Người cứu làng chì Đông Mai
Làng Ðông Mai, xã Chỉ Ðạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là một làng nghề nấu chì. Nhưng từ lâu, chính cái nghề đem lại “miếng cơm, manh áo” cho người dân nơi đây đã để lại những hậu quả khôn lường. Cả làng có tới 500 người bị các bệnh đường ruột, hô hấp... 35 người bị tàn tật mà nguyên nhân chính là “nhiễm độc chì”. Một thời, sự ô nhiễm ở Đông Mai đã trở thành nhức nhối không chỉ với người dân nơi đây mà cả các cấp có thẩm quyền. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, cả làng quê bé nhỏ này trông vào cái nghề nấu chì.
Tuy tuổi còn trẻ nhưng đã rất tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông để lại, anh Quân tự bỏ tiền và mày mò nghiên cứu lò nấu chì kiểu mới để giảm thiểu ô nhiễm bằng cách thu bụi chì trong khói thải. Có người gợi ý anh đã đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm và các cơ sở đốt kẽm để tham khảo hệ thống hút bụi. Bằng quan sát và sự sáng tạo, anh đã dựa trên nguyên lý hoạt động của các hệ thống lò hiện đại của nước ngoài giá hàng tỷ đồng, anh gom góp, vay mượn khắp nơi để mua vật liệu về chế tạo lò theo cách riêng của mình từ năm 2001.
Lúc đầu, anh làm mô hình thu nhỏ rồi thử nghiệm dần dần. Thành công chưa thấy nhưng bốn lần thất bại trong tám tháng đầu thử nghiệm, lỗ 30 triệu đồng, khiến nhiều người nhìn anh nghi ngờ, dè bỉu. Lòng tin lớn hơn tất cả, anh vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng công trình tâm huyết của mình. Anh tham khảo thêm các sách về nguyên lý hút bụi để làm. Và lò nấu chì mới đã ra đời trước sự sửng sốt của mọi người. Lò nấu chì mà anh chế tạo được kế thừa mô hình của những lò cũ nhưng trên miệng lò đứng đắp bằng đất sét được úp một phễu lớn bằng kim loại để hút bụi qua hai tầng hầm và hai buồng trung gian. Bụi khói sau khi đưa qua buồng giảm nhiệt làm mát bằng nước sẽ được hút sang buồng chứa khí gồm nhiều túi lọc và hầu hết bụi chì được giữ lại tại đây. Mỗi đêm lò nấu hơn năm tấn nguyên liệu mà chỉ cần hai lao động với chi phí ba trăm nghìn đồng kể cả tiền điện, tiền thuê nhân công và tiền quỹ đóng cho xã.
Tiếng lành đồn xa, công trình nghiên cứu thành công của anh đã được chính quyền xã, huyện ủng hộ, giúp đỡ, xây dựng thành đề tài khoa học: Lò đốt giảm thiểu ô nhiễm môi trườngvà đã được Sở Khoa học công nghệ tỉnh Hưng Yên công nhận. Mới chỉ thuê đất của xã để xây một lò nấu chì nhưng lò của anh đã giải quyết được một phần ba nhu cầu của cả thôn Ðông Mai. Mỗi đêm cho bà con trong thôn thuê lò nấu chì anh chỉ lấy năm mươi nghìn đồng. Mặc dù vậy, anh vẫn có lãi vì mỗi đêm thu được từ 5 - 6 tạ bụi chì. Xử lý hóa chất thu được 200 - 300 kg chì. Thời điểm hiện nay giá mỗi kg chì là 14.000 đồng.
Anh tâm sự: “Trước đây tôi đã xây lò có ống cao. Nhưng tránh được cho mình thì người dân vùng khác lại bị bụi chì rơi xuống. Muốn giữ được nghề thì phải cố gắng thôi. Cả làng giờ đã có khoảng bốn lò nấu chì lớn đủ để phục vụ cho nhu cầu của người dân và hạn chế được sự ô nhiễm”.
Ðường về thôn Ðông Mai giờ nhộn nhịp hơn bởi những lò nấu chì san sát hai bên đường. Những tiếng nói tiếng cười hòa trong tiếng búa đập để phá vỡ những bình ắc-quy lấy chì vang vọng cả một làng quê mới. Ðông Mai và lò nấu chì của anh Quân đang khởi sắc.
Nguồn: nhandan.com.vn14/6/2006