Người kỹ sư làm lợi cho doanh nghiệp gần 1 tỷ đồng
“Quận 8 mỗi ngày thải ra khoảng 200 tấn rác sinh hoạt và hơn 50 tấn xà bần. Để thu gom, vận chuyển khối lượng chất thải đến bãi trung chuyển và chôn lấp, cần số lượng xe cơ giới lớn và tốn nhiều công sức. Những sáng kiến của anh Võ Thanh Tuấn vô cùng thiết thực, tiết kiệm được rất nhiều về sức người, sức của”. Ông Phạm Văn Điều, Phó Giám đốc công ty Dịch vụ Công ích Quận 8, cho biết.
Từ cải tiến xe ép rác
Năm 1993, Công ty dịch vụ Công ích quận 8 nhập về 6 xe ép rác của Pháp. Hoạt động được 5 năm, những chiếc xe này “trở chứng”, nằm trơ ra, không sử dụng được. Công ty tìm kỹ sư sửa chữa khắp nơi. Vì cơ cấu xe rất lạ nên một tháng trôi qua, nhiều người đến cũng đành “bó tay”. Không ngờ, dưới bàn tay của kỹ sư Võ Thanh Tuấn, một tuần sau, chiếc xe hoạt động bình thường. Từ đó, anh được nhận vào công ty làm việc, phụ trách mảng kỹ thuật thiết bị thu gom, vận chuyển rác. Nhận thấy xe ép rác của Pháp không phù hợp đối với rác ở Việt Nam là nặng, độ ẩm cao, khối lượng riêng lớn, nên khi cuốn vào thường làm bể bạc đạn, chi phí bảo dưỡng xe cao, anh Tuấn đã dùng răng cào thay cho bản lề. Nhiên liệu, chi phí sửa chữa giảm xuống rõ rệt.
Thời gian này, các phương tiện thu gom rác thường móc vào nắp của thùng do rác nặng nên các thiết bị chứa nhanh hư, tốn kém chi phí duy tu, bảo dưỡng. Nhận thấy điều đó, anh Tuấn lại nghiên cứu cải tiến phương tiện. Một năm sau, cơ cấu nâng đổ rác đa năng ra đời, thiết bị chứa được nâng từ phía dưới lên nên đã khắc phục được các khuyết điểm trước đó. Thấy sáng kiến này có tính thực tế cao, công ty động viên anh Tuấn gửi công trình đến Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TP năm 2000, kết quả công trình của anh đoạt giải Nhì.
... Đến ghe vớt rác trên sông
Năm 1999, nhân viên của Công ty Môi trường Thành phố với Singaporehọc tập mô hình vớt rác hiện đại trên sông nhưng lại không phù hợp với sông rạch Việt Nam nhiều khe hẹp, tàu không vào được. Chi phí cao nhưng hiệu quả thấp nên sau một thời gian ngắn, mô hình vớt rác này bị lãng quên. Thấy tiếc, anh Tuấn đến Công ty Môi trường tìm tòi, nghiên cứu và “cải biên” thành ghe 30 mã lực, có hai cánh hai bên. Sáng kiến của anh mang lại hiệu quả thiết thực, đến nay vẫn được áp dụng vớt rác tại kênh Tẽ, kênh Đôi, Tàu Hũ và Bến Nghé.
Ông Hoàng Minh Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: Anh Tuấn lại vừa đưa ra thiết bị nâng đổ bùn. Vốn trước đây, bùn vét từ cống, cho vào sọt nhựa, hai công nhân khiêng đến xe, dùng xẻng xúc vào thùng, bùn bắn tung tóe vừa tốn nhiều công sức vừa “không đẹp mắt”. Nay với thiết bị mới: Cho bùn vào thùng, dùng xe nhỏ đẩy nhẹ nhàng rồi đặt thùng lên xe lớn từ phía sau, tiết kiệm thời gian và giảm được 2 lao động/ngày.
Hiện, anh Tuấn đang tìm cách cải tiến phương tiện thu gom vận chuyển rác trong thùng kín và sử dụng nguồn điện ba pha. Theo anh, cách này vừa giảm chi phí vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Nguồn: nhandan.com.vn 4/8/2005