Người chọn tạo giống lúa BL...
SAY MÊ NGHIÊN CỨU...
Chúng tôi đến thăm khi chú đang trong thời gian điều trị bệnh cao huyết áp. Thế nhưng, trên chiếc bàn con kê cạnh cửa sổ trước phòng khách, chú đang “bày biện” đủ thứ... Cả trăm chiếc keo nhựa vuông trong suốt được xếp đều tăm tắp trong có chứa hạt giống. Bên cạnh, những bông lúa vàng ươm được bó lại thành từng bó nhỏ, mỗi bó co kẹp mảnh giấy ghi tên dòng lúa. Để chọn lấy những hạt giống chắc khỏe, chú cẩn thận dùng hai bàn tay vò từng bó lúa. Những hạt lúa rớt xuống chiếc mâm nhôm nghe như những tiếng reo vui. Sau mỗi lần sàng bỏ vỏ trấu của từng bó lúa, chú Tám cho hạt giống vào từng chiếc keo nhựa, mỗi keo đều có dán tên dòng lúa... “Chú đang lọc, chuẩn bị ngâm giống, cấy lại vào vụ thu đông 2005, để sau đó tiếp tục chọn dòng phân ly...” -chú Tám cho biết.
Với lòng mong muốn tìm ra được dòng lúa thơm mới, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn Jasmine 85 và VD20, từ vụ thu đông 2003, chú Tám Lạc bắt đầu thực hiện việc lai tạo [Jasmine 85 (mẹ) x VD20 (cha)]. Với 36 hạt lúa lai ban đầu này, chú đã gieo lên 36 cây, và áp dụng qui trình chọn tạo giống qua các mùa vụ tiếp theo. Kết quả, đến vụ hè thu 2005, chú đã chọn được 77 dòng có triển vọng (F3). Giải thích lý do chọn nhiều dòng, chú bảo: “Trong công tác này, việc thu hoạch giống là cực nhứt. Mỗi thứ một chút, lại phải làm thật cẩn thận ở tất cả các khâu để tránh bị lẫn lộn. Nhưng nếu không chọn nhiều dòng, làm không kỹ thì khó mà tìm ra cái mình muốn tìm... Thường thì các dòng lúa thơm ít có đặc tính tốt. Nếu mình không kiên trì, hễ thấy lúa không có đặc tính tốt là bỏ thì coi chừng mình lại bỏ sót dòng lúa thơm nào đó có ưu điểm vượt trội hơn cha, mẹ của chúng...”.
32 DÒNG LÚA BL...
Vụ thu đông 2005, ngoài 1.000m2 dành riêng để chọn tạo giống từ tổ hợp lai Khao Hom x MTL156 do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đưa về làm thí nghiệm, chú Tám Lạc đã sạ BL29 trên diện tích 0,8ha trong tổng số 1,9ha đất nhà. Chú cho biết: Vụ hè thu 2001, từ hạt giống đời F1 của tổ hợp lai này, chú đã trồng 300 cây, chọn được 7 cá thể... Đến vụ thu đông 2003, chú đã chọn tới đời F7. Dòng lúa chọn được trong đời này, được tạm đặt tên là BL29. Trong hai vụ hè thu và thu đông 2004 - vùng đất này chỉ sản xuất 2 vụ/năm - mỗi vụ chú đã sản xuất thử BL29 trên diện tích 50m2. Cùng vụ hè thu 2004, BL29 cũng được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đưa đi trồng so sánh thử nghiệm tại các tổ giống trong mạng lưới chọn tạo giống cộng đồng có sự tham gia (gọi tắt CBDC), như: Câu lạc bộ nhân giống Chùa Lao Vên (Mỹ Xuyên – Sóc Trăng), tổ giống Mong Thọ A (Châu Thành – Kiên Giang). Kết quả, qua hội thảo đánh giá giống ở hai nơi này, thì BL29 ở tổ giống Mong Thọ A tốt hơn và có năng suất cao hơn tổ giống ấp Láng Giài; còn ở Câu lạc bộ nhân giống Chùa Lao Vên thì kém hơn so với tổ giống Láng Giài...
Sang vụ hè thu 2005, dòng lúa BL29 được chú Tám Lạc sản xuất trên diện rộng, hơn 1.000m2, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, (thấp hơn 0,5 tấn/ha so vụ hè thu 2004 vì lúa trổ ngay thời điểm xảy ra các cơn bão). Tuy nhiên, theo chú: “Vậy là nó khá hơn Jasmine. Nó cứng rạ, lại kháng các bệnh đạo ôn, đốm vằn...”. Rồi chú nói tiếp “Công nhận các dòng lúa BL mà chú đang chọn lọc có tính chịu đựng rất hay. Hy vọng chú sẽ tìm ra được dòng mới giỏi hơn Jasmine, vì Jasmine không thuận với vụ hè thu ở đây”. Tôi hiểu được lòng mong mỏi của lão nông đã 65 tuổi và 30 năm “tay nghề” làm ruộng này. Bởi, vụ hè thu năm nay, ông bị thất bại nặng từ Jasmine (thất thu khoảng 20 triệu đồng). Chú nói như than: “5, 6 năm qua, ở đây trúng Jasmine lắm. Nhưng năm nay thất nặng, chú xuống sắc tới nỗi bệnh luôn. Chắc vụ hè thu năm sau chú và bà con vùng này sẽ đổi giống lúa, không làm Jasmine nữa”.
Trở lại chuyện chọn dòng phân ly từ tổ hợp Khao Hom x MTL156, chú Tám Lạc cho biết: Đến nay, chú đã lọc được 32 dòng - được tạm đặt tên từ BL1 —> BL32 (riêng 17 dòng chưa lọc xong, vẫn còn mang ký hiệu của các thế hệ phân ly). Vụ hè thu 2005, Trung tâm Giống Bạc Liêu đã nhận các dòng lúa BL4, BL5, BL13, BL15, BL16 của chú, giao cho nhiều nông dân khác trong tỉnh để sản xuất thử. Chú Tám Lạc kể: Điển hình như ông Vàng ở Láng Tròn (Giá Rai), người đã nhận từ Trung tâm Giống 5 dòng lúa nói trên, mỗi dòng ông sản xuất thử trên diện tích 1.000m2. Toàn bộ giống lúa thu hoạch được của ông Vàng đã được nhiều nông dân trong huyện Giá Rai “chia” sạch. Trong 32 dòng lúa BL, ngoài BL29, chú Tám Lạc còn thích nhất dòng BL15. Lý do: BL15 không đổ ngã, năng suất bình quân 8,5 tấn/ha, hột gạo dài, không bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
***
Tháng 4-2003, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tặng bằng khen cho chú Phạm Văn Lạc về thành tích “Đã có nhiều đóng góp cho chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2000-2002”. Và, những ngày hạ tuần tháng 10-2005 này, kỹ sư Huỳnh Như Điền, cán bộ dự án CBDC của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, đã đến thăm và tiếp tục ký hợp đồng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp chú Tám Lạc (cũng như những nông dân trong mạng lưới CBDC có hợp tác với Viện trong việc chọn tạo giống từ các dòng phân ly) tiếp tục làm thí nghiệm. Kỹ sư Điền cho biết: Vụ đông xuân 2005-2006, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL sẽ tổ chức trồng thử nghiệm để so sánh tất cả các dòng lúa thuần như: TH1, TM3, HĐ1, HĐ3, HA1, BĐ1, BL29, ... do nông dân thuộc các tổ giống trong mạng lưới CBDC chọn, tạo thành công.
Nguồn: baocantho.com.vn 5/11/2005