Người “cải thiện phẩm chất cây đậu nành” ở tuổi 21
Trong số các đề tài đoạt giải, Đại học Cần Thơ đã chiếm 1 giải nhì, 1 giải ba, 10 giải khuyến khích và 1 giải đặc biệt. Riêng giải đặc biệt với đề tài: “Ảnh hưởng di truyền của gốc tháp đậu nành hoang (Glycine Mekongensis) lên ngọn tháp đậu nành trồng (Glycine Max)” đã đem về vinh dự lớn cho thầy và trò phòng thí nghiệm di truyền chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ. Đề tài này đã được Hội đồng Khoa học đánh giá rất cao, vì nó có ý nghĩa thực tiễn đáp ứng nhu cầu tạo giống đậu nành chất lượng cao... Điều đặc biệt là người đoạt giải này lại là một sinh viên 21 tuổi Nguyễn Trần Anh Huấn, đang học khóa 27 ngành Nông học thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ.
Một ngày cuối tháng 8-2005, tôi đến phòng thí nghiệm di truyền chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ... Từng nhóm năm, bảy sinh viên đang miệt mài nghiên cứu bên cạnh những chai lọ, thiết bị máy móc, các loại cây giống... Những bạn trẻ này tất bật với công việc trong một không gian tĩnh lặng, người sử dụng thiết bị điện di, người xem kính hiển vi các kết quả của những mẫu nghiên cứu... Ngoài trời mưa bắt đầu nặng hạt, nhưng không khí ấm cúng nơi này như cuốn hút mọi người gắn kết với công việc.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Kế Sách, Sóc Trăng, Nguyễn Trần Anh Huấn là con trai út trong gia đình, hai chị lớn: Nguyễn Trần Ngọc Trân, công tác ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Nguyễn Trần Ngọc Tuyền, công tác tại Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL - Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng. Ngay từ nhỏ, Huấn đã gắn bó với đồng ruộng, cảm nhận được nổi cơ cực của người nông dân dãi dầu một nắng hai sương. Cũng chính điều này đã hun đúc trong Huấn một quyết tâm học tập với ước mơ được nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi, để có thể giúp nhà nông cải thiện cuộc sống. Suốt 12 năm học, Huấn luôn giữ danh hiệu học sinh tiên tiến. Tốt nghiệp THPT, Huấn trúng tuyển vào ngành Nông học, Trường Đại học Cần Thơ (năm 2001). Cho đến bây giờ, Huấn vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên bước vào phòng thí nghiệm của Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐHCT. Lần đầu tiên tiếp xúc với thầy Võ Công Thành, trưởng phòng thí nghiệm qua môn học chọn giống cây trồng 1A, bước đầu đã hiểu được khái niệm về lai tạo và tuyển chọn các giống cây trồng, về kỹ thuật điện di protein, điện di ADN... Huấn đã theo học 2 môn chọn giống cây trồng 1A & 2B. Sự đam mê chuyên ngành này đã tạo điều kiện cho anh thường xuyên đến với phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Võ Công Thành - người thầy hướng dẫn anh và các bạn sinh viên khác thực hiện công trình nghiên cứu, phân tích các giống đậu nành, lúa, bắp, mè... Thời gian đầu, Huấn học chủ yếu các thao tác trong phòng thí nghiệm, được thầy giới thiệu tham khảo các đề tài và tài liệu có liên quan đến chuyên ngành. Sau 3 tháng đến phòng thí nghiệm, Huấn chọn đề tài nghiên cứu thử nghiệm tháp trên cây đậu nành (gốc là đậu nành hoang, ngọn là đậu nành trồng) với hy vọng sẽ cải thiện được phẩm chất của đậu nành trồng.
Miệt mài trồng, chăm sóc, tháp và phân tích suốt gần 8 tháng, gặp không ít khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của thầy Võ Công Thành cùng các cán bộ phòng thí nghiệm, đề tài nghiên cứu của Huấn bước đầu có kết quả (tháp 100 cây, thành công 28 cây và thu được 4 hạt có kết quả mong muốn). Tuy nhiên, Huấn đã hạ quyết tâm: “Phải đạt được 100% mình mới an tâm”. Rồi anh lại tiếp tục hoàn thiện các công đoạn chi tiết như: cải tiến việc đổ gel, bơm mẫu, lấy gel ra khỏi kiếng và thao tác ráp kiếng... trong quá trình điện di sao cho thật khít khao và hoàn chỉnh. Anh còn thường trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm này với các bạn Nguyễn Ngọc Hoàng Anh (sinh viên ngành công nghệ sinh học khóa 28), Châu Thị Anh Thy, Quan Thị Ái Liên (sinh viên ngành trồng trọt khóa 28).
Anh Tăng Đức Hùng, cán bộ điều hành phòng thí nghiệm và bạn Châu Thị Anh Thy nhận xét về Huấn: “Huấn là người rất say mê với công việc nghiên cứu, thường xuyên gắn bó với phòng thí nghiệm và nhà lưới. Ở anh có một quyết tâm cao, vượt khó tìm tòi học hỏi nghiên cứu khoa học”. Nguyễn Ngọc Sơn, sinh viên ngành Nông học khóa 27 cho biết: “Huấn là một người dễ mến, hiền lành, rất chân tình và có trách nhiệm cao với công việc. Hễ làm là thắng!”.
Tiến sĩ Trần Thị Dung, thành viên Hội đồng Khoa học - người đã phản biện đề tài “Ảnh hưởng di truyền của gốc tháp đậu nành hoang (Glycine Mekongensis) lên ngọn tháp đậu nành trồng (Glycine Max)” nhận xét: “Đề tài này có ý nghĩa thực tiễn và cần thiết trong việc đáp ứng yêu cầu tạo giống đậu nành chất lượng cao. Giá trị khoa học và khả năng ứng dụng thực tiễn các kết quả nghiên cứu từ đề tài này đã được hội đồng khoa học nhất trí là đề tài nghiên cứu ở mức độ phân tử để khảo sát sự chuyển thông tin di truyền từ gốc tháp lên ngọn tháp của cây đậu nành. Đây là tiền đề cho việc tạo giống đậu nành phẩm chất tốt một cách chính xác và hiệu quả”.
Tiến sĩ Võ Công Thành kể lại: “Để thực hiện đề tài này, Huấn đã xin phép vào phòng thí nghiệm để học tập các kỹ thuật mới, ứng dụng Công nghệ sinh học trong công tác chọn giống, đây là một công cụ ưu thế nhằm cải thiện phẩm chất cây trồng. Kỹ thuật này đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên, cần phải có thêm kiến thức chuyên ngành mới lãnh hội được. Qua hướng dẫn định hướng, tôi thấy Huấn rất chịu khó, miệt mài, ngoài giờ học hàng ngày, em thường đến chăm sóc nâng niu từng gốc tháp, kết quả như mong đợi của em đã góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc khẳng định ảnh hưởng của gốc tháp lên cành tháp. Ở Nhật, từ hạt đậu nành bình thường không có đột biến, họ phải tốn kém một số tiền không nhỏ để xử lý đột biến bằng chất phóng xạ và thuần dưỡng mới thu nhận được đột biến này. Tôi đã từng xin các thể đột biến này nhưng không bao giờ họ cho vì đây là vật liệu nghiên cứu độc quyền để tạo ra sản phẩm đậu nành chất lượng cao. Qua phân tích trên 700 giống/dòng đậu nành hiện có của Việt Nam, tôi chưa phát hiện giống/dòng nào có thể hiện đột biến này. Với kỹ thuật lai hữu tính, chúng tôi cũng không nhận được kết quả, tuy nhiên, với phương pháp ghép của Huấn đã phát hiện loại đột biến tự nhiên rất quí cho nghiên cứu ứng dụng trong thời gian tới. Nó rất có ý nghĩa trong nghiên cứu trên cây đậu nành, có tầm vóc quốc tế trong việc lai xa, rất khó thực hiện theo phương pháp lai cổ điển”. Tiến sĩ Võ Công Thành cho biết thêm, kết quả này là một minh chứng lý giải, phá bỏ nhận thức cũ là cây tháp không bị ảnh hưởng của gốc tháp. Đây là một nhận thức sai lầm và đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất là cách nhân giống cây ăn trái như trên xoài, bưởi, cam, quýt, đã làm nhiều nhà nông ngỡ ngàng sau ba bốn năm trồng nhưng họ thu hoạch không như mong đợi. “Với ý nghĩa lớn lao của công trình nghiên cứu khoa học này, Nguyễn Trần Anh Huấn rất xứng đáng nhận được sự khen thưởng, và là tấm gương hiếu học, năng động trong nghiên cứu của các bạn sinh viên. Tôi cũng mong rằng nhà trường nên tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí và cho phép sinh viên có thể tham gia nghiên cứu sớm để củng cố phần kiến thức lý thuyết vừa học. Các bạn sinh viên có thể đến liên hệ làm đề tài, trao đổi ý kiến chuyên môn tại phòng thí nghiệm hoặc qua địa chỉ e-mail: vcthanh@ctu.edu.vn. Tôi sẵn sàng hướng dẫn cho các em!” - Tiến sĩ Võ Công Thành rất vui khi nói lên những suy nghĩ của mình.
Với đề tài “Ảnh hưởng di truyền của gốc tháp đậu nành hoang (Glycine Mekongensis) lên ngọn tháp đậu nành trồng (Glycine max)” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Khoa học khen thưởng và trao tặng Bằng khen cá nhân đoạt Giải Đặc biệt tại Hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ các trường Đại học và Cao đẳng Khối Nông - Lâm - Ngư toàn quốc lần thứ 2, Nguyễn Trần Anh Huấn còn được Ban chấp hành Đoàn TNCSHCM TP Cần Thơ trao tặng Bằng khen gương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2000 - 2005. Ngoài giờ học và nghiên cứu, Anh Huấn rất ham thích đọc sách nhất là các loại sách khoa học nghiên cứu cây trồng và thỉnh thoảng cũng nghe nhạc thư giãn... Hiện tại, Huấn còn độc thân, đang ở trọ nhà người bác ở đường Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Với Huấn, ngoài giờ học tại lớp, thời gian dành cho vườn ươm được ưu tiên. Có lẽ vì vậy mà mấy lần tôi đến tìm Huấn, đều được thầy Thành dẫn ra vườn ươm trong nhà lưới của Phòng thí nghiệm. Huấn có vóc dáng vừa người, gương mặt hơi xương, da sạm nắng nhưng toát lên nét tinh anh với ánh mắt đầy tự tin và nghị lực. Cái tư chất mộc mạc, hiền lành, dung dị, càng tôn lên cái đẹp ở chàng trai trẻ này.
Ước mơ của bạn trong tương lai ra sao?- Tôi hỏi. Huấn nhẹ nhàng để cây đậu nành vào chậu, không quên nâng niu chỗ đã tháp vừa xong, trong đôi mắt như ánh lên niềm sung sướng, Huấn từ tốn nói: “Kết quả ngày hôm nay tôi đạt được là nhờ sự đóng góp to lớn của các thầy cô. Đặc biệt thầy Võ Công Thành, thầy Phạm Văn Phượng và anh Tăng Đức Hùng đã tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí, thường xuyên động viên tôi trong suốt quá trình thí nghiệm thực hiện đề tài. Tôi cũng không quên các cán bộ, các bạn sinh viên, các cộng sự, các thầy cô... tại phòng thí nghiệm này đã cùng tôi chứng kiến và chia sẻ giây phút thành công khi được Hội đồng Khoa học công bố đoạt giải đặc biệt. Sau này tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, học hỏi nhiều hơn nữa để cải thiện phẩm chất của các giống đậu triển vọng hiện nay nói riêng hay xa hơn nữa là các giống cây trồng nói chung. Hướng tới tôi sẽ tiếp tục cho lai hữu tính cá thể các giống đậu triển vọng hiện nay (khoảng 30 giống) để làm tăng năng suất và chất lượng nhằm cải thiện thu nhập cho người nông dân”.
Nguồn: baocantho.com.vn 22/9/2005