Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 21/07/2005 14:23 (GMT+7)

Người dập tắt đại dịch sâu róm thông

Bôvêrin, loại thuốc trừ sâu sinh học được trung tâm Bảo vệ môi trường Nghệ An sản xuất đã trở thành sát thủ sâu róm thông mà không hề độc hại với con người và môi trường. KS. Cao Thị Hoa là một trong những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà.

Nhặt sâu róm giữa đại ngàn thông

Tôi gặp kỹ Sư Cao Thị Hoa ở hội nghị những điển hình tiên tiến của Hội phụ nữ tỉnh Nghệ An; một phụ nữ nhỏ nhắn, khô gầy, có gương mặt rất sáng. Khi nhắc đến những thành tích của mình, chị cho biết:

- Vốn là đề tài tôi ấp ủ từ những năm còn là sinh viên khoa lâm sinh, Trường đại học Lâm nghiệp (Đông Triều, Quảng Ninh). Ra trường, tôi muốn thực hiện hiệu quả đề tài này chính trên đất rừng quê hương mình. Năm 1983, tốt nghiệp trường đại học (ở cái tuổi 26 mà hầu hết con gái cùng trang lứa đã trọn bề gia thất) chị được biên chế về công tác tại cơ quan phòng trừ sâu bệnh Sở Lâm nghiệp Nghệ Tĩnh. Tuổi trẻ và đề tài khoa học được ấp ủ trong những năm tháng đi học đã cuốn hút tâm trí chị, làm sao có thể sản xuất loại thuốc phòng trừ sâu róm thông hiệu quả mà không có hại cho môi trường. Biết là bao khó khăn đang đón đợi, nhưng chị coi đây là điều kiện tốt nhất để chị dành thời gian thích đáng bám đại ngàn thông, quyết tâm tìm ra loại thuốc diệt trừ được sâu róm thông. Đó là nấm Bạch Cương có khả năng ức chế quá trình phát triển và diệt trừ sâu róm mà không hề độc hại với con người và môi trường. Bằng chiếc xe đạp "cà tàng", hành trang chỉ có bộ đồ sửa xe, bình tông nước, vài chiếc bánh chưng nhỏ, chị đã một mình lặn lội đến tất cả các khu rừng thông của tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ). Công nhân các lâm trường và dân địa phương rất ngạc nhiên khi gặp chị. Có nhiều người cho là chị mắc bệnh thần kinh khi thấy một người con gái nhỏ nhắn đi bới lá cây, nhặt xác từng con sâu róm cho vào lọ thủy tinh.

Suốt mấy năm liền chị đã rong ruổi dưới nắng lửa, gió lào, kết bạn cùng nhiều cánh rừng thông trong tỉnh để vạch lá tìm sâu. Quá trình nhặt sâu róm đã giúp chị nắm bắt tỉ mỉ vòng đời của sâu róm thông, lúc nào phát dịch và khả năng tiêu diệt sâu của nấm Bạch Cương như thế nào. Trong chuyến đi như vậy, chị cũng đã tận mắt được thấy những khoảng rừng bị sâu róm thông thiêu cháy lặng lẽ mà không ai biết tới. Điều đó đã thôi thúc chị vượt lên...

Ngày ấy, cơ sở vật chất của cơ quan còn khó khăn; nhà cửa công sở làm việc dột nát, làm sao tính đến việc có cho mình phòng thí nghiệm. Nhưng được các đồng nghiệp đi trước tin yêu giúp đỡ nên tất cả thông tin thu thập được, chị mang đến xử lý tại phòng thí nghiệm của Ủy ban khoa học tỉnh. Niềm đam mê khoa học với quyết tâm muốn nhanh chóng tìm ra được loại thuốc mà mình mong muốn đã cuốn hút chị bao ngày đêm trong phòng thí nghiệm.

Đầu năm 1990, chế phẩm Bôvêrin đã được hình thành. Nhưng trong quá trình đó, chị phải đối mặt với hàng chục loại thuốc khử trùng hóa học. Thân thể chị còm cõi, tóc rụng, da khô, sần sùi, xóa dần những nét duyên dáng của thời con gái. Nhưng đau đớn, ác nghiệt nhất là nó đã tước đi cái quyền làm mẹ của chị. Lập gia đình từ năm 1986, suốt bốn lần mang thai, qua mỗi lần chị hồi hộp chờ đợi với niềm hy vọng thật mong manh đến buồn tủi, đau đớn khi biết những đứa con trong bụng không sống được do tác động của chất độc hóa học. Nửa gian nhà tập thể chật hẹp, ấm cúng hạnh phúc ngày nào của đôi vợ chồng trẻ bây giờ trở nên lạnh lẽo, trống trải vô cùng...

Năm 1991, được sự động viên giúp đỡ của lãnh đạo cơ quan và anh chị em đồng nghiệp, chị được nghỉ phép, tạm ngừng công tác nghiên cứu, cùng chồng vào Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Gặp thầy, gặp thuốc, bệnh tình chị khỏi hẳn. Năm 1991, chị có đứa con gái đầu lòng. Năm 1993, chị lại sinh thêm một cháu trai. Hai đứa con, theo lời chị: "Trai vàng, gái ngọc". Vợ chồng chị hạnh phúc vô cùng. Chị càng phấn khởi biết nhường nào khi cơ quan đã xây một phòng thí nghiệm đúng tiêu chuẩn, giúp chị tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học.

"Khắc tinh" thành bạn của chủ rừng

Đại dịch sâu róm thông năm 2003 bị dập tắt nhờ "khắc tinh" là thuốc Bôvêrin mà chị Hoa là chủ đề tài. Chế phẩm phòng trừ sâu sinh học Bôvêrin được đưa vào sử dụng thử nghiệm từ năm 1990. Năm 1992 được nhân rộng hiệu quả hơn và năm 1996 được Trung tâm bảo vệ tài nguyên môi trường rừng tỉnh mạnh dạn đưa vào phòng ngừa sâu róm thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Các lâm trường cho biết: đạt hiệu quả bảo vệ cây trồng bền vững hơn, không độc hại, chi phí chỉ có 160.000-200.000 đồng/ha. Trong khi đó, nếu dùng thuốc trừ sâu hóa học phải chi phí từ 700.000 đến 800.000 đồng/ha, lại gây tác hại không nhỏ đến môi trường và con người. Chế phẩm của chị đã trở thành "khắc tinh" của sâu róm thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Rừng thông Nghệ An trở lại xanh tốt, không bị sâu bệnh xâm hại.

Đại dịch sâu róm thông năm 2003 thiêu cháy trên diện rộng hơn 30 nghìn ha thông của Nghệ An và Hà Tĩnh, các lãnh đạo các cấp, các ngành có liên quan đều có chung kết luận: Đó là sự chủ quan, lơ là của các chủ rừng. Có những lâm trường chỉ lo khai thác nhựa thông, còn sự chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh thì dường như lãng quên. Để dập tắt đại dịch sâu róm thông, toàn tỉnh đã huy động tất cả các biện pháp, tất cả các loại thuốc trừ sâu, kể cả thuốc trừ sâu hóa học. Nhưng dùng thuốc trừ sâu hóa học, hiệu quả không đáng kể. Có những khu rừng tàn úa bởi sâu bệnh, nay lại phải gánh thêm chất độc từ thuốc nên chỉ một thời gian ngắn cũng gục chết luôn.

Chế phẩm Bôvêrin hiệu quả hơn, thiết thực hơn trong diệt trừ sâu róm thông mà lại không gây tác hại cho môi trường và con người. Trung tâm bảo vệ tài nguyên môi trường rừng tỉnh đã quyết định sản xuất hàng loạt và đưa vào phòng trừ sâu bệnh trên một quy mô lớn và kỹ sư Cao Thị Hoa đã được giao đảm nhiệm trọng trách này.

Thuốc trừ sâu Bôvêrin đã kịp thời giúp cho các lâm trường chặn đứng sự tàn phá của sâu róm thông.

Rừng thông Nghệ An bây giờ lại thắm xanh, mang đến bao nguồn lợi cho con người và môi trường. Niềm tin, niềm say mê khoa học như được nhân lên trong lòng kỹ sư Cao Thị Hoa và tập thể của mình khi được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ gửi thư chúc mừng: "... Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao nỗ lực lao động sáng tạo của tập thể cán bộ công nhân trung tâm bảo vệ tài nguyên môi trường rừng Nghệ An trong việc ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất; nhất là nhóm thực hiện đề tài do đồng chí Cao Thị Hoa làm chủ nhiệm đã khắc phục khó khăn, sản xuất chế phẩm sinh học này với quy mô càng lớn. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn ủng hộ và tạo điều kiện triển khai mở rộng sản xuất chế phẩm Bôvêrin để từng bước ngăn chặn, đi đến chấm dứt nạn dịch sâu róm thông trong tỉnh nói riêng, trong phạm vi toàn quốc nói chung...".

Nguồn: nhandan.com.vn  27/6/2005

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.