Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 29/06/2006 21:52 (GMT+7)

Người ham mê chế tạo đồ dùng dạy học

Tại Hội thi chế tạo đồ dùng dạy học do Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 5-2005, đôi bạn Nguyễn Quan Thái, sinh viên ngành Sư phạm Toán khóa 27 và Bùi Nguyện Vọng, sinh viên ngành Sư phạm Vật lý khóa 27, rất tự tin bước lên bục thuyết trình giới thiệu về công dụng, cách thức sử dụng của thước dạy học đa chức năng... Đây là đồ dùng dạy học do Thái và Vọng tự nghiên cứu, chế tạo trong suốt một năm ròng.

Ý tưởng chế tạo loại thước dạy học đa chức năng xuất phát từ khi Thái đang học năm thứ 2 đại học. Thấy giáo viên và học sinh phổ thông thiếu nhiều dụng cụ dạy học, đặc biệt là các loại thước sử dụng cho giáo viên, học sinh nên Thái suy nghĩ phải chế tạo ra một loại thước vừa có thể vẽ đường thẳng, đường tròn, góc, đường ê-lip… sử dụng trong Toán học và các môn học khác như: Vật lý, Địa lý...

Xuất phát từ suy nghĩ đó, Thái miệt mài tìm tòi nghiên cứu giáo trình, sách báo, tài liệu trên mạng Internet, tạp chí, tìm hiểu kinh nghiệm của giáo viên phổ thông về việc sử dụng và chế tạo các đồ dùng trong dạy toán học,… Quan Thái cho biết: “Tôi cùng với Vọng phải tự xoay xở kinh phí và lên đến TP Hồ Chí Minh mua plastic, đinh ốc, thước chia milimet… để chế tạo thước”. Thước dạy học đa chức năng được làm bằng nhôm bóng, có vạch chia độ, milimet, chia thành 2 đoạn bằng nhau và được nối với nhau bằng các đinh ốc. Thước còn có bộ phận làm tăng ma sát với mặt bảng nên giáo viên rất dễ sử dụng khi vẽ trên bảng. Người sử dụng có thể tháo thước làm hai đoạn bỏ vào cặp, rất tiện lợi khi di chuyển. Ngoài ra, thước còn tích hợp 6 chức năng cơ bản trong dạy học toán như: thước thẳng có vạch đo milimet, đo và vẽ góc, vẽ đường tròn, vẽ đường ê-lip, đường parabol, đường hyperpol.

Thước dạy học đa chức năng của Nguyễn Quan Thái đạt giải C tại Hội thi chế tạo đồ dùng dạy học, do khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức vào tháng 5-2005. Ngoài ra, Thái còn đạt thêm 1 giải C, 1 giải Khuyến khích và giải dành cho cá nhân có nhiều sản phẩm dự thi chất lượng. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ đã chọn 3 sản phẩm của Thái, gồm: thước dạy học đa chức năng, dụng cụ xoay hình và thước chuyên vẽ mặt cầu để dự thi đồ dùng dạy học toàn quốc. Thái bật mí: “Thước đa năng mà tôi dự thi vừa qua chủ yếu phù hợp với giáo viên. Tôi đang cố gắng chế tạo lại thước đa năng phù hợp cho học sinh sử dụng”.

Niềm đam mê nghiên cứu, chế tạo đồ dùng dạy học đã “ăn” vào máu của Nguyễn Quan Thái từ những ngày cậu còn là học trò trường làng ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Nhà có 4 anh em, song tính của Thái khác hẳn các anh: trầm tính, ít nói, thích yên tĩnh để mày mò, nghiên cứu chế tạo đồ chơi như tàu, xa bằng gỗ hoặc thực hiện các thí nghiệm vật lý, hóa học. Hồi nhỏ, mỗi khi cha sửa chữa máy móc trong nhà, Quan Thái hay lẩn quẩn bên cạnh, tìm hiểu và hỏi từng chi tiết: những vật này có từ đâu, ai sáng chế và bằng cách nào nó có thể vận hành? Tại sao máy ghe chạy bằng xăng, dầu?…

Đến giờ, Thái vẫn còn giữ sản phẩm đầu tay của mình: chiếc tàu gỗ chạy bằng mô-tơ điện, điều khiển từ xa bằng dây điện nối dài. Quan Thái kể: “Đây là chiếc tàu tôi tự chế tạo vào năm học lớp 8. Thân tàu là từ mảnh gỗ lớn đục thành, còn mui và lườn tàu do nhiều miếng ván ghép lại. Trông nó giống hệt chiếc tàu thật thu nhỏ. Khách du lịch Hà Nội đến tham quan Bến Tre tình cờ nhìn thấy, đề nghị mua với giá khá cao nhưng tôi không bán vì rất quí “đứa con đầu lòng” của mình”.

Với sự say mê nghiên cứu, chế tạo đồ dùng dạy học nên khi làm luận văn tốt nghiệp, Thái đã mạnh dạn chọn đề tài: “Giảng dạy một số khái niệm toán học nhờ phương tiện dạy học và đồ dùng dạy học tự chế”. Bằng nỗ lực và ý tưởng sáng tạo của cá nhân cộng với sự hướng dẫn của cô Nguyễn Kim Hường, giảng viên bộ môn Toán, khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, luận văn của Thái đã thuyết phục Hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp, đạt loại xuất sắc. Cô Kim Hường nhận xét: “Thái đã thể hiện quyết tâm cao khi thực hiện đề tài, có tác phong làm việc tận tụy và nghiêm túc, dám nghĩ, dám làm. Luận văn còn thể hiện tâm huyết của Thái đối với nghề dạy học; thể hiện tính công phu, lao động sáng tạo, tự lực và không ngại khó của Thái…”.

4 đồ dùng dạy học tự chế tạo được Thái đưa vào luận văn của mình là: thước chuyên vẽ mặt cầu, bảng phụ đa năng, dụng cụ xoay hình và thước dạy học đa chức năng. Khi làm đồ dùng dạy học, Thái đều dựa trên 5 nguyên tắc đánh giá sản phẩm: tính khoa học sư phạm, tính nhân trắc học, tính thẩm mỹ, tính khoa học – kỹ thuật, tính kinh tế và phổ biến. “Ưu điểm chung của các đồ dùng dạy học do Thái chế tạo là gọn, nhẹ, dễ sử dụng, hình vẽ chính xác, sát với thực tế, bảo quản dễ dàng… tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn còn nhược điểm, như: thước chuyên vẽ mặt cầu không được linh hoạt khi vẽ hình do tích hợp nhiều chức năng; thước dạy học đa chức năng thì thước có nhiều điểm quay và trượt nên ảnh hưởng độ bền của thước. Thái cho biết đang tập trung thời gian, trí tuệ của mình để khắc phục những nhược điểm nêu trên của các sản phẩm.

Bước ra khỏi khuôn khổ của luận văn tốt nghiệp cũng như Hội thi chế tạo đồ dùng dạy học do khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, một số đồ dùng dạy học tự chế tạo của Nguyễn Quan Thái đã được các trường phổ thông sử dụng, như: Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Châu Văn Liêm… Cô Trần Kim Thủy, giáo viên Toán, Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: “Từ trước đến nay, tôi thường dùng dây để vẽ đường tròn. Bây giờ, có thước chuyên vẽ mặt cầu của Thái, tôi thấy rất tiện lợi và có thể vẽ mặt cầu nhanh, chính xác”. Còn theo thầy Đỗ Tiến Phẩm, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm, chức năng đo độ và vẽ đường tròn, đường ê-lip, parapol… của thước dạy học đa chức năng rất hay và cần thiết khi giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa mới.

Không chỉ say mê nghiên cứu, chế tạo đồ dùng dạy học, Nguyễn Quan Thái còn có tính tự lập, tinh thần vượt khó rất cao. Thái kể: “Khi còn học phổ thông, gia đình dời nhà nên tôi nghỉ mất một năm. Nhà ở khá xa trường học nên anh em tôi phải lội bộ 4, 5 cây số, đến năm học trung học phổ thông, lại tiếp tục đạp xe hơn 10 cây số đến trường… Từ đó, tôi luôn ý thức rằng dù khó khăn đến đâu cũng phải vượt qua để cố gắng học tốt”. Cha mẹ buôn bán trái cây đắp đổi qua ngày nên lo cho 4 anh em Thái ăn học đến nơi đến chốn là cả vấn đề. Lên Cần Thơ học đại học, Thái ở nhờ nhà của dượng Năm và dạy kèm để tự trang trải chi phí học tập. Ông Nguyễn Văn Sáu, dượng Năm của Thái cho biết: “Thái chi xài rất tiết kiệm, đúng mục đích”.

Đầu tháng 12-2005, Thái là một trong 3 sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ vinh dự tham gia Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên các trường Đại học Sư phạm toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Là sinh viên ngành sư phạm lĩnh vực tự nhiên nhưng điều bất ngờ là Thái rất mê nghiên cứu lịch sử. Với Thái, tìm hiểu về lịch sử dân tộc nói riêng và những kiến thức xã hội nói chung vừa làm phong phú sự hiểu biết lẫn tâm hồn của mình, vừa vun đắp để hoàn thiện nhân cách. Thái đã từng đạt giải Khuyến khích cấp thành phố cuộc thi tìm hiểu “75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”; giải Nhì cấp thành phố cuộc thi tìm hiểu “60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi tìm hiểu “75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

******

Thước dạy học đa chức năng của Thái đang được đăng ký độc quyền sáng chế sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Thái tâm sự: “Tôi sẽ cố gắng thi đỗ vào cao học để tiếp tục phát triển nghiên cứu sâu hơn đề tài “Giảng dạy một số khái niệm toán học nhờ phương tiện dạy học và đồ dùng dạy học tự chế”. Tôi rất tâm đắc câu “có công mài sắt, có ngày nên kim” nên không ngừng phấn đấu làm việc, học hỏi”.

Nguồn: baocantho.com.vn ngày27/12/2005

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…