Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 20/03/2008 15:04 (GMT+7)

Người đàn bà "say" dưới chân núi Cúp

Trong Hội nghị "Đánh giá triển khai Nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế" được tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 12/2007, lương y Đinh Thị Phiển là đại biểu duy nhất đại diện cho khối y tế ngoài công lập về y học cổ truyền (YHCT) được đọc tham luận tại hội nghị. Gặp tôi hơn chục ngày sau "sự kiện" này ở Hòa Bình, bà vẫn vừa nói vừa "run" vì quá xúc động. Với bà, được về Hà Nội để tham dự một hội nghị lớn đến như thế đã là một vinh dự quá lớn lao rồi, thế mà còn được chọn để thay mặt những người làm YHCT trong cả nước để phát biểu thì đúng là "như nằm mơ". Dù đã được các cán bộ ở Vụ YHCT, Bộ Y tế "tiếp sức" trấn an bằng cách động viên rằng bà đã làm được rất thành công mô hình y tế tư nhân về YHCT thì không có lý gì lại không mạnh dạn phát biểu về những việc mình đã làm được và những suy nghĩ, trăn trở của mình để ngành YHCT nói chung, những người làm y tế tư nhân nói riêng ngày càng được phát triển hơn. Vậy mà bà vẫn run và cuối cùng là bước lên bục "nói vo" không một dòng chuẩn bị. Từ thực tế đã trải qua, từ chính công việc hàng ngày trong quá trình khám chữa bệnh cho người dân, trong việc "đứng mũi chịu sào" của Công ty cổ phần y dược học Hòa Bình, bà phát biểu bằng cái tâm của một người thầy thuốc, luôn trăn trở và hết lòng vì những người bệnh của mình... Bà cười và bảo bây giờ nghĩ lại thấy mình "dũng cảm" quá nhưng trước sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của lãnh đạo Bộ Y tế đối với YHCT, đặc biệt là sự quan tâm, khuyến khích xã hội hóa y tế trong lĩnh vực này khiến bà thêm mạnh dạn để "đăng đàn". Kỷ niệm của hội nghị này sẽ như một động lực lớn để bà vững tin hơn vào con đường mình đã chọn và đang gắn bó...


Bệnh viện YHCT sẽ mọc lên tại thung lũng tuyệt đẹp này. Tiếp xúc và trò chuyện cùng lương y Đinh Thị Phiển, quả thật là hiếm thấy một người say mê cây cỏ, đặc biệt là những cây thuốc đông y đến như bà. Cả khu vườn thuốc rộng bát ngát với 206 loài cây thuốc quý hiếm, bà thuộc lòng tên họ từng loài, đặc tính sinh trưởng và tính năng, tác dụng đối với sức khỏe con người. Nào là cây xạ đen, xạ bái có tác dụng tiêu viêm u khối, ức chế khối u, tăng cường miễn dịch; nào là cây khôi nhung, khôi cơm chữa dạ dày; cây đan vàng chữa bệnh gan; cây tũng, cây đinh râu, cây tỳ bà diệp... Căn nguyên của niềm đam mê ấy, theo bà có lẽ do những năm tháng tuổi thơ của cả mấy anh chị em cô bé Phiển đã thấm đẫm trong mùi lá thuốc thơm nồng được cha mẹ bốc, sắc hàng ngày để chữa bệnh cho người dân quanh vùng. Trò chơi được bà ưa thích là theo mẹ lên rừng, nhận mặt, phân loại các loài cây thuốc, cây độc và tác dụng của nó đối với con người.  Mẹ bà, một bà lang nổi tiếng đã "phá rào" vượt qua luật tục để truyền nghề thuốc lại cho các con gái - những đối tượng nằm ngoài quy định truyền nghề thuốc của dân tộc Mường xưa. Đam mê cây cỏ, lại nhanh nhẹn tháo vát và điều quan trọng nhất mà cha mẹ nhìn nhận ở cô con gái thứ 3 Đinh Thị Phiển là một tình thương, là cái tâm đối với người bệnh, bà Phiển đã trở thành "học trò" sáng dạ nhất của cha mẹ mình. "Cái nghiệp" bốc thuốc cứu người như đã vận vào thân, sau các khóa học chuyên ngành về YHCT, cô bé Phiển giờ đã trở thành lương y đa khoa Đinh Thị Phiển, ngày ngày dốc hết tâm sức với nghề nghiệp mình đã chọn. Từ những bài thuốc gia truyền của cha mẹ kết hợp với những kiến thức được đào tạo, lương y Đinh Thị Phiển nổi tiếng "mát tay" với những bài thuốc chữa vô sinh, muộn con và hỗ trợ điều trị ung thư. Sau hơn 30 năm công tác trong ngành YHCT, bà về hưu và chính thức thành lập Công ty cổ phần y dược học cổ truyền Hòa Bình. Những bài thuốc chữa vô sinh và hỗ trợ điều trị ung thư, tăng cường miễn dịch cho cơ thể của lương y Đinh Thị Phiển đã được các cơ quan chức năng kiểm định và cấp giấy chứng nhận. Mỗi năm, cả nghìn người bệnh đã nhờ bà mà có thêm niềm vui, có thêm hy vọng sống. Ân đức người bệnh được chữa lành mang đến tạ ơn bà, bà chỉ nhận ở họ một lời cảm ơn chân thành làm nguồn động viên, cổ vũ để bà đi tiếp con đường đầy đam mê nhưng cũng còn lắm khó khăn của mình - con đường vì sự sống của những người bệnh. Ngoài một phòng khám ở thành phố Hòa Bình ngày ngày tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho từ 40-50 bệnh nhân, nay mai, dưới chân núi Cúp thuộc xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, một bệnh viện YHCT với quy mô 50 giường bệnh có chức năng điều trị, an dưỡng, phục hồi chức năng cho những người bệnh sẽ ra đời. Đưa tôi đi vòng quanh khu vườn thuốc rộng bát ngát dưới chân núi Cúp lồng lộng gió, bà say sưa nói về những dự định đang dần thành hình của mình. Bệnh nhân đến chữa bệnh ở đây, ngoài uống thuốc, sẽ được điều trị thêm bằng cách tắm nước thuốc, ăn lá thuốc tươi dưới dạng rau sống, rau canh. Người bệnh sẽ được điều trị theo kiểu bệnh viện - khu an dưỡng - du lịch sinh thái đậm chất văn hóa Mường. Bà trăn trở tìm ra cách hữu hiệu nhất để rút ngắn thời gian điều trị, để người bệnh mau khỏi về với gia đình, với cuộc sống đời thường. Bà khổ công lặn lội tìm kiếm từng cây thuốc quý, chắt chiu mang chúng về tới tận vườn rồi lại cặm cụi chăm bón cho cây sống. Không chỉ dừng ở đó, bà còn vào tận những bản làng xa xôi, vừa tìm cây thuốc, vừa hướng dẫn cho bà con dân bản cách nhận biết các loại cây thuốc quý để không phá bỏ cây, giữ gìn, chăm bón chúng để chữa bệnh cho con người. Bà làm tất cả những việc ấy không phải để cho mình, bà muốn từ những tinh hoa ấy của cha ông truyền lại, đời con cháu phải cố công giữ gìn, bảo tồn, kế thừa và phát triển nó lên. Giữ gìn được những cây thuốc quý ấy cũng có nghĩa là giữ gìn sự bình an, là hồi sinh thêm những mạng sống quý báu. Chia tay người đàn bà “say” cây cỏ dưới chân núi Cúp, tôi như "lây" tình yêu cái nghề "bẻ cành, hái lá" rồi "sắc sắc, bốc bốc" của bà. Tấm lòng của bà với con người, với cỏ cây thật hữu ích và đáng trân trọng biết mấy.

Nguồn: suckhoedoisong.vn (20/02/08)

Bệnh viện YHCT sẽ mọc lên tại thung lũng tuyệt đẹp này.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.