Người mở cửa văn hoá Việt ra thế giới
Hội làng Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) năm 2011 to lắm, bởi nó đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Những ông hiệu cờ vui vẻ dựng lại qua trận đánh mình được nghe, được học từ xưa mà mình còn nhớ. Chẳng gì cũng bẵng một thời gian Hội làng Gióng không được tổ chức vì nhiều lý do. Và hội làng khi được phục hồi có chuyện cũng bởi cách dựng lại trên trí nhớ. Chẳng hạn, cách chạy trận đã bị sai khi các ông hiệu chạy trận đầu theo chiều kim đồng hồ, còn trận sau thì ngược lại.
“Trên thực tế và trong nghiên cứu cách đây hơn 70 năm, từ 1938 của GS Nguyễn Văn Huyên thì vấn đề thuận và nghịch là một bản chất triết lý quan trọng của Hội Gióng. Trận đầu phất cờ ngược kim đồng hồ nên trận đánh tuy thắng nhưng chưa thắng toàn vẹn. Trận sau, phất cờ thuận kim đồng hồ nên giành thắng lợi trọn vẹn”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trao đổi. Ông Huy cũng là con trai út của GS Huyên.
Từng được đọc những nguyên lý này trong các nghiên cứu của cha mình, lúc Hội Gióng đang thịnh hành ở thời điểm đỉnh cao, PGS.TS Nguyễn Văn Huy luôn chú trọng việc làm sao để di sản được giải thích chính xác. Với trường hợp một biểu tượng của Hội Gióng bị dựng sai, ông Huy lưu ý: “GS Nguyễn Văn Huyên đã viết khi hành động theo tư tưởng "nghịch", trái với trật tự tự nhiên hay sự vật đã được an bài, thì hòa bình là mong manh và niềm an lạc sẽ chỉ là nhất thời".
Trên thực tế, cũng chính những nghiên cứu về Hội Gióng của GS Nguyễn Văn Huyên đã được dùng để xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho Hội Gióng. Nghiên cứu này được ông Huyên thực hiện khi làm việc cho Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội.
Trước khi trở thành thành viên của viện này, ông là tiến sĩ người Việt Nam đầu tiên tại trường đại học danh tiếng Sorbonne (Paris). Chủ tịch Hội đồng chấm luận án, GS Vendryès, coi đây là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Sorbonne”.
Trong nghiên cứu đó, Nguyễn Văn Huyên là người đầu tiên sử dụng khái niệm Đông Nam Á như một vùng văn hóa lịch sử. Hai bản luận án của ông được Nhà xuất bản Paul Geuthner in thành sách và đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn ở Pháp, Đức, Hà Lan khi đó... Sau này nó còn là cẩm nang cho các nhà nghiên cứu bước vào địa hạt dân tộc học, văn hóa học tại Việt Nam.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Bác cổ thời đó Georges Coedès đánh giá rất cao vị ủy viên thường trực là người Việt Nam duy nhất của cơ quan khoa học này. Bởi, bên cạnh nền tảng đào tạo vững chắc tại Pháp, ông Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh.
Nhờ đó, ông Huyên có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện nổi. “Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê Việt Nam”, ông Georges Coedès cho biết.
Chỉ trong hơn mười năm (1934-1945), GS Nguyễn Văn Huyên đã công bố 46 công trình nghiên cứu, hầu hết bằng tiếng Pháp. Các công trình nghiên cứu của ông bao quát nhiều lĩnh vực: sử học, dân tộc học, folklore học, xã hội học... Trong đó, ông đi từ sự miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, chính xác từng sự kiện văn hóa - nhân văn đến những khái quát khoa học về thể loại dân ca, về cội nguồn dân tộc. Đích hướng tới của ông là làm sáng tỏ và khơi dậy niềm tự hào về nền văn minh Việt Nam trong bối cảnh đất nước còn đang bị đô hộ, đang bị thực dân “khai hóa văn minh”.
Việc đi sâu miêu tả cái cụ thể tỏ ra đặc biệt có giá trị khi sự kiện văn hóa dân gian ấy đã mất đi hay đã bị biến đổi, méo mó theo một xu hướng nào đó. Trường hợp ghi chép của Hội Gióng là một ví dụ.
Cách thu thập tư liệu điền dã này đã có từ thời Lê Quý Đôn, tuy nhiên đó vẫn là cách đi điền dã của người ngày xưa. Trong khi đó, có thể nói với ngành dân tộc học Việt Nam, ông Huyên là người đầu tiên sử dụng các phương pháp khoa học hiện đại cho việc điền dã đó.
Chẳng hạn, ông đã sử dụng điều tra xã hội học và bảng hỏi để phỏng vấn rất nhiều đối tượng khác nhau ngay từ khi đang làm luận án tiến sĩ. “Khi ông viết về Hội Gióng hay Hội Lý Phục Man thì ông phải ở đấy cả tháng, quan sát rất tỉ mỉ. Hiện nay, ở nhà vẫn còn giữ được mấy quyển ghi chép của ông rất hay mà sau này nó được thể hiện trên các bài báo của ông”, PGS Huy cho biết.
GS Nguyễn Văn Huyên là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Từ năm 1944, ông đã công bố cho độc giả, nhất là độc giả phương Tây, biết rằng nhân dân Việt Nam đã phát triển nền văn hóa riêng của mình, khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng riêng của mình.
Với niềm tự hào dân tộc, ông đặt tên cho công trình nghiên cứu đó của mình là Văn minh Việt Nam để đối sánh ngang hàng với Văn minh Trung Hoa (La civilisation chinoise, 1929), một công trình của Marcel Granet xuất bản trước đó.
Sau này, trong cuốn hồi ký về cha mình, bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh nhớ lại: “Ngày hội thảo về ông, vị đại diện của Viện Nghiên cứu Viễn Đông Bác cổ Pháp có lời, với nhiều nhà Việt Nam học Pháp, tác phẩm của Nguyễn Văn Huyên là chiếc chìa khóa vàng mở cửa cho việc tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Như vậy trước khi được phổ cập rộng rãi trong nước, qua các bài viết bằng tiếng Pháp, ông đã truyền ra thế giới văn hóa Việt Nam từ những năm tháng đất nước còn bị màn đêm che phủ”.
Từ luận án tiến sĩ đến những công trình công bố về sau, các tác phẩm của GS Nguyễn Văn Huyên đều thể hiện một phương pháp khoa học và văn phong mẫu mực. Các công trình đó vẫn luôn được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham khảo, trích dẫn dù họ có những cái nhìn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau.
Kết luận tổng quát rút ra từ tất cả các công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên đã nói lên sức sống của người Việt. Đó là qua sự lao động sáng tạo của mình, dân tộc Việt đã "tự tạo lấy cuộc sống của riêng mình", "không chịu sao chép" máy móc của bất cứ ai.
Kết luận khoa học đầu tiên về Việt Nam học đó đã nói lên tinh thần Việt Nam, khí phách Việt Nam. Đó cũng là tâm hồn, tình cảm của nhà khoa học Nguyễn Văn Huyên, là điều làm cho cuộc đời ông gắn liền với vận mệnh của đất nước, sự nghiệp của ông là sự nghiệp phục vụ nhân dân.
GS Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1905 tại Hà Nội. Mồ côi cha khi mới lên 8, ông được mẹ và chị cho đi du học tại Pháp từ năm 1926. Ông đậu cử nhân văn chương năm 1929, cử nhân luật học năm 1931.
Năm 1934, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn chương tại ĐH Sorbonne (Paris) với luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, và luận án phụ Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông-Nam Á. Năm 1939, ông trở thành thành viên Viện Nghiên cứu Viễn Đông Bác cổ Pháp. Năm 1946, GS Nguyễn Văn Huyên trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục và liên tục đảm nhiệm cương vị này gần 30 năm đến khi ông mất (ngày 19.10.1975).
Ông là Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V; được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000. Một đường phố ở Hà Nội và một đường phố ở TP.Hồ Chí Minh mang tên ông. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đặt trên đường Nguyễn Văn Huyên ở Hà Nội, con trai ông (PGS.TS Nguyễn Văn Huy) là giám đốc đầu tiên.