Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 31/07/2013 22:26 (GMT+7)

Người góp phần nâng tầm khoa học Việt

Gặp GS Trần Thanh Vân hồi đầu tuần, nhân dịp ông về Việt Nam làm việc, gương mặt có vẻ mệt mỏi sau một chuyến bay dài nhưng ánh mắt vẫn sáng lên sự minh mẫn dù đã ở tuổi 79.

Đóng góp vào khám phá vĩ đại

Thấm thoát đến nay đã được 50 năm kể từ khi luận án tiến sĩ quốc gia của ông góp phần chứng minh rằng hạt neutron, nằm trong hạt nhân nguyên tử, được cấu thành bởi những hạt nhỏ hơn về sau gọi là quark.

Ông chậm rãi kể lại quá trình học tập và nghiên cứu của mình: “Tôi sinh năm 1934 tại Quảng Bình, sang Pháp vào đầu năm 1953 để tiếp tục học lớp 11. Tôi thi tú tài bên Pháp, rồi ở lại học đại học tại nước này. Sau đó tôi vào làm ở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp. Lúc bấy giờ, người ta cho rằng hạt proton, một cấu phần của hạt nhân nguyên tử, là một hạt không phân chia được nữa. Đến năm 1957-1958, GS

Hofstadter ở Đại học Stanford (Mỹ) làm thí nghiệm cho biết hạt proton không phải là loại hạt không phân chia được, mà bao gồm các hạt nhỏ hơn bên trong. Khi đó, tôi đang làm luận án (tiến sĩ quốc gia - NV) và đề tài của tôi là tìm xem hạt neutron có giống proton hay không. Tôi làm về lý thuyết và phối hợp với thí nghiệm về vấn đề ấy. Luận án đã đưa đến kết luận là hạt neutron cũng có kết cấu giống proton và cũng bao gồm những hạt nhỏ hơn bên trong gọi là quark. Từ đó đến nay cộng đồng khoa học đã khám phá ra 6 hạt quark, 6 hạt lepton và 6 neutrino. Tháng 7.2012, Trung tâm CERN (Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu - NV) mới tìm ra một hạt mới tương tự với hạt Higgs mà lý thuyết Mô hình chuẩn đã dự đoán. Đầu tháng 3 vừa qua, Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond) vinh dự được CERN chọn làm nơi công bố hạt Higgs mà các nhà khoa học đã “săn lùng” từ gần 50 năm nay”.

Nơi gặp gỡ của các nhà khoa học


Chúng tôi mong có thể tạo điều kiện cho các bạn trẻ để các bạn có cơ hội tiếp xúc với các nhà khoa học thế giới và đóng góp vào sự tiến triển của khoa học và công nghệ nước ta


GS Trần Thanh Vân

Đặc biệt, đối với cộng đồng khoa học thế giới, việc CERN chọn Gặp gỡ Moriond cũng là một sự kiện khẳng định tầm vóc của chương trình này. Đây là hội nghị do GS Vân sáng lập từ cách đây 50 năm. Kể lại quá trình hình thành Gặp gỡ Moriond, ông cho biết: “Vào năm 1966, tôi cùng một số bạn đồng nghiệp sáng lập Gặp gỡ Moriond. Lúc đầu, chỉ khoảng 20 người làm việc với nhau. Hội nghị này không chỉ là nơi để mọi người đến báo cáo kết quả nghiên cứu rồi đi. Tôi muốn tạo điều kiện để các nhà khoa học có thời gian bàn luận sâu sắc với nhau, có sinh hoạt chung để tạo điều kiện tốt cho sự cộng tác trong tương lai”.

Từ đó đến nay, Gặp gỡ Moriond được tổ chức liên tục hằng năm và trở thành điểm đến cho hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhiều người trong số đó từng đoạt giải Nobel Vật lý. Chưa dừng lại ở đó, vào năm 1989, GS Vân đã sáng lập Gặp gỡ Blois chuyên về vật lý hạt, vật lý thiên văn, toán và toán tinh học, hóa học và sinh học. Thành phố Blois đã dành riêng cho hội nghị sử dụng lâu đài hoàng gia Blois, một lâu đài rất danh tiếng, mỗi năm trong cả một tuần lễ. Gặp gỡ Blois cũng đã trở thành một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng khoa học thế giới.

Nỗ lực vì quê nhà

Nước Mỹ vinh danh

Năm ngoái, GS Trần Thanh Vân trở thành người châu Á thứ 3 và là người Việt Nam đầu tiên được Viện Vật lý Mỹ (API) trao huy chương Tate. Đây là sự vinh danh của Viện Vật lý Mỹ dành cho những nhà khoa học, nhà lãnh đạo tổ chức nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực vật lý. Chia sẻ với Thanh Niên về sự kiện này, GS Vân cho biết: “Trong hơn 50 năm, từ lúc thành lập vào năm 1959 đến 2012, API chỉ tặng huy chương Tate cho 12 người, trong ấy có 2 nhà bác học nổi tiếng là GS Abdus Salam, giải thưởng Nobel năm 1979 - người sáng lập Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết (ICTP) ở Trieste, Ý và GS Yu Lu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc”.

Không chỉ thành công nơi xứ người, GS Trần Thanh Vân còn vận dụng điều đó để đóng góp cho quê hương khi sáng lập nên Gặp gỡ Việt Nam, từ mô hình Moriond. Mọi việc bắt đầu hồi năm 1990, ông kể: “Tại Việt Nam, tôi có một người bạn rất thân là GS Nguyễn Văn Hiệu. Năm 1990, GS Hiệu đề nghị tôi về nước tổ chức hội nghị quốc tế để góp phần thúc đẩy khoa học nước nhà. Năm 1993, chúng tôi tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đầu tiên. Đến năm 2006, chúng tôi đã tổ chức được 6 hội nghị. Thông qua các hội nghị ấy, những nhà khoa học thế giới đến để trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam và tạo điều kiện để nhiều bạn trẻ khoa học Việt Nam có dịp gặp gỡ các nhà khoa học thế giới. Đó là mục tiêu đầu tiên của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi thấy cần có mạng lưới kết nối các nhà khoa học thế giới với Việt Nam. Vì thế, chúng tôi mong muốn xây dựng một trung tâm khoa học để mời các nhà khoa học thế giới đến cộng tác, nhằm nâng cao hình ảnh khoa học Việt Nam trên thế giới cũng như vị thế của khoa học Việt Nam. Trong năm 2011 và 2012, chúng tôi đã tổ chức Gặp gỡ Việt Nam lần 7 và lần 8 ở Quy Nhơn, với sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học đến từ 27 quốc gia. Tháng 8 tới, sẽ tổ chức tại Quy Nhơn cùng một lúc 4 hội nghị trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9. Vào dịp đó, cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẽ tiến hành lễ khánh thành Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành bên bờ biển Quy Nhơn”.

Với Ban Cố vấn quốc tế gồm hàng chục GS đầu ngành thế giới trong đó có 9 GS từng đoạt giải Nobel, uy tín của Gặp gỡ Việt Nam ngày càng tăng cao, thu hút nhiều nhà khoa học nổi tiếng đến tham dự. GS Trần Thanh Vân kỳ vọng: “Chúng tôi mong rằng trong 5-10 năm nữa, với sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước,  trung tâm sẽ là nơi tập trung của các nhà khoa học thế giới cũng như các Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois”.

GS Vân còn đặc biệt nỗ lực để hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam nghiên cứu khoa học. Hồi năm 1993, sau khi Gặp gỡ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, ông cùng với GS Nguyễn Văn Hiệu nhận thấy cần phải có một lớp học để giúp các bạn trẻ Việt Nam cập nhật kiến thức về vật lý năng lượng cao, vật lý thiên văn. Từ năm 1994 đến nay, lớp học như vậy được tổ chức hằng năm, kéo dài trong 2 tuần dưới cái tên tiếng Anh là Vietnam School of Physics. “Nhằm mục tiêu đào tạo những nhà vật lý cho tương lai”, GS Vân chia sẻ.

GS Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Tổ chức Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp, thăm Làng trẻ em SOS Đồng Hới, tháng 9.2012 - Ảnh: Hàm Châu

Bên cạnh đó, ngay từ năm 1994, ông cùng với vợ mình là GS Lê Kim Ngọc (cũng 79 tuổi) nhà khoa học nổi danh thế giới suốt nửa thế kỷ qua với lý thuyết lát mỏng tế bào, đã lập quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh và sau đó từ năm 2001 kết hợp cùng GS Odon Vallet trao hàng ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam với con số lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Đối với GS Trần Thanh Vân, việc chăm sóc thế hệ trẻ cần được quan tâm ngay từ sớm. Đó là lý do vợ chồng ông đã thành lập nên 3 làng trẻ em SOS ở Đà Lạt, Huế và Quảng Bình lần lượt vào các năm 1974, 1999 và 2006. Từ năm 2000, GS Vân đã triển khai chương trình “Bàn tay nặn bột” với mục tiêu khuyến khích và nâng cao tiềm năng khoa học của các em học sinh tiểu học. Sau 10 năm hoạt động và đào tạo gần 2.000 giáo viên tiểu học trong chương trình này, Bộ GD-ĐT đang lập dự án để phát triển chương trình này ở tất cả các tỉnh thành. Ông tóm lại: “Mục tiêu là làm sao để trẻ em Việt Nam có cơ hội đi học và được mở mang trí tuệ”.  

Ngô Minh Trí

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.