Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 07/11/2019 18:11 (GMT+7)

Người mang biệt danh “Hát sáng chế”

Chỉ học hết lớp 7 nhưng anh nông dân Phạm Văn Hát đã sáng chế được 40 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Máy hoạt động hiệu quả với giá bán chỉ bằng 1/3 - 1/10 máy Nhật khiến khách nước ngoài cũng phải bỏ tiền mua.


Khách quốc tế tham quan gian hàng của anh Hát

Tại triển lãm Thiết bị và Công nghệ nông lâm ngư nghiệp – Vietnam Growtech 2019, gian trưng bày của anh Phạm Văn Hát thu hút sự chú ý của khách tham quan trong và ngoài nước.

Gian hàng trưng bày nhiều máy móc hiện đại như máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt, máy đặt hạt trên khay, máy đóng bầu … Ít tai biết, người sáng chế ra những chiếc máy này là một anh nông dân mới chỉ học hết lớp 7. Đó chính là anh Phạm Văn Hát sinh năm 1972 ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Anh Hát còn có biệt danh là “anh Hát sáng chế”.

Anh Hát cho biết, năm 2007 đến 2010 anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng để làm trang trại nhưng bị thất bại do thời điểm đó người dân chưa quan tâm nhiều đến rau an toàn. Sau đó anh sang Israel làm để trả nợ, đồng thời học hỏi cách làm nông nghiệp.

 “6 tháng đầu thu hoạch, 6 tháng sau đến mùa trồng mới, họ giao việc cho tôi đi rải phân nhưng cả trăm héc ta phải đi rải phân bằng tay. Lúc đó tôi mới đề xuất chế tạo máy. Sau khi thành công, họ bán bản quyền được mấy tỷ và tăng lương cho tôi. Tôi bắt đầu có "lửa" sáng chế từ đó”, anh Hát kể.

Nhận thấy khả năng của anh Hát, chủ doanh nghiệp ưu đãi tăng lương cho anh từ 1.000 USD lên 2.500 USD. Anh không phải đi làm đồng nữa mà chỉ ngồi nghiên cứu, sáng chế. Sau đó anh có chế tạo thêm được một số sản phẩm máy nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng từ đó anh quyết định về nước.

“Tôi nghĩ nếu làm thuê thì không thể giàu được mà phải làm chủ. Tôi quyết định về nước khi mới sang Israel được 1 năm. Lúc về họ hàng anh em không ai nhất trí vì lúc đó tôi đang nợ 4 tỷ, nó là cả một vấn đề. Tôi về lại vay mượn mở xưởng. Quyết định về nước là chính xác vì trong 3 năm tôi đã trả được hết nợ nần”, anh Hát chia sẻ.

Anh Hát bên chiếc máy gieo hạt do mình sáng chế. Chiếc máy này đã xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới.

Từ đó đến nay anh Hát đã sáng chế được 40 loại máy phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp và cả tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Trong đó có 20 loại theo anh là "đặc biệt" không giống ai, chưa ai có.

Đặc biệt là sáng chế robot đặt hạt, máy phun thuốc trừ sâu, máy đóng bầu đã xuất đi được rất nhiều nước. Riêng robot đặt hạt đã bán đi 14 nước trên thế giới, còn máy phun thuốc trừ sâu đã bán đi 5 nước.

“Nhiều người mua từ Trung Quốc về phải bỏ không sử dụng nhưng đến với tôi lại rất đơn giản nhưng hiệu quả. Phương châm của tôi là chế ra sản phẩm người ta cần chứ không phải bán thứ mình có. Chính vì thế sản phẩm bán ra ứng dụng được cho nông dân toàn quốc. Nhiều nông dân áp dụng sản phẩm của tôi và đều đánh giá hiệu quả”, anh Hát cho hay.

Theo anh Hát, giá sản phẩm đắt nhất là máy phun thuốc sâu với giá 80 triệu rẻ nhưng nếu so với máy của nước ngoài thì chỉ rẻ bằng 1/10. Rẻ nhất là máy tẽ ngô tươi với giá 5 triệu/máy nhưng thay thế cho sức lao động của 40 công nhân. Còn robot đặt hạt có giá 35 triệu đồng máy cũng có khả năng thay thế cho 40 nhân công trên đồng ruộng.

“Robot đặt hạt cũng là sản phẩm tôi tâm đắc nhất. Chính khách quốc tế sang cũng nói họ khâm phục không nghĩ người Việt Nam- nền nông nghiệp chưa hiện đại đã nghĩ ra máy hiện đại như vậy. Tôi đã bán chiếc máy này đi Mỹ, Israel, Nhật, Hàn…Trong nước thì máy đã có ở 63 tỉnh không thiếu tỉnh nào. Chỉ cần gõ trang trại rau an toàn thì không trang trại nào không sử dụng sản phẩm của tôi. Chỉ tính từ đầu năm đến nay tôi đã bán được hơn 30 chiếc máy robot đặt hạt”, anh Hát chia sẻ.

“Tôi nói thật là trên máy có 1-2 chi tiết để sử dụng vĩnh cửu, không bị hỏng. Muốn bắt chước thì phải tháo ra nhưng nếu tháo ra thì không lắp lại được nữa. Vì thế bước sang năm thứ 7 nhưng chưa có ai ăn cắp sáng chế này”, anh Hát vui vẻ nói.

Đối với chiếc máy phun thuốc trừ sâu, anh Hát kể, việc sáng chế đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của người nông dân. Người nông dân bảo khổ nhất là khâu đánh thuốc sâu, độc hại mà không thuê được người. Để sáng chế ra chiếc máy này anh phải mất 2 năm, tiền nguyên vật liệu mất 200 triệu.

Năm 2014 anh sáng chế thành công máy phun thuốc trừ sâu. Hiện máy phun thuốc trừ sâu của anh đã có mặt tại các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma. Ngoài ra, người Úc sang tận nơi mua 2 chiếc. Tính từ năm 2014 đến nay anh đã bán ra hơn 130 chiếc.

Chỉ vào chiếc máy đặt hạt trên khay, anh Hát giới thiệu, chiếc máy này trên thế giới đã có nhưng máy của anh được anh cải tiến, không có nhiều con chip, rơ le.

“ Máy chỉ duy nhất sử dụng mô tơ và quạt gió, thời gian tốc độ đặt nhanh hơn các máy khác. Trên thế giới các máy đặt dọc nhưng máy tôi đặt ngang, nhanh gấp đôi. Máy có thể điều chỉnh nhanh, chậm. Chẳng hạn máy hạt dẹt thì điều chỉnh tốc độ chậm hơn, còn hạt tròn thì tốc độ cao.

Máy đơn giản nhưng rất hiệu quả và giá rẻ. Mỗi chiếc máy này chỉ 40 triệu đồng, nếu so với Nhật thì giá bằng 1/3, đặc biệt người nông dân ưa thích, sử dụng không phải lo sửa chữa vì máy không sử dụng con chip và rơ le”, anh Hát chia sẻ.

Máy phun thuốc trừ sâu đã xuất khẩu đi 5 nước, giá bán chiếc máy này là 80 triệu đồng

Anh Hát phấn khởi cho biết, tính đến hiện tại anh sáng chế được 40 chiếc máy, mỗi chiếc máy này đem đến cho anh hơn 1 tỷ đồng/máy/năm. Chính vì thế mà anh từ chối các lời mời làm việc từ tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để làm ông chủ, làm giàu trên chính quê hương mình. Hiện tại anh đã thành lập công ty, vừa làm giám đốc đồng thời cũng trực tiếp sáng chế, chế tạo ra từng chiếc máy.

“Có Tập đoàn máy nông nghiệp ở Mỹ trả bản quyền cho tôi 5 tỷ đồng/máy nhưng tôi không bán. Tôi cũng từ chối làm sáng chế cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương 7.000 USD/tháng. Mức lương 7.000 USD tương đương 150 triệu đồng nhưng mình chỉ vẫn là người làm thuê, còn ở nhà mình được làm chủ”, anh Hát vui vẻ nói.

Tác giả bài viết: PV.

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.