Người cải tiến xe xới cỏ cầm tay
Xe xới cỏ cầm tay còn được bà con nông dân địa phương này gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: xe đẩy cỏ, xe làm cỏ, dụng cụ cày xới cỏ, nông cụ xới cỏ cầm tay…Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi theo anh Hiến lý giải: “Có thể nói vì nó đơn giản, dễ làm, không có gì khó khăn cả. Chỉ cần để ý một chút thì nhiều người có thể làm ra được. Mỗi người làm thường đặt cho nó một cái tên riêng, bởi thế nó có nhiều tên. Người đầu tiên làm ra cái máy này là ai, thú thật, tui không biết. Tuy chỉ là người cải tiến để dùng được trên cái đất này được tiện lợi hơn và hiệu quả hơn cái gốc ban đầu của nó”.
Xe xới cỏ cầm tay có cấu tạo khá đơn giản, gồm bốn bộ phận: khung sườn, bánh lái, lưỡi xới và tay cầm để đẩy. Trọng lượng xe đẩy khoảng 5-6kg. Chi phí cho một chiếc xe đẩy cỏ này tất cả trên dưới 200.000đ, trong đó vật tư 100.000đ, số còn lại là tiền công và tiền thợ hàn.
Anh Hiến cho biết: “Cái xe đẩy cỏ em họ tui mang về còn hạn chế là nó chỉ sử dụng được cho vùng đất Tây Nguyên, đất đai tơi xốp. Chứ ở cái đất Tây Thuận này nói riêng và Bình Định nói chung thì không sử dụng được, bởi đất nơi đây hầu như đã bị chai cứng. Cho nên để có thể sử dụng được ở địa bàn tỉnh mình, thì chắc chắn cái xe này cần được cải tiến. Mà nói thật, tui thấy nó cũng đơn giản, không phức tạp tí nào. Thế là quyết tâm bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và cải tiến…”. Và anh đã cải tiến được ba bộ phận. Bộ phận tay cầm: không dùng kiểu tay cần ghi đông xe đạp mà hàn hai tay cầm bằng sắt ống nước, có chiều dài từ 12-15cm, vung góc với khung sườn. Theo anh thì cách cải tiến mới này sẽ tạo lực đẩy mạnh và vững vàng hơn. Bộ phận sắt vuông nối khung và lưỡi xới, đã được anh cho ráp thêm một thanh phía tay đẩy và cho độ nghiêng lớn hơn xe cũ để tạo cảm giác lướt nhanh và nhẹ hơn. Với hệ thống xới thì anh không dùng trạnh ngang nữa mà dùng trạnh xuôi và cong để nhẹ, dễ lướt và vùi lấp cỏ tốt. Ngoài ra, anh còn cho thêm lưỡi xới, vặn kết nối với trạnh để khi mòn, không còn sắc bén nữa thì cũng dễ thay thế hoặc mài dũa lại. Đồng thời cũng thêm lườn cày để tránh không cho lưỡi cày ăn quá sâu vào đất hoặc quá cạn. Năng suất xe đẩy xới cỏ cầm tay cải tiến cũng khá cao, gấp 5-6 lần so với sới cỏ bằng tay. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hà-người cùng thôn với anh Hiến thì xe anh cải tiến có năng suất gấp rưỡi xe cũ. Hiện tại cả xã Tây Thuận có khoảng 100 chiếc xe đẩy xới cỏ nhưng chỉ những chiếc do anh Hiến cải tiến là êm, nhẹ và chất lượng nhất. Bà con trong vùng cho biết: Dùng nông cụ hỗ trợ này đảm bảo xới sâu hơn, tạo được sự thông thoáng hơn cho bộ rễ cây phát triển. Đồng thời do tính chất gọn nhẹ và độ cơ động cao nên luôn đảm bảo được độ phủ kín khi xới, không để sót cỏ dại…
Chiếc xe cải tiến vừa gọn nhẹ, rẻ tiền, đơn giản, tiện lợi, mà năng suất rất cao. Trước đây, một công lao động mỗi ngày trung bình xới cỏ được khoảng 300m 2 đậu, rau; 500m 2 cây mì, ngô, mía…Nhưng nay với nông cụ này, bà con địa phương có thể xới được từ 2.500-3.000m 2 đất/người/ngày. Với môi trường đất khô hay đất có nước thì xe xới cỏ cầm tay cũng đều hoạt động rất tốt. Nói chung, xe có thể sử dụng được cho rất nhiều loại cây trồng cạn (mì, mía, bắp, rau, đậu), đồng thời cũng phát huy tính năng hoạt động được trên mọi chân đất (ruộng cạn, đất màu, đất dốc…). Bởi vậy, hiện nay loại nông cụ này đang được sử dụng rất phổ biến ở địa phương và các vùng lân cận.
Ý tưởng cải tiến xe đẩy xới cỏ của anh Hiến đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Khi chia tay với chúng tôi, anh còn “bật mí”: Hiện anh đã có ý tưởng mới để tiếp tục cho ra đời những chiếc xe đẩy xới cỏ hiệu quả hơn và đang nghiên cứu để lắp thêm động cơ xe máy (loại 50cc, tận dụng từ máy cũ) với đầy đủ các bộ phận ly-hợp nhằm khai thác triệt để hơn hiệu quả nông cụ này.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 92 (1810), 18/11/2005