Người dám đấu trí với tám tiến sĩ
Tranh thủ ít phút trước giờ diễn ra lễ trao giải thưởng WIPO của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2013 vừa tổ chức tại Hà Nội, tôi hỏi chuyện người nữ kỹ sư đã bước sang tuổi lục tuần Nguyễn Thị Nguyệt. Hôm nay, bà được trao giải Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất với công trình nghiên cứu, chế tạo thành công máy biến áp tự ngẫu 500kV.
Nhiều năm trước, mỗi năm, nước ta phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để nhập khẩu máy biến áp tự ngẫu 500kV, thiết bị chính của hệ thống lưới điện 500kV mà chúng ta chưa chế tạo được. Xuất phát từ thực trạng này, bà và các cộng sự của bà ở tổng công ty thiết bị điện Đông Anh lên kế hoạch chế tạo bằng được loại thiết bị trên. Quyết tâm là vậy nhưng khi bắt tay vào làm, họ mới hiểu mọi sự không hề đơn giản. “Chúng tôi chỉ có kinh nghiệm từ chế tạo thành công máy biến áp 110kV, 220kV. Chúng tôi cũng đã làm được máy biến áp 500kV nhưng đó là máy biến áp nguồn, thiết bị này đơn giản hơn nhiều so với máy biến áp tự ngẫu 500kV”, bà Nguyệt tâm sự.
Chưa có kinh nghiệm làm máy biến áp tự ngẫu 500kV, nhưng khi thấy mãi đến gần đây nhiều chuyên gia Việt Nam mới nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công máy biến áp 110kV - loại máy mà hơn hai mươi năm trước bà và đội ngũ các kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công, bà và các cộng sự có thêm niềm tin. Và họ vào cuộc với chính niềm tin cộng một chút kiêu hãnh ấy. Bây giờ, chúng ta biết đến sản phẩm máy biến áp tự ngẫu 500kV do bà và các cộng sự chế tạo như một sản phẩm có thể tham gia đấu thầu ngang ngửa với sản phẩm của các đối thủ quốc tế. Nhưng vẫn chưa thể hình dung đầy đủ nếu chưa nghe hết câu chuyện của bà.
Ngày ấy, Trung Quốc đã phải chi ra số tiền tương đương hàng trăm tỷ đồng Việt Nam để mua cả một tổ hợp máy biến áp tự ngẫu do Nga sản xuất về tháo từng chi tiết rồi đo vẽ, chế tạo y chang. Nhưng khi đóng điện, họ đã thất bại. Phải mất thời gian khá dài sau đó với nhiều lần thử nghiệm khác, họ mới thành công. Ngay cả Nga, mặc dù có bề dày kinh nghiệm chế tạo các loại máy biến áp 110kV, 220kV, 350kV nhưng khi làm máy biến áp tự ngẫu 500kV thì phải làm đến cái thứ tư họ mới thành công. Còn với bà Nguyệt thì “chúng tôi không bao giờ cho phép rủi ro, kể cả khi nghiên cứu chế tạo các loại máy biến áp kia. Ta không có tiềm lực để bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mua một chiếc máy về “bổ” ra nghiên cứu như thế. Ta cũng không có vốn để “nướng” vào việc này hàng trăm tỷ đồng làm đi làm lại đến thành công. Mình đi sau họ, giống như lội nước, biết chỗ nông, sâu của họ mà bước, mà tránh”.
Bà kể, có lần nhìn bản vẽ của bà và nhóm cộng sự, nhóm chuyên gia Trung Quốc cười: “Bà Nguyệt chỉ biết máy 110kV, máy 220kV thôi. Máy 500 bà ấy chưa biết cái gì cả”. Nghe phiên dịch nói lại như vậy, tôi biết họ đang coi thường mình, tức là mình chưa thành công. Bà quyết định phân tích, thiết kế lại rồi thuê chuyên gia Nga sang thẩm định. Các chuyên gia Nga nói với bà: “Đừng bao giờ nghĩ làm được cái này (máy biến áp 110kV, 220kV) thì sẽ làm được cái kia (máy biến áp 500kV)”.“Các chuyên gia Nga có lý do khi đưa ra lời khuyến cáo này vì họ đã từng phải trả giá”, bà Nguyệt nói. Và thật sự, cho đến trước khi sản phẩm hoàn thành đúng kế hoạch (kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 10.2010- PV), mỗi khi đề cập đến máy biến áp tự ngẫu 500kV mà bà đang làm, các chuyên gia Nga luôn nhìn bà từ đầu tới chân với ánh mắt hết sức ái ngại: “Trong việc này, chúng tôi có bốn mươi hai người tham gia, trong đó có tám tiến sĩ. Một mình bà thay thế tám tiến sĩ kia có được không và làm sao có thể kịp tiến độ?”.
Vậy mà bà và các cộng sự của mình, tất cả đều chỉ là những kỹ sư tốt nghiệp trong nước, đã làm được điều mà nhiều chuyên gia lớn cho rằng không thể với số vốn chỉ bằng một nửa số vốn các chuyên gia Trung Quốc bỏ ra để mua máy Nga về “nghiên cứu”; và đặc biệt, toàn bộ vốn đều do công ty vay của ngân hàng, Nhà nước có hỗ trợ nhưng rất ít, chỉ chừng hơn chục tỷ đồng. Nói thế để thấy hết những khó khăn, áp lực mà bà và cộng sự phải chịu đựng trong quá trình nghiên cứu, chế tạo so với điều kiện làm việc nhiều thuận lợi mà đồng nghiệp của bà ở Nga thụ hưởng: nhà nước gánh chịu mọi phí tổn nghiên cứu và khi đề tài thành công, đích thân lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã vui mừng mang quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động xuống tận xưởng trao cho mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu, chưa kể trước đó, hàng tháng họ đều được vị lãnh đạo này gọi điện thăm hỏi và nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án!
Với những đóng góp to lớn tiết kiệm cho ngành điện hàng trăm tỷ đồng như vậy, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Và bây giờ, dù đã bước vào tuổi 63, bà vẫn chưa thôi nghiên cứu để tiếp tục cải tiến đứa con của mình - máy biến áp tự ngẫu 500kV - trên tinh thần tự lực, cái tinh thần quan trọng đã giúp bà và các cộng sự dám chấp nhận thử thách và đạt được thành công!