Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 09/06/2006 23:17 (GMT+7)

Người anh hùng làm sống lại những vùng đất chết

Trở thành tiến sĩ khoa học khi sắp… về hưu

Dáng thấp nhỏ, đôi mắt sáng, và đặc biệt là cách nói chuyện hóm hỉnh, không quên bất cứ chuyện gì dù từ cách đây nửa thế kỷ, nếu tiếp xúc lần đầu chẳng ai nghĩ năm nay Giáo sư Nguyễn Văn Trương đã sang tuổi 84.

Sinh năm 1922 ở xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), năm 1941, sau khi đỗ tú tài, cậu tú Trương ra Hà Nội thi vào Khoa Lâm nghiệp của Trường Cao đẳng Nông Lâm. Ra trường, kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Trương được điều về Hạt Linh Cảm (Hà Tĩnh) làm “quan kiểm lâm”. Được một năm thì Cách mạng Tháng Tám thành công, ông “quan kiểm lâm” quay về quê dạy học. Năm 1954, miền Bắc giải phóng, anh giáo Trương được điều ra Trường đại học Nông Lâm Hà Nội để phụ trách phòng giáo vụ. 10 năm làm ở phòng giáo vụ là thời gian ông tự học được 2 ngoại ngữ Nga, Đức chỉ bằng những quyển sách được viện trợ và ông không ngờ vốn ngoại ngữ ấy sau này giúp mình rất nhiều trong nghiên cứu khoa học.

Năm 1964, ông được điều về làm Chủ nhiệm Khoa Điều tra - Quy hoạch rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp.

Làm công tác điều tra, quy hoạch rừng, mỗi lần đi thực địa ông Trương lại băn khoăn làm thế nào để đo rừng. Và ý tưởng ấy cứ thôi thúc ông phải nghiên cứu. Năm 1969, sau 2 năm nghiên cứu kết hợp với rất nhiều chuyến thực địa, kỹ sư Trương đã hoàn thành công trình “Phương pháp thống kê cây đứng trong rừng hỗn loại Việt Nam”. Trong đó, ông phát hiện ra rừng là một cộng đồng cây có cấu trúc 3 chiều, phân bổ theo quy luật, vì vậy có thể vận dụng lý thuyết toán xác suất để tính toán chính xác.

Từ những nghiên cứu này, ông tiếp tục phát triển thành luận án tiến sĩ về cấu trúc 3 chiều rừng phòng hộ hỗn loại. Năm 1976, luận án tiến sĩ “Ứng dụng toán học trong nghiên cứu rừng thứ sinh ở Việt Nam” của ông được các giáo sư Trường đại học Tổng hợp Hà Nội chấm điểm xuất sắc. Là đề tài mới và có khả năng ứng dụng thực tế rất cao nên các giáo sư còn đề nghị Bộ Đại học - Trung học Chuyên nghiệp cho phép tác giả ra nước ngoài nghiên cứu tiếp để phát triển lên thành luận án tiến sĩ khoa học. Vậy là dù đã 54 tuổi, ông Trương vẫn được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đặc cách cử sang CHDC Đức làm luận án tiến sĩ khoa học.

Đến nước Đức, công việc đầu tiên của ông Trương là tìm đến thư viện và đọc tất cả các công trình liên quan đến cấu trúc rừng nhiệt đới, bởi chỉ lo rằng nếu có ai đó đã nghiên cứu vào lĩnh vực này thì công sức bỏ ra bỗng trở thành đi… xào lại. Khi biết rằng đề tài của mình không trùng lặp với bất kỳ ai, ông mới yên tâm bắt tay vào việc.. dịch bản luận án của mình đã viết sẵn bằng tiến Pháp sang tiếng Đức.

14 tháng miệt mài vừa nghiên cứu, vừa bổ sung hoàn thiện bản luận án viết từ khi còn ở trong nước, luận án tiến sĩ khoa học đã hoàn thành và được các giáo sư đánh giá rất cao nên cho phép bảo vệ luôn.

Cuối năm 1978, sau khi cầm tấm bằng tiến sĩ, ông Trương về nước luôn dù được thông báo có thể ở lại nước Đức nốt hai năm rưỡi để tiêu hết số học bổng đã được cấp. Trở lại Bộ Lông nghiệp, ông được phân công làm cố vấn cho 2 đời Bộ trưởng rồi về hưu.

Hành trình lấy lại sự sống cho những vùng đất chết

Bây giờ, Viện Kinh tế Sinh thái của Giáo sư Trương đã trở thành đối tác quen thuộc của nhiều tổ chức quốc tế dù cơ ngơi của Viện chỉ là 2 căn phòng nhỏ đi thuê chon von trên tầng 3 ở số nhà 51 phố Lạc Trung.

Nhắc lại những ngày đầu ấy ông bảo để lập nên cái Viện này cũng gian nan lắm. Năm 1989, Giáo sư Trương nghỉ hưu và được giao làm Tổng biên tập Từ điển Bách khoa Việt Nam. Nhưng ông vẫn đau đáu với nỗi niềm của một người cả đời gắn bó với rừng, nhất là khi nhìn những cánh rừng đã bị chặt trụi. Và ông quyết định tập hợp 18 giáo sư đều đã nghỉ hưu thành lập Viện Kinh tế Sinh thái. Đây là Viện Khoa học dân lập đầu tiên ở Việt Nam. Ngày đó nhiều người cho là gàn dở và có ý ngăn cản. Cuối cùng ông tìm lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Bữa ấy tôi đề đạt với Thủ tướng thế này: địa lý nước mình là 3 phần núi, 4 phần biển, 1 phần ruộng. Nhưng trong 9 triệu ha đất nông nghiệp ấy chỉ có 4 triệu ha đất trồng lúa, còn tới 2 triệu ha đất hoang hoá và còn gây hại cho môi trường. Là nhà khoa học, chúng tôi chỉ muốn được góp sức mình làm việc gì đó có ích và dứt khoát không sống bằng ngân sách…”.

Nghe ông trình bày nguyện vọng như vậy, Thủ tướng đồng ý ngay. Ngày 6-1-1990, Viện Kinh tế Sinh thái chính thức thành lập với 19 “sáng lập viên” là các giáo sư, tiến sĩ đã về hưu và cùng nhất trí làm việc không lương. Ngày đó trụ sở của Viện là một căn buồng 12m 2ông mượn được của một người bạn, mọi chi phí hoạt động là do ông lấy từ lương Tổng biên tập Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Năm 1993, khi Viện Lâm nghiệp có dự án lâm nghiệp xã hội miền Trung, ông lập luận chứng kỹ thuật xây dựng làng sinh thái trên cát ở Triệu Vân (Triệu Phong - Quảng Trị) và được đầu tư 63 triệu đồng từ dự án này. Khi đó, một người bạn biết công việc của ông liền giới thiệu với Tổ chức Công giáo Chống nghèo đói cho dự phát triển (CCDF). Sau khi làm việc trực tiếp với ông, họ đầu tư cho dự án 30.000 USD.

Bỏ nhà bỏ cửa, ông cùng 5 ông bạn già vác balô lên tàu vào Quảng Trị bắt đầu công cuộc chinh phục cát. Làng Triệu Vân nghèo xơ xác đã bao đời sống trong cảnh “sống trong cát, chết vùi trong cát”, mới mưa đã ngập nhưng vừa nắng là khát cháy. Nắng, gió và cát khiến cả một vùng mênh mông chỉ lưa thưa những bụi xương rồng, vài cây phi lao cằn cỗi chống chọi với cát.

Sau khi khảo sát địa hình, ông Trương quyết định khoanh vùng 60 ha và vận động 41 hộ để lập làng sinh thái. Vốn đầu tư sẽ trực tiếp cấp cho các hộ, ông và các cộng sự trực tiếp “cầm tay hỉ việc” cho từng nhà. Để giữ nước giữa vùng cát, ông cho ngăn các suối nhỏ lại. Khi nước dâng cao, lợi dụng dòng chảy lắp máy thuỷ điện nhỏ. Vậy là có điện sinh hoạt, lại giữ được nước. Rồi một hệ thống ao hồ được đào để nuôi hải sản vừa giữ nước; phi lao, keo được trồng thành nhiều lớp quanh làng để chắn cát bay. Những đồi cao thì đào “vườn âm phủ” để giữ độ ẩm mới trồng được cây. Sau 1 năm, cây trồng lên cao có lá mùn cho đất, đã có thể trồng khoai, sắn… Mất đúng 3 năm vật lộn với nắng, gió, cát, màu xanh của cây ăn quả, hoa màu đã phủ xanh làng cát. Từ thành công này, làng sinh thái Triệu Vân được Bộ Khoa học Công nghệ đầu tư vốn lớn để mở rộng. Người dân Triệu Vân sau bao năm nghèo đói giờ đã sống được bằng làm VAC trên chính làng cát năm nào và họ coi ông là thành hoàng làng… Sau thành công của mô hình này, ông Trương tiếp dục xây dựng thêm 5 làng sinh thái ở những vùng cát ven biển của 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Sau cuộc chinh phục vùng cát, cuối năm 1993, ông Trương lại ngược lên Ba Vì làm một cuộc cách mạng xanh với bản người Dao Hợp Nhất. Trước kia, bản Hợp Nhất nằm trong khu vực bảo vệ Vường Quốc gia Ba Vì. Sau đó để bảo vệ Vườn, người ta cho bà con “hạ sơn” từ 400m xuống 100m so với mặt biển. Không có tiền, không có người hướng dẫn khoa học kỹ thuật để sản xuất, vậy là để có cái ăn, dân lại đi phá rừng. Sau khi vận động được CCDF tài trợ vốn, ông Trương bắt tay vào xây dựng làng sinh thái. Với địa hình phức tạp, ông phải mời nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đất đai… cùng bắt tay vào làm. Lại bắt đầu từ việc vận dộng người dân trồng rừng giữ đất, làm ruộng bậc thang, chặn suối làm thuỷ điện… rồi bỏ vốn đầu tư xây trạm xá, lớp mẫu giáo và gửi đi đào tạo 2 y sĩ, 2 giáo viên cho bản. 4 năm sau, cuộc sống của bản đã thay đổi hoàn toàn, tới mức các chuyên gia của CCDF khi sang kiểm tra hiệu quả vốn đầu tư cũng phải ngạc nhiên vì sự thành công quá mức mong đợi, bởi họ đã đầu tư ở nhiều nước nhưng đều thất bại vì không thể thay đổi được tập quán người dân…

Thoáng cái đã 16 năm kể từ cái ngày ông đi gặp Thủ tướng xin thành lập Viên. 16 năm đi chinh phục những vùng đất hoang hoá, ông và các cộng sự đã vượt qua rất nhiều khó khăn để bây giờ, khi nhìn lại, các ông có quyền tự hào với thành quả là 9 làng sinh thái vùng đồi núi; 6 làng sinh thái vùng hoang mạc cát ven biển; 2 làng vùng úng ngập nước ngọt, nước mặt; 2 khu bảo tồn và vườn sinh thái cộng đồng… trong đó phần lớn từ vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế.

Năm 2005, Giáo sư Trương được phong danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Nhưng có một điều bất ngờ là bao nhiêu năm cống hiến như vậy, từng thân cận với 2 đời Bộ trưởng, vậy mà ông lại không phải đảng viên. Nghe tôi hỏi có phải vì các con đều thành đạt (ông bà có 3 con, 2 người là tiến sĩ, 1 người làm doanh nghiệp ở nước ngoài) nên ông mới ung dung đi làm không cần lương suốt bao nhiêu năm như vậy. Ông bảo: “Mấy năm trước, có một cán bộ cao cấp tham khảo ý kiến tôi xây dựng chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, tôi bảo với người tài thì tiền không phải là quan trọng nhất vì làm đâu chả được. Cái họ cần là cơ chế làm việc phù hợp để được cống hiến và phát huy tài năng”. Rồi ông đọc hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ mà ông rất tâm đắc và coi đó là chân lý sống của mình, chỉ có điều mạo muội sử chữ “danh” thành chữ “công” rằng: “Đã sinh ra ở trong trời đất - Phải có công gì với núi sông”.

Nguồn: An Ninh thế giới, số 543, 12/4/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.