Người có duyên với cá da trơn
Sự bén duyên của Nguyễn Huấn với vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ này khi anh lặn lội từ quê Huế xa xôi để vào Cần Thơ thi đại học. Năm đó, anh trúng tuyển nhưng không học được do không có hộ khẩu ở các tỉnh ĐBSCL. Năm sau, Trường đại học Cần Thơ được phép tuyển sinh toàn quốc cũng là lúc anh chuyển sang thi khối B vào ngành thủy sản. Trong thời gian này, anh có dịp tiếp cận và nghiên cứu về thủy sản, đặc biệt là cá nước ngọt. Tốt nghiệp ra trường, anh về công tác ở ngành nông nghiệp Đồng Tháp. Sau nhiều năm luân chuyển công tác, anh trụ lại Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh và được đưa về đầu nguồn sông Cửu Long làm Trưởng trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản liên huyện số 1 ở huyện Hồng Ngự. Tại đây, anh có dịp tiếp xúc nhiều với các loại cá da trơn - nhóm cá tiềm năng và triển vọng của đồng bằng nhưng nguồn giống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, không đáp ứng được nhu cầu nuôi và thị trường nguyên liệu ngày càng nhiều. Điều đó đã thôi thúc anh nhanh chóng tiếp cận và nghiên cứu về nhóm cá này. Ban đầu, anh ứng dụng nghiên cứu khoa học về sinh sản nhân tạo cá tra của nhà khoa học người Pháp tên Philip Cacot vào thực tiễn. Theo lý thuyết nghiên cứu của nhà khoa học này, thuốc kích thích sinh sản và thức ăn nuôi vỗ cá đều phải nhập từ nước ngoài và theo một công thức rất khó thực hiện ở nước ta. Anh nghĩ, cá sống trên sông Mê Công dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên, khi nuôi ăn thức ăn do ngư dân chế biến thì tại sao mình lại phải nhập thức ăn này trong điều kiện kinh tế không cho phép? Thế là anh mày mò tìm hiểu và “cải tiến” nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện thực tế ở đồng bằng và đã thành công. Năm 1999, anh cho sản xuất đại trà cá tra giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo.
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Huấn lại lao vào nghiên cứu sinh sản nhân tạo cho cá hú - một loài cá có giá trị kinh tế cao hơn cá tra và ba sa nhưng cực kỳ “khó tính”. Con cá này chỉ sinh sản ở Thái Lan và theo con nước của sông Mê Công về đến Việt Nam đã thành cá thịt. Do đó, điều kiện nghiên cứu về sinh sản của con cá hú gặp khá nhiều khó khăn. Con giống thường được các ngư dân câu hoặc cào vào mùa nước nổi, tỷ lệ sống sót không cao do quá trình đánh bắt làm trầy sướt da và mất nhớt ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, suy yếu khả năng sinh sản. Ở các bè nuôi cá, tầng mặt nuôi cá tra và ba sa bỏ đi một lượng thức ăn lớn ở tầng đáy. Nếu cho cá hú sinh sản nhân tạo, đảm bảo được nguồn giống sẽ giúp ngư dân tận dụng được nguồn thức ăn thừa chăn nuôi cá hú. Nghĩ thế, anh càng hăng say nghiên cứu. Trong vòng gần một năm sau khi cho cá tra sinh sản nhân tạo, anh đã “làm cho cá hú đẻ theo ý mình” nhưng số lượng chưa cao do chế độ ăn và thuốc kích thích sinh sản chưa phù hợp gây hạn chế khả năng sinh sản. Hai năm sau đó, anh tiếp tục theo dõi và điều chỉnh cho “vừa lòng” loài cá “khó tính” này. Đến năm 2003, anh cho sản xuất đại trà giống cá hú và trở thành người đầu tiên của đồng bằng nghiên cứu thành công phương pháp này trên cá da trơn. Đến nay, khả năng cung cấp cho thị trường cá giống miệt An Giang, Đồng Tháp lên đến 5 - 7 triệu con mỗi năm, một số lượng rất lớn so với khai thác tự nhiên trước đây.
Con cá bông lau - thuộc loại khó tính nhất và giá trị kinh tế cũng cao nhất trong nhóm cá da trơn hiện nay - cũng đang rất hấp dẫn đối với kỹ sư thủy sản Nguyễn Huấn. Anh nói: “Loài cá này thịt rất ngon nhưng rất hiếm trên thị trường ẩm thực. Trong tương lai không xa, tôi cũng sẽ cho con cá bông lau sinh sản nhân tạo. Khi đó, con cá này sẽ có mặt trên mâm cơm hàng ngày của người dân đồng bằng và thực khách đến từ khắp nơi...”.
Tôi gặp Nguyễn Huân khi anh đang làm “sĩ tử” chuẩn bị cho kỳ thi thạc sĩ sắp tới. Hỏi về đề tài nghiên cứu dự kiến của anh là gì, anh bảo ngay: “Rất nhiều đề tài hấp dẫn tôi nhưng có lẽ tôi có duyên với loài cá da trơn và gắn bó với nó từ lâu. Có lẽ tôi sẽ nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản cá da trơn trên sông Mê Công. Với đề tài này, tôi có điều kiện phát huy hơn nữa những ứng dụng nghiên cứu sinh sản nhân tạo ở cá da trơn vừa qua, hạn chế những rủi ro, tăng năng suất và hiệu quả sinh sản...”. Hy vọng rằng, với ước mơ này, kỹ sư Nguyễn Huấn sẽ đem lại cho ĐBSCL nguồn lợi cá da trơn lớn trong tương lai không xa ...
Nguồn: baocantho.com.vn 23/4/2006