Người anh hùng của cây ngô
Xuất ngoại tìm đường “cứu” ngô
Vừa kết thúc khoa học phó tiến sĩ (tức tiến sĩ bây giờ) chuyên về ngô ở Rumani về nước Trần Hồng Uy đã được GS. Lương Định Của cử lên Xuân Bôi để xây dựng trại ngô đầu tiên của cả nước. Từ sự giúp đỡ không thành công của hai đoàn chuyên gia Rumani (trong các năm 1962 - 1964) và Hunguri (giai đoạn 1971 - 1973), GS.TS Trần Hồng Uy đã phân tích toàn bộ tình hình và phát hiện các chuyên gia Rumani và Hungari đã định hướng không đúng, dẫn tới thất bại. Nguyên nhân là do các chuyên gia của hai nước này đã không nắm được quy luật vùng sinh thái, nên đã đem những giống ngô của vùng châu Âu vốn ưa khí hậu ôn đới, ngày dài “bệ” nguyên sang trồng ở vùng nhiệt đới ẩm, ngày ngắn như ở Việt Nam.
Đứng trước khó khăn đó, GS.TS Trần Hồng Uy đã đưa ra hai đề nghị: ưu tiên lấy nguồn nguyên liệu giống ngô từ những nước có cùng vĩ tuyến với Việt Nam (từ 8 độ 10’đến 23 độ 17’) và giống ngô từ những vùng nhiệt đới ẩm để tạo giống. Đến năm 1977, hai giống ngô tổng hợp mang tên 2A và 2B được nghiên cứu sản xuất trực tiếp tại Việt Nam chính thức ra đời. GS.TS Trần Hồng Uy cũng đã xác định ba bước đi của Chương trình ngô lai Việt Nam gồm: Phải xây dựng quỹ gien, tạo những giống ngô thuần (vì trình độ dân trí lúc đó chưa cho phép sử dụng giống ngô lai) và phát triển chương trình giống ngô lai. Ngay từ năm 1979, trại ngô Xuân Bôi đã phải tiến hành hai chương trình song song: Chương trình giống ngô thuần và chương trình giống ngô lai, trong đó ưu tiên giống ngô thuần.
Khi ngành ngô bước chân vào thị trường thế giới
Mặc dù đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất trong tiến trình phát triển, song vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng ngành ngô nước ta khi vào WTO với cánh cửa thương mại được “mở toang” các sản phẩm ngô của Mỹ, Achentina, Trung Quốc… vào sẽ “bóp chết”. Nhưng GS.TS Trần Hồng Uy lại cho rằng, sự thực không phải như thế. Việt Nam có đầy đủ những tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, thậm chí cả công nghệ cao để “cạnh tranh” cùng các công ty nước ngoài.
Muốn vậy, chúng ta phải giải quyết được hai vấn đề: Chất lượng hay là chết và năng xuất phải cao để hạ giá thành. “Chúng tôi đã nhìn rõ vấn đề này từ khoảng 5 - 10 năm trước và đã chuẩn bị hết tất cả mọi thứ cho cuộc đấu này rồi” - GS-TS Trần Hồng Uy tự tin nói. Vì thế, trong hai năm gần đây, Chương trình ngô lai Việt Nam bắt đầu đi vào cuộc “cách mạng” mới, đó là cuộc cách mạng về ngô lai giàu đạm, chất lượng cao. Hàng loạt giống ngô từ LVN 4, lai đơn, ngắn ngày, tiềm năng năng suất 8-9 tấn/ha, LVN 5 lai ké đến LVN 10, LVN 15, LVN 17, LVN 20, LVN 22 thuộc các giống chín sớm, hay LVN 23 là giống ngô dâu bao tử… đã ra đời. Từ năm 2000, Việt Nghiên cứu Ngô đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất được giống ngô HQ2000 với phạm vi sản xuất không dưới 20 tỉnh, thành trên cả nước. Trong cuộc “cách mạng” về các giống ngô mới này, chỉ có ba nước có khả năng phát triển được là Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Các công ty thức ăn của nước ngoài đánh giá, ngô nhập từ Mỹ, Achentina, Braxin… có chất lượng không tốt bằng ngô “đá đỏ” Việt Nam, bởi hàm lượng đạm của ngô nhập ngoại chỉ có 7% trong khi ngô Việt Nam đạt 8,5 - 9%. Do vậy, giá ngô của Việt Nam luôn ở mức cao, khoảng 120 USD/tấn, còn ngô nhập ngoại không phải là “đá đỏ”, chỉ khoảng 90 - 95 USD/tấn. GS.TS. Trần Hồng Uy phân tích, riêng hai axit amin quý giá là lipin và lipofan có trong ngô HQ2000 gấp đôi ngô thường. Nếu cùng một lượng ngô, một bên HQ2000, một loại ngô bình thường thì khi ăn ngô HQ 2000 gia súc sẽ lớn hơn 1,3 - 1,4 lần so với ăn ngô thường.
Một thành công khác của GS.TS Trần Hồng Uy khiến thế giới phải thừa nhận khi ông giải quyết trọn vẹn cả lý thuyết và thực hành. Đó là công nghệ trồng ngô bầu trên nền đất ướt, sau hai vụ lúa lần đầu tiên của thế giới do Việt Nam phát minh ra. Công nghệ trên cho phép trồng ngô trên nền đất ướt, sình lầy, từ khi đặt bầu đến khi thu hoạch ngô sống toàn trên bùn ướt mà bộ rễ vẫn phát triển, cây ngô xanh tốt cho năng suất 5 - 7 tấn/ha. Nhiều nước ở châu Á, châu Phi đã sang tham quan, học tập công nghệ này. Mới đây nhất, Viện Nghiên cứu Ngô quốc tế và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đánh giá đây là công trình xuất sắc đầu tiên của người Việt trong lĩnh vực cây lương thực trên thế giới.
Năm 1990, tổng diện tích ngô của Việt Nam là 441.000 ha, năng suất bình quân 1,1 - 1,3 tấn, tổng sản lượng 641.000 tấn; đến năm 2004, diện tích ngô lên đến gần 1 triệu ha, năng suất bình quân 3,5 tấn. Dự kiến, năm 2005, năng suất bình quân còn có thể lên 4 tấn, đưa tổng sản lượng ngô nước ta lên 4 triệu tấn.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 104 (1822), 30 - 12 - 2005