Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 12/10/2012 20:45 (GMT+7)

Người khóc rùa Hồ Hoàn Kiếm

Cụ Rùa, tên gọi ấy cũng chỉ là tàm tạm tương đối, thậm chí lệch chuẩn với giới khoa học như ông Đức nhưng ông đã vui vẻ tán đồng với tôi trong một bài viết.

Hồi ấy là năm 1988 có được may mắn ông Đức cho coi cái biên bản in roneo của Ủy Ban hành chính Hà Nội vào cuối những năm sáu mươi có cái tên ngồ ngộ Về việc con ba ba chết ở Hồ Hoàn Kiếm , kê biên rất tỷ mỷ về việc con rùa (khi ấy người ta gọi là con ba ba?) ở Hồ Gươm chết và phương thức xử lý ra sao (kể cả việc đem xẻ thịt để bán?) cùng những ý kiến của những cá nhân và cơ quan có trách nhiệm để hiện tại Rùa được quàn ở Đền Ngọc Sơn... Sau đó, tôi đã viết bài đăng trên tờ Tiền Phong với cái tên Về Cụ Rùa thiêng hiện quàn ở Đền Ngọc Sơn.

Ông Đức còn mách tôi tìm đến chùa Hưng Ký trên phố Minh Khai, nơi lưu giữ nhiều hiện vật của Bảo tàng Hà Nội (Hà Nội khi ấy chưa có Bảo tàng đành gửi tạm chùa). Chùa có lưu giữ bộ xương một cụ Rùa cỡ rùa Hồ Gươm. Ông Đức cho biết cốt cụ ấy xuất phát cũng từ Hồ Gươm. Không hiểu lý do gì cụ bị thương tích nặng rồi mất.

Từ năm 1988 tạm tính đến năm 2001 (là thời điểm ông Đức chưa có máy ảnh kỹ thuật số), Hồ G­ươm có bao lần rùa nổi là ông đều có mặt để chụp ảnh.

Ông đã bỏ ra 485 cuộn phim các loại các cỡ chụp Rùa thiêng và mấy trăm phút của băng ghi hình cụ Rùa Hồ Gư­ơm. Mư­ời mấy năm như­ thế, hầu như­ tháng nào ông cũng đều có thông số về chất lư­ợng n­ước Hồ G­ươm.

Để làm gì vậy? Ông nói nhỏ rằng phải “thủ’’ thứ đó bởi mỗi khi rùa nổi, ngư­ời ta cứ làm toáng lên là n­ước Hồ Gư­ơm bị ô nhiễm, cụ phải ngoi lên để thở rồi bày đặt ra dự án này kế hoạch nọ để đảo lộn môi tr­ường Hồ Gư­ơm thì khốn!

  Rùa hồ Gươm - báu vật mà ông Đức nghiên cứu không biết mệt mỏi.

Cứ nghĩ lẩn thẩn thời điểm ấy giá có đợt bầu bán đại loại như công dân ưu tú chẳng hạn thì mồng thất người ta mới ngó đến ông.

Dự án thay nước Hồ Gươm tốn kém trên 10 tỷ đồng do ông Đức đầu têu và có đông các nhà khoa học ủng hộ rầm rầm. Đâu 3 lần như thế. Đến mức Thủ tướng phải có trát xuống. Dự án bị ách lại. Không ít người khó chịu, oán ông.

Nhưng lạ cái người ta phải bắt tay vào một việc vô tiền khoáng hậu là điều hẳn một đội thợ lặn trứ danh hùi hụp suốt cả một ngày để làm cái việc xác định Hồ Gươm hiện có bao cụ Rùa? Kết quả: không tìm thấy cụ nào cả! Việc ấy càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của Rùa Hồ Gươm và những gắng gỏi của ông Đức nhằm bảo vệ rùa cũng như môi trường Hồ Hoàn Kiếm!

Nếu liệt kê ra các chức danh hay là thành viên của một tổ chức nào đó của ông phải “biên’’ kín hai mặt của một cái danh thiếp nhưng tôi thấy “trội’’ ở hai dòng: Là thành viên của tổ chức bảo vệ vư­ờn quốc gia Fontainebleau và thành viên của Tổ chức quốc tế bảo vệ Rùa.

Mư­ời mấy năm nay ông bận bịu lắm với cái chức danh thứ hai này đến nỗi ngoài giới khoa học và báo chí ra bên ngạch quan chức, quản lý cũng gọi ông mỗi hai từ thế này: Đức Rùa! Đam mê mà không cảm tính, sống sư­ợng không... hâm không cố chấp mà rủ rỉ mà lạnh tanh mà dai dẳng.

Nói tóm lại là không theo cái phư­ơng pháp phổ biến của những anh làm khoa học là cứ lẳng lặng mà mần và rất ngại va chạm! Phong cách ấy của PGS.TS Hà Đình Đức khiến không ít ngành lẫn ng­ười có trách nhiệm ở cấp thành phố và Trung ­ương có liên quan cụ Rùa Hồ G­ươm, khó chịu thì có như­ng đành chấp thuận và vui lòng cộng tác với ông vì cái chung.

Lẩn thẩn thêm cái câu Thanh cậy thế Nghệ cậy thần . Chả biết thực hư câu ấy thể nào nhưng mục kích nhiều lần ông PGS.TS ngành sinh học này ngồi dự rất say mê những cuộc hội thảo đại loại sự đóng góp của Thanh Hóa với Thăng Long thời Lê Trịnh.

Ông Đức có kiểu góp riêng của mình. Một bận nghe được ông bộc bạch thế này. Thời Holocene cách đây 15.000 năm, con sông Cái, tức sông Hồng ấy l­ượn ngoằn ngoèo trong vùng đất Đại La rồi sau đó vặn mình chuyển dòng để sinh ra hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), Hồ Lục Thủy và hơn chục hồ anh, hồ em kéo dài một vệt từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

Suốt chiều dài lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tuyệt không có chính sử lẫn dã sử, sử sách cùng huyền thoại nhắc tới loài rùa to ở bất kỳ đầm hồ nào ở vùng này, trừ còn hồ Lục Thủy (Hồ G­ươm) ở thế kỷ XV, sau ngày vua Lê Lợi trả gư­ơm thần.

Nhiều năm nay, chúng tôi đã bỏ nhiều công sức khảo sát hàng chục đầm hồ của Hà Nội và lân cận như­ng tuyệt nhiên không phát hiện loài rùa nư­ớc ngọt mai mềm nh­ư cụ Rùa Hồ G­ươm cả! Chính vì thế mà chúng tôi đã thuyết phục đư­ợc các nhà khoa học, các thành viên của Hội Rùa quốc tế nh­ư tiến sĩ Peter Mayland của Trư­ờng Đại học Eckerd (Mỹ), Giáo s­ư Kraig Adler, Trư­ờng Đại học Cornell (Mỹ)... và họ cũng đồng ý với quan điểm rằng, rùa Hồ Gư­ơm thuộc loại rùa mai mềm nư­ớc ngọt và là loài rùa thứ 5 có ở Việt Nam, cũng là loài rùa thứ 23 trên thế giới (hiện nay họ rùa n­ước ngọt trên thế giới chỉ có 22 loài).

Chúng tôi đi đến kết luận bư­ớc đầu nh­ư thế này đồng thời cũng là một giả thuyết: Rùa Hồ Gư­ơm không phải là loài rùa tự nhiên vốn sống ở đây mà đ­ược đem từ nơi khác thả vào. Vậy rùa Hồ Gư­ơm có quê gốc ở đâu? Ai thả ?

Khuôn khổ bài báo không cho phép tôi nói về những chuyến điền dã liên miên của ông Đức về Vũng Sung, về Quảng Phú (thuộc đất Thọ Xuân, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Bình Định Vương Lê Lợi) để truy tầm lẫn sưu tầm nguồn gốc rùa mai mềm nước ngọt Hồ Gươm! Một giả thuyết táo bạo nhưng không phiêu lưu rằng, Rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ Thanh Hóa, cụ thể là ở vùng Thọ Xuân! Có lẽ chưa đến cái đích cuối cùng, nhưng chắc chứng cớ phải thuyết phục thế nào đó thì ý kiến của PGS. TS Hà Đình Đức, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước (qua phân tích nguồn gen ) đã minh chứng rằng rùa Hồ Gươm là độc nhất vô nhị.

Vậy nên cụ rùa Hồ Gươm là loài rùa mới, được đặt tên khoa học là Rafetus leloii (Lê Lợi) . Rồi các nhà nghiên cứu về rùa như Tiến sĩ Peter Maylan, Giáo sư Kraig Adler đã đồng ý với quan điểm của PGS Đức rằng rùa Hồ Gươm thuộc loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ, loài thứ 5 có ở Việt Nam và cũng là loài thứ 23 trên thế giới. Không phải xuất xứ từ một giống rùa Thượng Hải nào đó như có người khẳng định...

Bây giờ, cụ Rùa Hồ Gươm đã tạm an lành trong một môi trường yên bình. Trộm nghĩ, riêng việc PGS.TS Hà Đình Đức nhiều năm qua góp 6 công trình cấp quốc gia về rùa Hồ Gươm và 214 bài báo về rùa Hồ Gươm lẫn môi trường hồ gần như đã góp phần định hướng sự bình an hôm nay của Hồ Hoàn Kiếm?

Là đương nói dở chuyện ông Đức cậy thế. .. Như sử đã chép, Vua Hùng đi đánh giặc trú quân dưới chân núi Đan Nê, Yên Định, Thanh Hóa, đêm mộng thấy sơn thần hiện lên xin cho đem trống đồng theo quân để trợ chiến.

Khi lâm trận vua Hùng nghe có tiếng trống văng vẳng oai hùng từ không trung dội xuống. Giặc nghe thấy thất kinh bỏ chạy cả. Thắng trận trở về, Vua Hùng phong cho vị Sơn thần ấy là Đồng Cổ Đại Vương và lập đền thờ.

Sau này vua Lý Thái Tông, đại ý khi còn là Thái tử, phụng mạng vua cha là Lý Thái Tổ, đem binh bình Chiêm Thành (1020) cũng đã được Thần Đồng Cổ trợ giúp thắng lợi. Về sau thần cũng báo trước cho biết loạn Tam vương mà kịp thời phòng bị. Nhân đó vua cho rước bài vị ở chân núi Đồng Cổ Thanh Hóa về Kinh Đô sai dựng đền ở sau chùa Khánh Thọ, phường Yên Thái thuộc Bưởi bây giờ để phụng thờ.

Trải qua các triều đại, đền thờ thần Đồng Cổ Đan Nê vẫn được coi là Đền chính. Vua cho lấy ngày 25 tháng 3 hằng năm dựng đàn thề. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ nên chuyển sang ngày mồng 4 tháng 4.

Các hoàng thân quốc thích và tất cả triều thần tới đền, đứng trước thần vị, đọc lời thề rằng Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất trung bất hiếu, thì xin thần minh làm tội.

Đời nhà Trần cũng bắt chước lối thề của nhà Lý. Ngày hôm đó, nhà vua và các quan phải đem cả gia nhân tới đền mà thề rằng Làm tôi phải hết lòng trung, làm quan phải thanh bạch; ai trái lời thề, thần minh giết chết. Đến triều Hậu Lê cũng vẫn theo lệ này.

Một dự án cải tạo sông Tô Lịch có nguy cơ bửa đôi khu di tích Đồng Cổ ngàn năm tuổi ấy ở phường Bưởi. Không hiểu sao những lá đơn cấp báo của dân đã đến với ông Đức Rùa.

Có lẽ người ta tìm thấy ở vị TS khoa học này cái tâm với văn hiến Thủ đô? Bởi không riêng Hồ Gươm, ông Đức còn can dự vào nhiều việc lý ra cánh báo chí phải chăm bẵm hằng ngày.

Và hình như cũng là bản tính đa đoan của ông nữa, thấy sự ngang tai trái mắt là cứ sùng sục? Một dạo tôi thấy ông Đức bươn bả đôn đáo vào cuộc... Kết cục cũng may. Hình như đã có phương án làm đoạn đường vòng tránh ngôi Đền thiêng Đồng Cổ!

Mới hôm nọ lại gặp ông tiến sĩ đa đoan ấy vè vè cái xe máy cà tàng. Hỏi đi đâu mà tất tả thế? Ông cười là đang gắng cho nốt cái việc đề nghị Thành phố chuẩn y phương án KM số 0 bắt đầu từ Bờ Hồ Hoàn Kiếm!

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.