Người đam mê những sáng kiến kỹ thuật môi trường từ rác thải
Tại vòng chung khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10 (2022-2023) tổ chức ngày 3/8 vừa qua, tôi đặc biệt chú ý tới giải pháp “Thiết bị ủ rác thải hữu cơ dễ phân hủy sinh học cụm dân cư” là 1/41 giải pháp được chọn vào Chung khảo và đã đạt giải Ba, thuộc lĩnh vực: Nông-Lâm-Ngư nghiệp,Tài nguyên và Môi trường của TS Võ Anh Khuê và cộng sự.
TS.Võ Anh Khuê hướng dẫn xã viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Chóp Chài (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) kỹ thuật tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học
Sáng kiến từ thực tiễn cuộc sống
TS Khuê cho biết: “Rác hữu cơ là rác được thải từ những hoạt động hằng ngày của con người. Loại rác này có chứa thành phần hữu cơ, khả năng phân hủy nhanh và có thể được sử dụng để tái chế những sản phẩm sinh học có ích để phục vụ dân sinh trong nhiều lĩnh vực…”
Cuối năm 2020 Sở Tài nguyên & Môi trường Phú Yên đã phối hợp với TS Võ Anh Khuê, nghiên cứu và chế tạo ra thùng ủ phân Compost từ rác thải hữu cơ. Kết quả đã xây dựng được nguyên lý chung về ủ rác hiếu khí tự nhiên trong thùng kín với dòng khí hướng lên.Từ nguyên lý này, TS.Võ Anh Khuê đã thiết kế và chế tạo các loại thùng ủ phân Compost để phân loại, góp phần giảm thiểu rác thải hữu cơ tại nguồn.
Cũng là giải pháp bảo vệ môi trường, vừa qua, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học được sản xuất từ rác thải thực vật. Theo TS Khuê, chia sẻ: “Phương pháp ngâm ủ rác thải thành chất tẩy rửa chứa enzyme không mới. Tuy nhiên, sản phẩm làm từ rác thải nhà bếp thu được có mùi hôi, có nhiều cặn lơ lửng, hiệu quả tẩy rửa thấp…”
Để khắc phục những hạn chế, TS Võ Anh Khuê và nhóm tác giả đã nghiên cứu nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học từ rác thải thực vật, cụ thể là: Sử dụng rác thải hữu cơ như vỏ thơm, khóm, cam, chanh, bưởi,… để ngâm ủ lên men, tạo ra loại nước chứa nhiều Enzym, rất hiệu quả trong việc tẩy rửa. Phần bã, cặn thu được sau khi ủ có thể dùng làm phân bón vi sinh cho cây trồng.
Tháng 6/2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị sản xuất dung dịch Anolyte giúp tạo ra sản phẩm khử khuẩn, phòng ngừa dịch Covid. Chất lượng dung dịch Anolyte qua kiểm nghiệm đạt hiệu quả khử khuẩn 99,99%. Ngoài khử khuẩn, Anolyte có nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống như: Khử trùng chuồng trại, rửa rau củ quả, khử trùng trang thiết bị y tế…
Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy cộng với niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, TS Võ Anh Khuê, đã cho ra đời những sản phẩm kỹ thuật, phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy và đời sống, tiêu biểu như: Xây dựng quy trình mới để định lượng thông số Florua; Các nghiên cứu xử lý nước thải, xử lý khí thải chăn nuôi heo; Phương pháp phân loại và tài nguyên hóa rác thải tại nguồn; Phương pháp thu hồi và xử lý hóa chất tồn dư…
Đồng thời TS Võ Anh Khuê còn phối hợp với đồng nghiệp ở trường Cao đẳng Công Thương miền Trung làm Chủ nhiệm hoặc thành viên các đề tài/sáng kiến/dự án của cấp trường, cấp tỉnh và cấp Bộ, tiêu biểu như: “Xây dựng quy trình định lượng florua trong dung dịch nước bằng thuốc thử xylenol da cam theo phương pháp trắc quang”; “Thiết kế và chế tạo mô hình hệ thống xử lý nước thải chế biến thủy sản công suất 200 m3 nước thải/ngày đêm”; “Nghiên cứu sản xuất gel rửa tay khô”; “Xây dựng quy trình chiết dầu gừng từ củ gừng tỉnh Phú Yên”; “Khảo sát và đề xuất giải pháp tài nguyên hóa rác thải tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung”…
Hiệu quả thiết thực với cộng đồng
Năm 2021, Sở TN&MT phối hợp với Trường cao đẳng Công Thương miền Trung triển khai mô hình thùng ủ phân compost tại xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Từ khi có những thùng xử lý rác này, một lượng lớn rác thải sinh hoạt tại địa phương đã được giải quyết; các hộ dân sử dụng lượng phân hữu cơ này để bón cho rau màu, cây trồng. Đặc biệt, thùng rác không rò rỉ nước, không phát ra mùi hôi nên không ảnh hưởng đến môi trường,
Theo TS.Võ Anh Khuê, thùng ủ phân Compost từ rác thải hữu cơ đã triển khai thực tiễn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, bước đầu cho hiệu quả khả quan về tính thẩm mỹ, hiệu quả ủ. Sản phẩm thùng ủ này đã có hơn 10 tỉnh, thành phố đặt hàng về việc chuyển giao công nghệ.
Với mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường, vừa qua ở Xã đoàn Hòa An, huyện Phú Hòa, nghe quy trình phân loại và cách ủ rác thải thành phân bón hữu cơ do TS.Võ Anh Khuê hướng dẫn đã có hàng chục tình nguyện viên của Xã đoàn Hòa An,cùng cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở TN-MT), Tỉnh đoàn trực tiếp lắp đặt, tặng chế phẩm sinh học và hướng dẫn người dân cách thức để phân loại rác, ủ rác, cũng như những lợi ích của việc ủ và sử dụng phân vi sinh từ rác thải hữu cơ.
Theo đó mô hình này cũng đã triển khai tại chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa- Phú Yên) và hỗ trợ một số thùng ủ để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón để bón cho cây trồng, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đối với giải pháp “Nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước rửa chén sinh học được sản xuất từ chất thải thực vật” của TS.Võ Anh Khuê và ThS. Huỳnh Huy Việt: Trưởng phòng Tổng hợp-Đánh giá tác động môi trường (Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Yên) hiện đang phát triển mô hình sản xuất nước tẩy rửa sinh học (NTRSH) bằng phương pháp ngâm ủ rác thải thực vật vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường ở các địa phương trong tỉnh, như: xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa); xã Hòa An; Khu dân cư khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa); xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa)...
Đặc biệt Hội Phụ nữ các cấp ở tỉnh Phú Yên đã phát động phong trào thành lập Câu Lạc bộ “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học” hiện các Câu Lạc bộnày phát triển, tạo công ăn việc làm cho hội viên.
Ngày 12/3/2023 vừa qua TS. Võ Anh Khuê đã hướng dẫn kỹ thuật về việc “Xây dựng mô hình phân loại, giảm thiểu rác sinh hoạt tại nguồn”cho 300 hộ nông dân của 7 thôn ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định tham dự. Được bà con nông dân hưởng ứng cao, đây là hoạt động hữu ích góp phần cho xã Phước Hưng phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao (dự kiến tháng 10/2023).
Với niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, TS. Võ Anh Khuê đã đạt nhiều giải thưởng cao của các kỳ Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên, đạt nhiều sáng kiến/Đề tài/Dự án của các cấp. Phấn khởi nhất, theo TS. Khuê bộc bạch, đó là: Giải thưởng thưởng Môi trường tỉnh Phú Yên lần thứ III- Năm 2022; Mô hình “Thùng ủ rác” đạt giải C, cấp Quân khu 5 (năm 2023), vui hơn là tháng ngày 23/6/2023, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã có Quyết định Chấp nhận đơn hợp lệ (QĐ số: 45859/QĐ-SHTT) về sở hữu trí tuệ của sản phẩm hữu ích “Thùng ủ rác hữu cơ phân hủy sinh học kiểu đứng, theo nguyên lý hiếu khí trong không gian kín”.
Theo TS.Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung, đánh giá: Với niềm đam mê, sự nhiệt tình trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhiều năm liền, TS Võ Anh Khuê là thành viên của Nhóm nghiên cứu ứng dụng của trường Cao đẳng Công Thương miền Trung; được chọn làm Trưởng nhóm nghiên cứu Hóa-Tài nguyên và môi trường và thực hiện các giải pháp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, địa chất… .
Hiện nay việc triển khai một mô hình mang tính thực tế nhằm bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết và rất hữu ích. Đây cũng là lý do mà các đề tài, sáng kiến của TS. Võ Anh Khuê luôn được quan tâm và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các cơ quan, cá nhân trong và ngoài tỉnh Phú Yên” - TS. Trần Kim Quyên nhận xét.
Võ Anh Khuê (43 tuổi) sinh ra và lớn lên ở thônMỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.Hiện là Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và nghiên cứu khoa học của trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (thuộc Bộ Công thương).Với 43 tuổi đời, có 20 năm tuổi nghề giảng dạy ở các cấp học về lĩnh vực Hóa học.Đặc biệt sau khitốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật môi trường tại Đại học Khoa học và Công nghệ CônMinh - Trung Quốc năm 2015,TS. Võ Anh Khuê càng đam mê nghiên cứu và “trình làng”những sáng kiến kỹ thuật môi trường từ rác thải phục vụ cộng đồng. |