Người khởi xướng phong trào trồng rau sạch
Tuổi thơ và những ước mơ giản dị
PGS-TS Tạ Thu Cúc có một tuổi thơ khá vất vả. Mẹ mất sớm, bố và anh đều đi kháng chiến. Vì quá bé nên Thu Cúc và em trai không thể theo bố và anh lên ATK nên đành ở lại vùng tự do, bắt đầu những ngày đi ở. Đến bây giờ bà vẫn rất xúc động khi nhớ lại: Khó có thể kể hết những vất vả trong thời gian đó nhưng điều làm tôi buồn nhất là thiếu thốn tình cảm và những lời daỵ dỗ, bảo ban của mẹ, nhưng dẫu sao tôi vẫn còn may mắn là được đi học.
Cúc luôn là học sinh xuất sắc của lớp, của trường. Năm 1954, bố về tiếp quản Thủ đô và xin cho Cúc vào học trường Lý Thường Kiệt (trường dành cho con em cán bộ thời bấy giờ). Không biết tự bao giờ, hình ảnh người nông dân đã in sâu vào tâm trí Thu Cúc, những mảnh vườn, thửa ruộng đã dệt nên trong tâm hồn cô ước mơ trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Phải chăng là do những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn gắn bó với bà con nên Thu Cúc đã chọn ba nguyện vọng đều là học viện Nông Lâm (nay là Trường đại học Nông nghiệp I).
Cuộc hành trình vất vả đến với rau
Ngày nay khái niệm rau sạch, cà chua bốn mùa không còn xa lạ với tất cả chúng ta. Nhưng để đạt được những điều đó thật không đơn giản, nó đã được đánh đổi bằng những tháng năm tuổi trẻ đầy vất vả của PGS-TS Tạ Thu Cúc.
Năm 1959, sinh viên Tạ Thu Cúc là một trong hai người đầu tiên của nước ta được cử sang Trung Quốc học ngành rau quả thuộc Học viện Hoa Nam - Quảng Châu. Những năm tháng học tập ở nước bạn, cô đã không ngừng học hỏi kiến thức và kinh nghiệm để khi trở về thực hiện “sứ mệnh” của mình trên cánh đồng quê hương. Năm 1962, cô về nước, được Bộ Nông nghiệp cử về làm công tác giảng dạy ở Trường đại học Nông nghiệp I.
Bộ môn rau quả mới thành lập, trong sáu tháng, bà phải viết giáo trình cho môn học mới lạ này. Bắt đầu một cuộc hành trình về với đất đai, ruộng đồng và những người nông dân. Bà đạp xe hàng chục cây số đến các vùng rau chuyên canh của Thanh Trì, Bắc Ninh, Hải Phòng… để trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Trong một thời gian ngắn, bà đã viết xong giáo trình cho bộ môn rau quả.
Sau những công trình nghiên cứu về rau muống cạn, đậu cô ve, su hào, bắp cải… là cà chua xuân hè. Lúc đầu nhận cây giống, người dân không khỏi hoài nghi nhưng rồi thành quả mà cô mang lại đã khiến bà con vô cùng biết ơn người tạo giống mới. Nhờ đề tài khoa học này mà cuộc sống của họ đã được nâng lên một bước, bữa ăn của nhiều gia đình Việt Nam được cải thiện và phong phú hơn.
Năm 1988, bà bắt tay vào phân tích hàm lượng nitơrat trong rau khi chúng ta xuất khẩu su hào bị trả lại vì hàm lượng nitơrat quá cao. Sau đó, bà được Công ty rau quả Hà Nội mời tham gia xây dựng tiêu chuẩn chung về đề tài “Thực phẩm sạch”. Bà đã đề nghị nên chuyển sang đề tài rau sạch. Đây là vấn đề mới lạ ở Việt Nam , bà phải rất vất vả trong việc khảo cứu, biên soạn tư liệu nước ngoài để mày mò nhen nhóm đề tài.
Bà miệt mài trên đồng ruộng với các thí nghiệm rau sạch; kiên trì thuyết phục bà con nông dân bỏ thói quen bón phân tươi cho rau - một thói quen có hại cho sức khỏe và môi trường. Từ thành công của bà, quy trình sản xuất rau sạch và cây cà chua bốn mùa được hình thành. Dự án rau sạch ở Hà Nội được mở rộng ra cả nước đã khả thi.
Tình yêu, gia đình chắp cánh
Bên cạnh “ Người phụ nữ của rau” là người chồng, người đồng nghiệp - PGS -TS Trần Đình Đằng. Ông cười vui “Theo như âm dương ngũ hành thì “mệnh” của tôi và nhà tôi khắc nhau, ấy vậy mà chúng tôi lại cực kỳ hợp nhau, có những ý nghĩ giống nhau từ trong tiềm thức”.
Bà tâm sự “Trong công việc, đôi khi tôi chỉ nghĩ làm sao cho đúng kỹ thuật, cây trái tốt tươi, đem lại năng suất cao chứ chưa tính đến hiệu quả kinh tế, tổ chức sản xuất và vấn đề thị trường. May sao tôi có hai cộng sự đắc lực trong vấn đề này là chồng và con trai thứ hai của tôi”. Giờ đây, các con của ông bà đều đã có gia đình riêng nhưng cứ đến ngày sinh nhật của mỗi thành viên trong gia đình mọi người lại tụ họp ở nhà bố mẹ để tổ chức. Thói quen đó đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của gia đình ông bà.
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn luôn luôn trăn trở mỗi khi nghe tin có vụ ngộ độc thực phẩm. Rau sạch vẫn chưa thực sự phổ biến. Nhiều thị trường xuất khẩu rau sạch vẫn đang để ngỏ vì chúng ta chưa đáp ứng được những yêu cầu của khách hàng. Theo bà thì có rất nhiều con đường dẫn đến rau sạch nhưng quan trọng là phải có sự kết hợp giữa nhà nước với nông dân. Người nông dân phải có trách nhiệm với sức khoẻ của người tiêu dùng và nhà nước phải có những chính sách khuyến khích, ưu đãi và ra những văn bản mang tính pháp luật về vấn đề này.
Nguồn: nhandan.com.vn 20/6/2005