Người đứng đầu 100 thiên tài vĩ đại nhất hành tinh
Theo đó, tháng 3/1989, ông đã đưa ra đề xuất về hệ thống quản lý thông tin và thực hiện thành công việc giao tiếp thông tin đầu tiên giữa máy khách và máy chủ Hypertext Transfer Protocol (HTTP) qua internet vào khoảng giữa tháng 11.
Tim Berners-Lee là người phát minh ra World Wide Web (chính là đường dẫn www mà hiện mọi người vẫn hay dùng). Tim cũng là người sáng lập World Wide Web Consortium (W3C) - tổ chức đặt các tiêu chuẩn quan trọng, giám sát sự phát triển của Internet. Đồng thời, ông còn là một nhà nghiên cứu cao cấp và chủ sở hữu của Phòng thí nghiệm khoa học và trí tuệ nhân tạo máy tính (CSAIL) và giám đốc của web sáng kiến nghiên cứu khoa học (WSRI)...
Năm 2004, Tim Berners-Lee được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ khi là người tiên phong trong lĩnh vực Internet. Tháng 4/2009, ông được chọn làm giáo sư của Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ. Không chỉ có thế, ông còn được vinh danh là "nhà phát minh ra World Wide Web" trong lễ khai mạc thế vận hội mùa hè năm 2012 tại sân vận động Olympic, London (Anh) trước sự chứng kiến của hơn 80.000 người.
Sống cùng toán học và máy tính từ nhỏ
Tim Berners-Lee sinh ra tại London (Anh), trong một gia đình gồm 4 người con, với bố là Conway Berners-Lee và mẹ là Mary Lee Woods. Cha mẹ ông đều là nhà toán học và cùng làm việc cho nhóm phát triển Manchester Mark I - một trong những nơi đầu tiên sử dụng máy tính.
Ngay từ khi còn nhỏ, Tim đã phải học toán suốt ngày, kể cả khi ăn tối cùng gia đình. Ông học tiểu học tại trường Sheen Mount, trước khi vượt qua O-Levels và A-Levels tại trường Emanuel ở Wandsworth về khoa học máy tính.
Thiên tài máy tính tốt nghiệp cao đẳng Hoàng gia (The Queen's College) thuộc đại học Oxford. Tại đây, ông đã tạo ra máy tính chỉ từ mỏ hàn, các cổng vi mạch, vi xử lý M6800 và một chiếc TV cũ. Trong suốt thời gian ở Oxford, ông bị cấm không được sử dụng máy tính của trường do thường xuyên cùng bạn bè nghịch ngợm, hack thông tin nội bộ...
Nổi tiếng nhờ phát minh ra World Wide Web
Năm 1976, sau khi tốt nghiệp đại học, Tim Berners-Lee làm lập trình viên cho hãng Plessey Controls Limited tại Poole, Anh (thời điểm đó nơi này sản xuất đèn giao thông). Năm 1978, ông tham gia D.G. Nash Limited - nơi ông tạo ra phần mềm sắp chữ và hệ điều hành cho máy in.
Tháng 6-12/1980, thiên tài người Anh làm nhân viên hợp đồng ở Cern và bắt đầu thực hiện một dự án dựa trên khái niệm siêu văn bản (hypertext), tạo điều kiện chia sẻ và cập nhật thông tin giữa các nhà nghiên cứu. Để chứng minh cho dự án này, ông còn xây dựng một hệ thống nguyên mẫu hỏi được đặt tên là Enquire.
Từ khi còn trẻ, thiên tài người Anh đã nổi tiếng khắp thế giới do là người sáng tạo ra World Wide Web. |
Sau khi rời khỏi Cern, Tim làm việc cho Image Computer Systems Ltd. của John Poole ở Bournemouth, Anh trong ba năm. Tuy nhiên, đến năm 1984, ông lại quyết định quay trở về Cern với tư cách như một thần đồng trong lĩnh vực máy tính.
Năm 1989, Cern được biết đến như một trung tâm Internet lớn nhất châu Âu và Tim Berners-Lee đã cho thấy tài năng của mình khi kết nối siêu văn bản với Internet. "Tôi chỉ cần áp dụng khái niệm siêu văn bản và nối nó với các TCP và DNS. Thế là đã có World Wide Web" - Tim nói.
Thiên tài sinh năm 1955 đã viết ra phiên bản đầu tiên vào tháng 3/1989 nhưng chỉ đến năm 1990, nhờ sự giúp đỡ của Robert Cailliau (người nhận giải thưởng Hệ thống phần mềm ACM năm 1995), ông mới hoàn thành được phiên bản đầy đủ khiến người quản lý Mike Sendall hài lòng.
Tim cho biết, website đầu tiên được xây tại địa chỉ http://info.cern.ch, được phát hành vào ngày 6/8/1991. Website đã giải thích World Wide Web là cái gì, cách tìm trình duyệt và thiết lập một máy chủ.
Năm 1994, nhà khoa học người Anh thành lập World Wide Web Consortium (W3C) tại học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT). W3C bao gồm nhiều công ty khác nhau nhằm tạo ra những tiêu chuẩn và khuyến nghị để cải tiến chất lượng các trang web. Đặc biệt, mọi thứ trên World Wide Web đều không bắt người dùng phải mua giấy phép, mà hoàn toàn miễn phí để ai cũng có thể dễ dàng sử dụng.
Tháng 12/2004, Tim Berners-Lee đảm nhận một vị trí chủ tịch khoá khoa học máy tính trong trường điện tử và khoa học máy tính, thuộc ĐH Southampton (Anh).
Luôn ủng hộ việc miễn phí truy cập Internet
Tháng 6/2009, Thủ tướng Anh - Gordon Brown tuyên bố Tim Berners-Lee sẽ làm việc cho Chính phủ Anh để giúp thành lập dữ liệu mở, dễ dàng truy cập trên web cũng như xây dựng sức mạnh thông tin cho lực lượng đặc nhiệm.
Có thể nói, Tim và giáo sư Nigel Shadbolt chính là hai nhân vật chủ chốt đằng sau trang web data.gov.uk- một dự án của chính phủ Anh để mở hầu hết dữ liệu thu được phục vụ cho các mục đích tái sử dụng miễn phí. "Những thay đổi này báo hiệu một sự chuyển biến lớn về văn hoá trong chính phủ - cởi mở, trách nhiệm và minh bạch hơn. Giờ người dân có thể tham gia vào những gì họ quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ" - ông cho hay.
Đến tháng 5/2012, Tim trở thành chủ tịch Viện dữ liệu mở. Ngoài ra, ông là người dẫn đầu Affordable Internet (A4AI) - liên minh của các tổ chức công và tư như Google, Facebook, Intel và Microsoft, được thành lập vào tháng 10/2013. Theo đó, ông thường tìm cách cho chi phí truy cập Internet ở mức chấp nhận được để việc truy cập ở các nước đang phát triển mở rộng hơn.
Tim Berners-Lee đã đạt được không ít thành tựu trong sự nghiệp. Đến nay, ông vẫn được mọi người ngưỡng mộ, tôn vinh. |
Hiện nay, thiên tài vĩ đại nhất thế giới vẫn luôn được mọi người tôn vinh và biết ơn khi là người phát minh ra Internet. Đồng thời, ông cũng là người ủng hộ ý tưởng Internet là một loại quyền hạn cơ bản của con người, ai cũng có thể sử dụng.
Gần đây nhất, vào ngày 19/5 vừa qua, Tim Berners-Lee đã được trao bằng tiến sĩ danh dự về kỹ thuật và công nghệ đại học Yale (Mỹ).