Người làm nên cổ tích
Cầu “Hoàng Nguyên Đức”…
Trước năm 1996, bà con thôn Nà Cà như sống trong một ốc đảo bởi sự ngăn cách của hai con suối Phiên Khang và Chông. Vào mùa mưa, trẻ em phải lội nước đến trường, sản phẩm của bà con làm ra chỉ “tiêu thụ” trong thôn. Cuộc sống khó khăn cứ bám riết lấy người dân nơi đây. Trước thực tế này, ý tưởng xây cầu bắt đầu trong suy nghĩ của anh Đức. Lúc đầu, anh bàn với bà con trong thôn, nhiều người cho anh là “gàn dở” vì “ôm rơm rặm bụng”. Anh tâm sự: “Họ không làm không có nghĩa là mình sẽ bỏ. Nếu một năm không đủ tiền thì nhiều năm sau chắc chắn mình sẽ có, nếu năng “góp gió thành bão” thì sẽ đạt được nguyện vọng thôi”. Ngày anh “khởi công” xây cầu, lúc đầu mọi người chỉ đứng nhìn, sau thấy sự nhiệt tình của anh thương binh, ai cũng góp thêm công sức. Cuối cùng hai chiếc cầu, mỗi cái dài 16 m (trị giá 5 triệu đồng /chiếc) bằng gỗ bắc qua suối cũng hoàn thành. Từ đấy bọn trẻ không còn cảnh vất vả mỗi sớm, mỗi chiều khi đến lớp. Việc trao đổi hàng hoá cũng dễ dàng hơn, đời sống của người dân có nhiều đổi khác. Hai cây cầu được bà con trìu mến gọi là cầu “Hoàng Nguyên Đức”. Suốt 10 năm qua, anh không hề thu một đồng tiền lộ phí, chi phí tu sửa cầu anh đều tự bỏ tiền trang trải. Anh tiết lộ: “Sở dĩ tôi quyết tâm làm bằng được hai cây cầu không chỉ muốn bà con mình đỡ vất vả hơn mà còn muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Quê tôi đất rộng, rất thích hợp để phát triển mô hình kinh tế VAC nhưng nếu cứ đò giang cách trở thì dù có áp dụng kỹ thuật đến đâu, mô hình hay đến mấy mà không tiêu thụ được sản phẩm thì nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Triệu phú VAC
Năm 1982, anh Đức rời chiến trường trở về quê hương khi chỉ còn một chân bên phải. Cuộc sống khó khăn đã khiến anh nhiều lần nghĩ đến việc bỏ quê tìm đến vùng đất khác để làm ăn. Vào lúc bế tắc, khủng hoảng nhất, anh được một người bạn quê Hà Tây mời về chơi. Thăm cơ ngơi của bạn, anh không khỏi ngỡ ngàng và thắc mắc bởi tại sao bạn mình có thể làm được điều kỳ diệu như vậy. Một khu vườn rộng, trên cạn, dưới ao, cái gì cũng ra tiền. Sau khi về quê, anh vay ngân hàng 18 triệu đồng và quyết làm giàu bằng VAC. Anh đầu tư mua 33 con bò nhưng do không có kỹ thuật chăm sóc, đàn bò ngày càng gầy và chết dần. Không có đủ tiền mua thức ăn cho bò, anh tìm cách khác. Mỗi sáng, người ta lại thấy anh chống nạng với đôi quang gánh cắt cỏ cho bò ăn. Không phụ công người, đàn bò mỗi ngày một nhiều hơn. Nhớ lần đầu tiên bò đẻ, anh vừa mừng vừa lo và trở thành “ông đỡ” bất đắc dĩ.
Đã từ lâu anh trở thành “hướng dẫn viên” của khu vườn nhà mình. “Mỗi năm có vài ba đoàn khách ở tỉnh xuống thăm mô hình, chưa kể ngày nào cũng có hộ đến học tập” - anh khoe. Trên khu đất rộng 1600m2, anh đã biến khu vườn thành một trang trại VAC -R độc đáo. Tận dụng nguồn phân thải của gia súc, anh cho thả cá và cấy muống dưới ao. Trên bờ anh trồng hơn 200 gốc vải thiều và một số loại cây ăn quả khác. Ngoài ra, một dãy chuồng liên hoàn nuôi 150 con bò đẻ, 70 con dê và khoảng 4 tấn lợn /năm. Trung bình, mỗi năm gia đình anh thu trên 300 triệu đồng. “Ngoài việc trả nợ ngân hàng, tôi còn cho những hộ gia đình khó khăn trong thôn vay vốn làm ăn. Tổng số tiền lên tới 100 triệu đồng rồi đấy” - anh Đức cho biết.
Anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi.
Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn vận động bà con giúp 4 đứa trẻ mồ côi có chỗ ở ổn định, hỗ trợ để các em được tiếp tục đến trường học. Hiện các em đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, khiến anh Đức thấy việc làm của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Câu chuyện cổ tích của anh được làm nên bởi những điều giản dị và chân thành như thế…
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn16/10/2006