Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 05/09/2011 20:50 (GMT+7)

Người lính- nhà giáo, nhà khoa học

“Cậu ấm” dấn thân

Ông có tên khai sinh là Tôn Thất Hoàng. Đến ngày chuyển ngành về Đại học Bách Khoa Hà Nội(3-1959) lấy tên mới: Nguyễn Phước Hoàng, đúng với họ của hậu duệ triều Nguyễn. Ông là cháu đời thứ bẩy của chúa Nguyễn Phúc Chu(1691- 1725), ông tổ của “Hệ 7 tiền biên” nhà Nguyễn. Cha là Tôn Thất Quảng được bổ nhiệm Thượng thư Bộ lễ nghi, kiêm Bộ Công tác, nghỉ hưu năm 1942.

Lúc nhỏ ông có khiếu về môn toán, đỗ tú tài toán năm 1941, học tiếp Cao đẳng Khoa học khoá một(1941-1945). Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông cùng các bạn bè sắp tốt nghiệp lúc đó vào trường Thanh niên tiền tuyến do hai nhà trí thức nổi tiếng là Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập. Học về quân sự vẻn vẹn được một tháng rưỡi, Tổng khởi nghĩa Tháng 8 nổ ra, thế là “cậu ấm” Hoàng không do dự dấn thân vào dòng thác cách mạng. Trường Thanh niên tiền tuyến được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giao thành lập Giải phóng quân Thuận Hoá. Uỷ ban chấp hành Giải phóng quân ra đời, do Phan Hàm (sau là Thiếu tướng, Cục trưởng) làm trưởng, Cao Văn Khánh (sau là Trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng) làm phó và Tôn Thất Hoàng làm thư ký, giữ con dấu của Uỷ ban. Ngày 23 tháng 10 năm 1945, ông tham gia Chi đội Giải phóng quân Nam tiến chi viện cho mặt trận Nha Trang, cùng với những bạn học sau này đều là chỉ huy cao cấp của quân đội ta như: Nguyễn Thế Lâm, Lâm Quang Minh, Vũ Quang Hồ, Phan Nhĩ…Ban đầu ông là trợ lý tác chiến cho chỉ huy phó mặt trận Hà Văn Lâu, ít lâu sau được giao thêm nhiệm vụ chỉ huy căn cứ địa Đồng Trăn. Mặt trận giữ vững hơn 3 tháng, được Bác Hồ và Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi: “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân quân Pháp trong 101 ngày đêm”. Chi đội Bắc Bắc do Lư Giang chỉ huy vào thay thế bộ đội chiến đấu, đơn vị chuyển ra đánh du kích ở vùng Láng Nhớt, Bồng Sơn. Sau đó ông được trên cử đi học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá I. Cuối năm 1946, ông được lệnh điều về Cục Quân giới. Tại “thủ đô tản cư” của chính phủ kháng chiến là Ứng Hoà (Hà Đông cũ), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, ông gặp lại những bạn học cùng lớp Cao đẳng khoa học như Hoàng Đình Phu, Phạm Đồng Điện, Ngô Điền, Lê Khắc, Phạm Duy Khương…Bắt đầu một công việc mới là nghiên cứu chế tạo vũ khí.

Từ Ba-dô-ca đến SKZ

Ba-dô-ca là một loại tên lửa nhỏ, ở đầu đạn lắp thuốc nổ lõm, do nó giống một loại nhạc cụ Mỹ tên là “Bazooka”, nên được dùng làm bí danh cho loại súng chống tăng lợi hại này. Việc thử nghiệm Ba-dô-ca bắt đầu từ trước khi Bác Hồ sang Pháp đưa kỹ sư Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ) về. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã giao cho ông Hoàng Phúc, phụ trách quân giới Thái Nguyên chế thử theo mẫu đạn Mỹ từ tháng 5-1946, nhưng không đạt kết quả. Trong hồi ký chưa xuất bản của tác giả Nguyễn Phước Hoàng có đoạn miêu tả sinh động về việc nghiên cứu loại súng chống tăng này: “…Anh Nghĩa ngày đêm với cây thước tính trong tay tính toán độ cháy của các liều phóng, đốt thử các loại thuốc con bài năm cha ba mẹ mà ta vét được từ các kho vũ khí của Pháp, Nhật. Phải tính lại tốc độ cháy, rồi thay đổi kích thước của lỗ phụt khí. Các loại thuốc nổ khác nhau sẽ rất ảnh hưởng đến độ chính xác bắn trúng mục tiêu, nên đành phải khắc phục bằng cách bắn gần, nguy hiểm cho người bắn, súng của địch bắn ở cự ly 200-300 mét, thì của ta có 20-30 mét. Anh Nghĩa làm việc trong một căn buồng thật…đáng sợ. Buồng có khoảng 10 mét vuông, kê một cái giường sắt cá nhân, một cái bàn, hai cái ghế. Dưới gầm giường nhét toàn bao tải thuốc nổ mê-li-nít và TNT, còn gầm bàn thì có thuốc nổ con bài, thùng thuốc đen để nhồi mồi cháy, lính quân giới gọi là a-mooc. Anh lại hay hút thuốc lá khi làm việc, nói dại, chỉ một tàn lửa bén vào thì…Chúng tôi cứ rờn rợn khi vào phụ việc cho anh Nghĩa. Nhưng được cái anh vẫn rất cẩn trọng mỗi khi hút thuốc và thường động viên chúng tôi, hay kể những chuyện vui khi còn làm cho hãng chế tạo máy bay Messerschmidt nổi tiếng của Đức. Những lúc ấy tiếng cười của anh sảng khoái vang xa không thể lẫn được. Chúng tôi còn cho in một tập sách nhỏ hướng dẫn cách sử dụng cho bộ đội. Tình hình rất khẩn trương, có tin Pháp sắp chọc thủng mặt trận Cầu Mới-Hà Đông tấn công lên nơi chính phủ kháng chiến vừa sơ tán. Nửa đêm ngày 1-3-1947, ông Phan Mỹ mang chỉ thị từ Bộ Quốc phòng đến gặp kỹ sư Trần Đại Nghĩa, cần đưa ngay khẩu Ba-dô-ca cho bộ đội anh Vương Thừa Vũ để chặn đường tiến công của địch. Dưới ánh đèn dầu, anh Nghĩa cùng chúng tôi nhồi, lắp đạn, kiểm tra súng. 3 giờ sáng ngày hôm sau, 10 quả đạn Ba-dô-ca cùng một viên đạn khói Smoke được xếp vào hai hòm gỗ kèm theo một khẩu súng được tôi cùng hai cảnh vệ mang đi Quốc Oai. Đến nơi, ngay trong đêm anh Vũ giao tôi trực tiếp huấn luyện một tiểu đội cảnh vệ cách sử dụng vũ khí mới. Tờ mờ sáng ngày 3-3-1947, đúng như dự đoán, quân Pháp có xe tăng dẫn đầu từ Hà Đông, tiến theo đê sông Nhuệ đánh thẳng vào nơi chính phủ ta sơ tán ở Quốc Oai. Tiểu đội cảnh vệ do anh Khổng chỉ huy, đã phục sẵn ở triền đê, dùng Ba-dô-ca bắn cháy ngay chiếc xe tăng đi đầu, bắn bị thương chiếc đi sau. Hoảng vì thấy “rồng lửa” đột ngột xuất trận, cả đội quân Pháp rút chạy. Chính phủ được bảo vệ an toàn, sau đó tiếp tục sơ tán lên chiến khu Việt Bắc.”

Giữa tháng 3-1947, Nha Nghiên cứu kỹ thuật, cùng Cục Quân giới chuyển lên Tuyên Quang. Ở đây trong các năm tiếp theo, dưới sự chỉ đạo của Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, những trí thức trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết trong đó có ông Nguyễn Phước Hoàng còn nghiên cứu cải tiến và chế tạo được nhiều loại vũ khí mới trên cơ sở những vũ khí thu được của địch như: mìn lõm ba càng loại lớn, mìn cóc, mìn cháy hẹn giờ, lựu đạn AT, súng cối 120 cải tiến, đặc biệt là loại vũ khí có sức công phá mạnh không kém Ba-dô-ca là các loại súng không giật SKZ 60, SKZ 81, SKZ 120. Trong trận Phố Ràng năm 1949, ta dùng SKZ 60 diệt nhanh gọn lô cốt chính của giặc, khi vừa làm chủ trận địa các chiến sĩ hô vang: “Quân giới Việt Nam muôn năm!” Bộ đội Quân khu 5 nhắn ra Việt Bắc, rất hoan nghênh SKZ 60 và 120, với những công sự hầm ngầm kiên cố pháo không xuyên được thì loại súng này trị “ngon lành”.

Không chỉ có nhiều đóng góp cho ngành Quân giới, ông Nguyễn Phước Hoàng còn có nhiều duyên nợ với Pháo binh. Từ tháng 5-1950, ông được điều sang Cục Pháo binh (lúc đầu do kỹ sư Trần Đại Nghĩa kiêm nhiệm Cục trưởng) làm Trưởng phòng Nghiên huấn. Từ tháng 7-1951 Cục Pháo binh chuyển thành Bộ Tư lệnh Pháo binh, ông nhận cấp bậc thiếu tá, tiểu đoàn trưởng, quyền tham mưu trưởng Trung đoàn 34 lựu pháo, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, E34 đổi thành E45 để giữ bí mật. Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình, thiếu tá cựu chiến binh Nguyễn Phước Hoàng thường nói vui là mình “cao số”. Trước trận tiền mà không bị dính đạn, ở chiến dịch Điện Biên phủ hầm pháo của ông mấy lần bom đào sới mà chẳng việc gì! Chỉ một lần ông bị “gục” ở mặt trận Nha trang lại là do…muỗi sốt rét! Cuối năm 1958, đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội ta, ông là trung đòan phó, chính thức có quân hàm Thiếu tá.

Người thầy, nhà khoa học khiêm nhường

Hoà bình lập lại trên miền Bắc, cuối tháng 2-1959 ông chuyển ngành về Trường đại học Bách khoa, Hà Nội. Ở đây, ông gặp lại người thầy của mình hồi năm 1933-1934 tại trường Thiên Hựu, Huế, cũng là người thủ trưởng trực tiếp ở chiến khu Việt Bắc, đó là giáo sư, hiệu trưởng Tạ Quang Bửu; gặp lại các bạn cùng khoá Cao đẳng Khoa học Hà Nội năm xưa như: Hoàng Xuân Tuỳ(Hiệu phó), Nguyễn Như Kim(Chủ nhiệm khoa), Phạm Đồng Điện, Nguyễn Đức Thừa…Ban đầu ông chỉ là cán bộ giảng dậy “tập sự” kiêm thí nghiệm viên thuỷ lực. Năm 1964 ông là tổ trưởng bộ môn. Cần mẫn, khiêm tốn, chịu học hỏi, lại vốn có nền tảng toán học vững, những năm giảng dạy, nghiên cứu ở trường ông đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển ngành Thuỷ khí động lực-cơ học chất lỏng kỹ thuật của nước ta. Ông có học hàm Phó giáo sư và nghỉ hưu năm 1987, sau 14 năm là “bộ đội tình nguyện”(như cách nói vui của ông) và 28 năm làm thầy.

Cũng cần nói thêm chút ít về người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng. Thân phụ bà là Đốc học Đà Lạt, rồi Phan Rí; thân mẫu bà quê Huế, nhà gần chùa Thiên Mụ. Bà học trường Đồng Khánh, tham gia phong trào ủng hộ nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Ông bà quen nhau từ hồi còn học ở Huế và qua những năm tháng biến động, mỗi người một nơi, năm 1949 họ gặp nhau trên chiến khu, bên dòng sông Lô. Lớp trí thức người Huế ngày ấy đi theo cách mạng, trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đã có nhiều cặp vợ chồng như thế, đám cưới được tổ chức giản dị mà ấm cúng trên núi rừng Việt Bắc, hay ngay sau ngưng tiếng súng tại mặt trận Điện Biên Phủ, ngoài Nguyễn Phước Hoàng- Nguyễn Thị Xuân Phượng, còn có Cao Văn Khánh- Nguyễn Thị Ngọc Toản; Vĩnh Mai- Phương Chi; Đào Phan- Bội Hoàn…

Hôm nay cụ Nguyễn Phước Hoàng đang sống quãng đời còn lại vui vầy với con cháu tại một căn nhà nhỏ ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, còn khá minh mẫn, tuy từ lâu đã bị “lác” tai nặng, ai muốn hỏi chuyện phải bút đàm. Đôi khi cụ vẫn chống ba-toong đến các cuộc họp mặt truyền thống dẫu bạn bè cùng trang lứa cứ thưa vắng dần. Ký ức về thời trai trẻ hào hùng thì vẫn còn tươi rói trong tâm khảm. Sau nhiều năm cặm cụi trên bàn viết nhớ lại và suy nghĩ, cụ đã vừa hoàn thành một cuốn hồi ký dầy dặn, tạm đặt tên là “Nhân chứng của một thế hệ”. Và cụ vẫn nuôi hy vọng sẽ có một ngày, có “Mạnh Thường Quân” cùng đứng ra trợ giúp để cuốn sách tâm huyết đó sớm được ra mắt bạn đọc rộng rãi trong cả nước.

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).