Người khám phá bí ẩn dàn chiêng Mường cổ
Thẫm đẫm nhạc điệu, ngữ điệu các dân tộc
Là một trong những chiến sĩ của đoàn quân Tây Tiến thời đánh Pháp, nhưng nhờ tố chất giọng hát ngọt ngào, lại được gia đình đào luyện từ thuở thiếu thời nên Lê Thanh Bảo được điều về đoàn văn công đầu tiên, thuộc sư đoàn 351.
Vì vậy mà ngay từ đầu năm 1950, bàn chân của ông bắt đầu rong ruổi khắp các bản làng của đồng bào dân tộc vùng cao để hát, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của các chiến sĩ bộ đội và người dân ở đó. Cũng chính từ những ngày gian khổ đó, ông sống chung với bà con dân tộc nên không biết từ lúc nào những bài hát, nhạc điệu của các dân tộc như Mường, Mán, Mèo, Tày, Thái, Nùng... đã ngấm dần vào trong ông. Lê Thanh Bảo có thể hát, nói được nhiều tiếng dân tộc khác nhau.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp chấm dứt, Lê Thanh Bảo được đi học lớp nghiên cứu âm nhạc dân tộc.
Với kiến thức thực tế, cộng với những tri thức được học trong sách vở, ông như bắt được cái hồn và sự tinh túy của âm nhạc dân tộc. Ông ngày đêm miệt mài đọc nhiều loại sách về âm nhạc, kể cả những sách âm nhạc của nước ngoài. Và Lê Thanh Bảo phát hiện có sự đồng điệu giữa các bài hát dân ca nước ngoài với làn điệu dân ca Việt Nam. Khi tốt nghiệp, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nước ta bước vào giai đoạn ác liệt, Thanh Bảo lại lên đường vào chiến trường Bình Trị Thiên biểu diễn.
Ngữ âm của Huế rất khó học, song Lê Thanh Bảo học và bắt nhịp rất nhanh. Ở chiến trường Huế được 3 năm, ông thông thạo hết ngữ điệu và các bài hát Huế, nhiều người nhầm tưởng ông là người xứ Huế gốc. Nhiều người chứng kiến hồi đó không thể quên được lần ông nổi máu nghệ sĩ "lừa" cả nhà thơ Tố Hữu, lúc đó đang giữ trọng trách quan trọng của đất nước. Lần ấy, Đoàn văn công giải phóng Trị Thiên Huế có dịp biểu diễn cho Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu xem. Những bài hát do Thanh Bảo cùng đoàn biểu diễn được Bác và nhà thơ Tố Hữu tán thưởng, tặng quà. Riêng nhà thơ Tố Hữu là người gốc Huế, nghe Thanh Bảo hát và nói giọng Huế không lẫn một chút nào hỏi: "Mi là người Huế gốc phải không?".
Thanh Bảo trả lời giọng Huế: "Đúng rứa, con sinh ra và lớn lên ở Huế".
Lâu không được về thăm quê, nhà thơ Tố Hữu gặp "đồng hương" mừng rỡ ôm chầm lấy ông và tặng cho ông nhiều món quà quý. Thấy vậy mọi người cười ồ lên, cho biết Thanh Bảo là người Tràng An thứ thiệt, chỉ vô Huế công tác mà thôi. Nhà thơ ngẩn người rồi bật thốt: "Mi không phải ở Huế mà nói và hát còn hay hơn người Huế rứa!".
Giải mã bí ẩn dàn chiêng cổ
Hoạt động ở Thừa Thiên - Huế từ năm 1964-1974, mười năm ở chiến trường sống gian khổ thiếu thốn đủ bề, Lê Thanh Bảo gầy và ốm nhiều. Sau khi nước nhà thống nhất, Thanh Bảo ốm gầy sút đi 30 cân, người như "một thanh củi di động" nên phải vào nằm viện điều trị. Khi ra viện Lê Thanh Bảo theo học ở Nhạc viện Hà Nội, rồi về làm tại Viện Nghiên cứu âm nhạc (Bộ Văn hoá - Thông tin). Làm chuyên viên nghiên cứu âm nhạc, ông có điều kiện tiếp tục tìm tòi nhiều loại sách và các tài liệu về âm nhạc dân tộc. Đặc biệt ông say mê tìm hiểu nguyên lý phức hợp của giàn chiêng Mường.
Năm 1986, diễn ra Đại hội Đảng lần thứ VI, lúc ấy vùng Ba Vì - Sơn Tây còn thuộc địa phận Hà Nội, có rất nhiều người dân tộc Mường sinh sống. Ông cùng cố nhạc sĩ Trần Hoàn về phòng văn hóa của huyện Ba Vì, thật tiếc thay khi ông hỏi ở đây có còn chiêng để đem ra tập văn nghệ không thì được biết do từ lâu không ai rành về nhạc cụ này nên tìm mãi mà không thấy. Ông đau xót, đi chặt cây nứa về chế biến làm nhạc cụ cho mọi người tập bài Tiếng cồng Ba Vì của Trần Hoàn.
Lạ thay, sau khi tiết mục của ông dàn dựng, dùng cây nứa thay cho dàn chiêng xong lại thành công ngoài sự mong đợi, tất cả đều lặng đi, say mê xem, người dân tán thưởng hết mình.
Khi công việc kết thúc, Thanh Bảo tìm lên xã Minh Quang của huyện Ba Vì hỏi các già làng về những chiếc chiêng truyền thống của bản làng. Nhưng có lẽ do hàng chục năm không được quan tâm cộng với đời sống khó khăn các bô lão đều hờ hững nói: Làm gì còn cái chiêng nào, còn thì đói quá chúng tao cũng bán hết rồi.
Biết các cụ chưa tin tưởng ông không nản và ra sân đình bắc loa thuyết trình tâm tư nguyện vọng và thiện ý của mình. Thật bất ngờ, không hiểu có phải vì mê chiêng quá không mà ông nói một mạch từ 17 giờ đến 23 giờ đêm mới ngừng.
Sau khi về nhà sàn, chuẩn bị nằm ngủ thì các cụ lục tục vác chiêng tới và bảo: Nghe mày nói từ hồi chiều, chúng tao thấy ưng cái bụng nên đến đánh chiêng cho mày nghe. Và rồi khi tiếng chiêng vang lên những thanh âm truyền thống, bỗng một cụ kêu lên: Bộ chiêng nay thiếu rồi chưa hoàn thiện. Thanh Bảo sững sờ và ông ghi âm lại những tiếng cồng chiêng đêm ấy. Ngay sáng hôm sau, Lê Thanh Bảo nhờ các cụ mách xem ở đâu còn có chiêng nữa và ông lại sang xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Tại đây, thật thú vị là những người đánh chiêng toàn là phụ nữ. Và ông cũng trình bày ý nguyện của mình, rồi cho các cụ ở đây nghe lại âm thanh của giàn chiêng trước.
Đang nghe một cụ bà thốt lên: Bộ chiêng này thiếu rồi! Ông thấy thật lạ, làm sao bà cụ lại phân biệt được giàn chiêng thiếu đủ, tiếng chiêng đầy vơi. Rồi các bà, các cô ở đây cũng nổi chiêng cho ông nghe.
Mải miết với những tiếng cồng chiêng độc đáo nghệ sĩ Lê Thanh Bảo mày mò và khám phá ra quy luật: Làng nào có bộ chiêng riêng của làng ấy. Thế rồi sau nhiều ngày tìm kiếm, ông bổ sung được những chiếc chiêng khuyết của bộ chiêng ấy. Và ông cũng phát hiện ra điều kỳ diệu khi dàn chiêng Mường cổ trọn vẹn là: Hệ thống thăng âm của dàn chiêng có đầy đủ các nốt nhạc như của các nhạc cụ khác không hề thua kém thăng âm của đàn Piano.
Ông được bà con dân tộc yêu mến, ủy thác phục hồi những giàn chiêng cổ. Ông cùng đoàn cồng chiêng của mình đã đi biểu diễn từ nam ra bắc.
Các kỳ biểu diễn Liên hoan âm nhạc dân tộc tại các tỉnh thành Thanh Hóa, Kon Tum, Hà Nội... dàn chiêng của ông đều nổi bật. Và trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc như Giỗ tổ Đền Hùng, Quốc khánh 2-9... người ta thấy ông mình trần, tóc búi tó chỉ huy dàn chiêng đánh theo nhịp điệu các bài hát âm vang hùng tráng, làm rung động trái tim của biết bao người.
Tiếng vang của dàn chiêng ông chỉ huy vượt ra ngoài biên giới, ông cùng đoàn của mình được mời đi nước ngoài biểu diễn. Năm 1994, ông và dàn cồng chiêng của mình được mời đi biểu diễn tại trung tâm Văn hóa Pháp ở Singapore. Tại đây ông biểu diễn các bài: Du kích ca, Đi đường mùa xuân (dân ca Mường), Hai Bà Trưng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Chiều vùng cao... rồi ông dùng chiêng đánh cả bài dân ca Anh, Pháp... làm cả hội trường hát vang theo nhịp điệu thanh âm của dàn chiêng.
Các chuyên gia âm nhạc thế giới đều thán phục, cử nhiều đoàn nghiên cứu sang Việt Nam nghiên cứu về văn hoá dân tộc Mường. Ông Macêđa, người Philippines, là một trong bảy Ủy viên Hội đồng âm nhạc thế giới thốt lên: Dàn cồng chiêng của Việt Nam có một không hai trên thế giới.
Hôm nay, sau khi dày công tìm được những bí ẩn của cồng chiêng Việt Nam, nghệ sĩ Lê Thanh Bảo về làm ông từ tại ngôi đền trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội. Ông tâm sự: “Mình làm như vậy là nhờ hồng phúc của tổ tiên phù hộ, nên sau những ngày đi biểu diễn phục vụ bà con là lại về chăm lo, gìn giữ đền thờ của ông cha. Đồng thời, không khí ở đây giúp mình có điều kiện nghiên cứu âm nhạc được sâu hơn”.
Và ông hát cho tôi nghe một bài hát mà ông sáng tác, lời ca cùng nốt nhạc của người nghệ sĩ dành trọn trái tim cho những âm hưởng cồng chiêng bay xa.
Nguồn: GĐ&XH; nhandan.com.vn 4/3/2006