những công trình nghiên cứu thành công ở trong nước, Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất các loại sơn đặc biệt này. Và PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thuỷ chính là người đang nắm giữ những bí quyết ấy.
Trò chuyện với chị tại xưởng sơn của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, tôi không sao ngăn được dòng cảm xúc về một người phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh và đam mê nghề. Môi trường tại xưởng sơn rất độc hại, vậy mà bao nhiêu năm qua người phụ nữ này vẫn miệt mài tại đây với nhiều công trình sáng tạo, thử nghiệm lớn cho ngành giao thông vận tải.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thuỷ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, được ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực chế tạo vật liệu mới và công nghệ bảo vệ các công trình giao thông vận tải. Chị đã trực tiếp chủ trì 29 đề tài và đồng tham gia 40 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ. Trong đó có những công trình đã được đưa vào ứng dụng thành công trong thực tiễn. Điển hình như công nghệ sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm; sơn bảo vệ kết cấu thép thân thiện môi trường; sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm; quy trình chế tạo sơn giàu kẽm vô cơ để bảo vệ thép chờ trong xây dựng; quy trình chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa để nâng cao chất lượng bê tông nhựa đường trong điều kiện khai thác ở Việt Nam... Đó là những công trình nghiên cứu giúp tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, phục vụ phát triển bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy giới thiệu với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
một loại sơn chuyên dùng cho các công trình xây dựng, nhân dịp Phó Thủ tướng đến thăm
và làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải. Ảnh: Tư liệu
PGS.TS Bích Thủy nhận giải thưởng Kovalevskaia. Ảnh: Tư liệu
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy cùng các chuyên gia nước ngoài tại một công trình do chị trực tiếp tham gia xử lý chống ăn mòn. Ảnh: Tư liệu
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy cùng các cộng sự ở Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải
tiến hành kiểm tra chất lượng các mẫu sơn tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Trần Thanh Giang
PGS.TS NGuyễn Thị Bích Thủy cùng các cộng sự sử dụng máy đo phản quang
kiểm tra chất lượng các loại sơn vạch đường. Ảnh: Trần Thanh Giang
Đặc biệt, công trình nghiên cứu sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép của chị đã được ứng dụng thành công trong nhiều công trình lớn, điển hình như ở cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), cầu Chương Dương, cầu Đuống (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).... Công trình này đã nhận được 2 Cúp vàng tại Hội chợ Khoa học Công nghệ Việt Nam (năm 2005 và 2009). Hoặc như công trình nghiên cứu sản suất loại sơn men tuổi thọ lớn hơn 15 năm, có khả năng bảo vệ các công trình kết cấu thép nằm trong môi trường dễ bị ăn mòn như nước biển, dưới lòng đất... của chị cũng đã đoạt giải nhì VIFOTEC năm 2013. Với những loại sơn này, khả năng chống ăn mòn, gỉ sét của các công trình được tăng lên đến 15 - 20 năm, hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Vì thế điều này rất có ý nghĩa đối với một đất nước có thời tiết khí hậu khắc nghiệt như Việt Nam.
Công việc vất vả lại phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại nhưng PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy luôn nỗ lực vượt khó vươn lên vì niềm đam mê cháy bỏng. Chị Thuỷ tâm sự, có những dự án mà chị và các cộng sự phải thức trắng 4 đêm liền ngay tại công trình để giám sát, nghiệm thu kỹ thuật.
Để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài niềm đam mê và nỗ lực của bản thân, chị còn có một bệ đỡ tinh thần rất lớn từ gia đình và đồng nghiệp. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm khoa học, nên đó cũng là điểm tựa giúp chị có thêm niềm tin và nghị lực khi phải đối diện với những khó khăn và thử thách trước những vấn đề nghiên cứu hóc búa.
Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, chị đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2002, chị được Bộ Giao thông Vận tải trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giao thông Vận tải, năm 2010 được phong hàm Phó giáo sư. Và đặc biệt, năm 2014 này, chị vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng danh giá thường niên dành tặng cho những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống./.