Người giữ món quà tạo hóa từ... cuống rốn
Con người là sản phẩm kỳ diệu của tạo hóa. Các nhà nghiên cứu sinh học thường nói vui là không có cái gì Mẹ Tự nhiên tặng cho chúng ta lại thừa cả.
Ngay cả ruột thừa, theo những nghiên cứu mới nhất không hề “thừa” chút nào. Nó được phát hiện là đã tạo nhiều amin và hormon peptic có vai trò trợ giúp sự ổn định nội mô ở thai nhi từ tuần tuổi thứ 11.
Ở thanh niên, ruột thừa liên quan với chức năng miễn dịch, giúp tạo các kháng thể, nhận chân các kháng nguyên từ thức ăn v.v… đóng vai trò một hệ miễn dịch tại chỗ có tác dụng sống còn trong việc kiểm soát thức ăn, thuốc, vi khuẩn hay virus.
Có một món quà nữa của tạo hóa mà bấy lâu nay chưa được con người dành sự quan tâm thích đáng, đó là nhau thai.
Từ sự tình cờ...
Hầu như ai cũng biết nhau thai và dây rốn là nơi cơ thể người mẹ truyền dinh dưỡng cho thai nhi. Sau khi đứa trẻ ra đời, nhau thai và dây rốn coi như hoàn thành nhiệm vụ. Phần lớn chúng bị bỏ đi, hoặc được sử dụng một phần cho y học. Riêng TS y khoa Phan Toàn Thắng không nghĩ như vậy.
Giữa năm 2005, giới nghiên cứu tế bào gốc quốc tế chấn động vì tin phát đi từ Singapore: một bác sĩ người Việt Nam công tác tại trường Đại học quốc gia Singapore đã tìm ra công nghệ nuôi, tách, bảo quản tế bào gốc từ màng cuống rốn; đáng chú ý hơn, đây là nơi có một lượng tế bào gốc khổng lồ.
So với từ mô và tủy xương thì tế bào gốc từ màng cuống rốn mang nhiều ưu điểm vượt trội về số lượng và khả năng phát triển thành nhiều tế bào khác nhau sau khi được biệt hóa. Người bác sĩ đó tên là Phan Toàn Thắng.
TS Phan Toàn Thắng sinh năm 1968 tại Hà Nội. Năm 1991 tốt nghiệp học viện Quân y, làm việc tại Viện bỏng Quốc gia. 1995-1997 thực tập sinh tại ĐH Oxford (Anh). 1997-2002 làm việc tại Bệnh viện đa khoa Singapore , hoàn thành luận án TS. 2002-2004 công tác tại đại học Stanford (Hoa Kỳ). Hiện là PGS Bộ môn Ngoại, ĐH Quốc gia Singapore – NUS. Giải thưởng Khoa học trẻ của Hội đồng nghiên cứu y khoa quốc gia Singapore , giải thưởng Khoa học quốc tế của Hội đồng nghiên cứu Phẫu thuật tạo hình Mỹ. Tác giả và đồng tác giả hơn 45 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, 10 công trình có đăng ký sở hữu trí tuệ. |
Chuyện xảy ra một cách tình cờ. Là chuyên gia nghiên cứu về da và vết thương, từ lâu TS Thắng mơ ước tìm ra một phương pháp chữa bệnh rẻ, vì những bệnh nhân bị tổn thương về da hầu hết là trẻ con và những người nghèo.
Vào năm 2004, ngẫu nhiên người ta gửi một sợi dây cuống rốn tới phòng thí nghiệm của TS Thắng.
Anh đã thử dùng kỹ thuật tách tế bào da vào màng dây rốn và đã thành công. Đồng thời anh phát hiện ra, màng dây rốn chứa một lượng tế bào gốc khổng lồ với những tính năng vượt trội.
Trong 4 tháng tiếp theo, anh tốn khá nhiều thời gian để tìm ra môi trường nuôi cấy phù hợp cho nó, bởi đây là một công việc vô cùng phức tạp. Và anh lại thành công, trở thành người đầu tiên trên thế giới tìm ra công nghệ này.
Theo PGS – TS y khoa Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu thì “Cái hay (phát hiện của TS Phan Toàn Thắng) là đã tìm ra tế bào gốc từ dây cuống rốn với hai nhóm tế bào có nhiều tính năng tốt, và ít bị thải ghép. BS Thắng đã dùng kỹ thuật để phân lập ra nhiều loại tế bào, dùng để điều trị nhiều bệnh khác nhau”.
Món quà của tạo hóa
PGS, TS Phan Toàn Thắng đang hướng dẫn cách nuôi tế bào gốc từ màng dây rốn cho BS Gerd của Viện bỏng SHRINERS (Texas, Hoa Kỳ) |
Thứ nhất, quá trình lưu giữ, bảo quản bằng đông lạnh dây rốn rất dễ dàng, rẻ tiền. Trong điều kiện VIệT NAM , chi phí lưu giữ dây cuống rốn 20 năm chỉ khoảng từ 1.500 - 2.000 USD.
Khi cần người bệnh có thể dùng tế bào tách từ cuống rốn để điều trị các bệnh như: Bỏng, gãy xương, teo cơ, tiểu đường, liệt tủy, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, Alzeimer, Parkinson…
Tiêm tế bào gốc vào dưới các nếp nhăn của da sẽ có tác dụng chống lão hóa, vì vậy có thể dùng phương pháp này cho cả việc chăm sóc sắc đẹp và thẩm mỹ.
Thứ hai, nguồn cung cấp dây rốn là vô tận và rẻ tiền. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 100 triệu trẻ em được sinh ra, nếu thu giữ tất cả số dây rốn này, với chiều dài trung bình mỗi cái 50 cm, thì ta có thể quấn vài vòng quanh trái đất.
Và từ mỗi dây cuống rốn ta có thể thu được hàng tỉ tế bào gốc ! Con người sẽ có những ngân hàng tế bào gốc khổng lồ với chi phí chẳng đáng là bao.
Thứ ba, tính kháng nguyên và miễn dịch của tế bào lấy từ dây cuống rốn thấp nên khả năng thải ghép cũng thấp, phù hợp để ghép tế bào gốc cho bản thân, đồng loại (đặc biệt là những người cùng huyết thống) mà không phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
TS Thắng lạc quan, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị sẽ tạo được bước đột phá lớn ở những bệnh mà lâu nay y học bó tay, còn những người khỏe mạnh sẽ trẻ lâu hơn nhờ khả năng chống lão hóa của tế bào gốc. “Tuổi già” chính là sự “suy tế bào gốc”.
Chống lão hóa bằng tế bào gốc được coi là tương lai của y học hiện đại. Cuống rốn chính là món quà của tạo hóa tặng cho con người như một nguồn dự trữ để duy trì sự sống và “sửa chữa” kịp thời các tế bào “quá đát”.
Hiện nay TS Thắng đang cùng các đồng nghiệp ở Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hồng Kông, ấn Độ, Singapore… nghiên cứu ứng dụng chữa bệnh trên động vật, bắt đầu thử nghiệm điều trị trên người, trước tiên là các tổn thương do bỏng và vết thương mạn tính do tiểu đường; sau đó là tổn thương sụn và gẫy xương.
Trong tương lai xa hơn, kết quả nghiên cứu sẽ áp dụng để điều trị các bệnh như tiểu đường, nhồi máu cơ tim…
Điều tâm huyết hiện nay của TS Thắng là chuyển giao công nghệ tế bào gốc vào Việt Nam . Dù khá bận, trong 2 năm qua anh nhiều lần về làm việc với các đồng nghiệp trong nước. Được biết, một đề án đào tạo và chuyển giao công nghệ này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua, sẽ bắt đầu triển khai vào đầu năm 2007.
Hai anh em tiến sĩ trẻ
Tôi biết Phan Toàn Thắng từ 7 năm trước, trong một lần sang Singapore công tác. Anh có một người em cừ khôi, TS toán Phan Phương Đạt, người từng đoạt 2 giải thưởng thi toán quốc tế (La Havana 1987 và Canberra 1988), 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (TPCN số Tết, năm 2.000).
Hai anh em Thắng – Đạt sinh ra trong một gia đình công chức nghèo. Ông Phan Phương Thư, bố của Thắng và Đạt trước kia làm báo, nay đã nghỉ hưu. Lần đầu tôi tới thăm nhà Thắng, ngỡ ngàng khi biết người trông xe đạp cho khách đến khu tập thể chính là mẹ Thắng…
Tế bào gốc, còn gọi là tế bào nguồn, là những tế bào sơ khai chưa biệt hóa, vẫn giữ được khả năng biệt hóa thành những tế bào khác. Khả năng này cho phép chúng hoạt động như một hệ thống sửa chữa của cơ thể bù đắp cho những tế bào chết đi. Có 3 loại tế bào gốc chính: tế bào gốc phôi thai sau khi tinh trùng thụ tinh với trứng; tế bào gốc trưởng thành ở tủy xương, da; và tế bào gốc sơ sinh như máu dây rốn, nhau thai và dây rốn. (Nguồn báo Khoa học và Đời sống) |
Bố Thắng nói: “Đời tôi không được học nhiều, nên có bao nhiêu sức dồn hết cho các con học.” Đồ đạc trong nhà Thắng ngăn nắp và giản dị, chỉ thấy đâu cũng có sách.
Phan Toàn Thắng khiêm tốn tự nhận mình so với người em chẳng thấm tháp vào đâu: thời phổ thông, học lực của anh chỉ ở mức trung bình, không có năng khiếu gì nổi trội. Trong khi người em học về toán ở Liên Xô thì anh lận đận học nghề y trong nước.
Người em nhận bằng TS toán năm 28 tuổi khi người anh mới bắt đầu làm luận án TS bằng việc nghiên cứu tế bào mô. Điểm xuất phát và tốc độ học của người anh luôn chậm hơn so với người em. Khi mới sang thực tập sinh ở ĐH Oxford Phan Toàn Thắng thậm chí còn chưa biết dùng các thiết bị thí nghiệm của trường vì nó… hiện đại.
Thế nhưng, như chúng ta biết, anh đã “đuổi kịp” người em về mặt học vị, và với việc tìm ra công nghệ nuôi, tách, bảo quản tế bào gốc từ màng cuống rốn, anh ghi tên mình vào danh sách những chuyên gia tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực này.
Một trong những nguyên nhân gây chấn động giới chuyên môn sinh-y học khi công nghệ tách tế bào gốc từ màng cuống rốn được công bố còn vì tác giả của nó trước đó hầu như chưa được biết tới.
Hơn nữa, đó lại là một người Việt Namđang làm việc tại quốc đảo nhỏ bé Singapore . Phan Toàn Thắng chính là người lữ hành lặng lẽ trên con đường nghiên cứu của mình, không lớn tiếng tuyên ngôn, tránh xa những ánh hào quang dễ làm người ta trở nên hư hỏng.
Chúng tôi hỏi TS Thắng:
- Anh nói phát hiện của mình đến từ một sự tình cờ. Nhưng thật ra trong khoa học chẳng sự tình cờ nào lại không có lý do ?
- Đúng thế. Nếu bạn không được chuẩn bị tốt, thì sự tình cờ đó sẽ vụt qua đi như… một sự tình cờ. Sinh ra và lớn lên từ một đất nước nghèo, chậm phát triển, tôi luôn quan tâm tìm những công nghệ, phương pháp điều trị không quá phức tạp và ít tốn kém để phục vụ bệnh nhân.
Dây cuống rốn dễ thu hồi, bảo quản, chi phí gần như bằng không. Đây có lẽ chính là điều mà những người nghiên cứu trước tôi, được làm việc trong môi trường khoa học quá tiên tiến, nên đã không để ý tới cái dây rốn xoàng xĩnh này chăng ?
- Anh đầu tư nhiều thời gian cho việc chuyển giao công nghệ mới vào Việt Nam có phải vì mục đích thương mại ?
- Nên nhìn nhận việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học ở khía cạnh tích cực. Thương mại hóa sẽ giúp triển khai các kết quả đó trên quy mô rộng và đông đảo người dân sẽ được hưởng lợi từ nó. Tôi và các đồng nghiệp đang tiến hành những công việc này ở Mỹ, các nước phương Tây và những quốc gia đông dân như ấn Độ.
Với Việt Nam, trước mắt và trước hết tôi muốn chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình với các đồng nghiệp, đầu tiên là công nghệ nuôi cấy tế bào da, chuẩn bị cho việc tiếp nhận công nghệ nuôi cấy tế bào gốc nhanh chóng và thuận lợi hơn.
- Là người làm nghiên cứu với xuất phát điểm không cao và nay đã thu được những thành công nhất định, anh có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các bạn đọc trẻ ?
- Có rất nhiều con đường để đi đến thành công. Đừng quá chú ý đến những hư danh vô ích. Hãy làm việc chăm chỉ, bền bỉ và có phương pháp. Còn một điều nữa: đừng quên sử dụng internet và học tiếng Anh cho tốt !
Nguồn: Tiền phong Chủ nhật 3/12/2006