Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 17/12/2007 23:59 (GMT+7)

Ngọn đèn sáng của y khoa

Cách đây ba năm, GS Đặng Đức Trạch đã lặng lẽ ra đi trong sự bàng hoàng tiếc nuối của người thân, bạn bè đồng nghiệp, của hàng triệu bà mẹ, trẻ em Việt Nam mà sinh thời gần 100 công trình nghiên cứu về y học dự phòng của ông là dành cho họ.

Tuổi trẻ sôi động

Sớm đi theo cách mạng, mới 16 tuổi chàng thanh niên Hà Nội sinh trưởng trong một gia đình trí thức truyền thống đã hăng hái tham gia Đội tự vệ chiến đấu thủ đô với lý tưởng vì một đất nước Việt Nam tự do và độc lập. Ra đi kháng chiến trên các chặng đường của các đoàn quân vệ quốc gian lao và vất vả nhưng không làm sờn lòng kiên trung của trái tim tuổi trẻ Đặng Đức Trạch. Rồi anh theo lớp đại học y khoa đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa học vừa tham gia các đội phẫu thuật tiền phương đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Với tư chất thông minh, sau khi đỗ bác sĩ loại xuất sắc vào năm 1955, anh được cử đi học chuyên sâu tại CHDC Đức, và cũng tại đây, năm 1963 anh thi đỗ tiến sĩ khoa học y học và được phong hàm phó giáo sư của Đại học Hum-bôn (Béc-lin) khi mới hơn 30 tuổi.

Con đường khoa học đã mở ra rất sớm với tài năng trẻ Đặng Đức Trạch, một thế hệ vàng của y học nước nhà tiếp nối các bậc thầy lỗi lạc: Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Mịch... Cùng với giáo sư Hoàng Thuỷ Nguyên, hai anh như một cặp đôi đồng hành thân thiết, một là nhà vi khuẩn học, một là nhà vi rút học, dường như không biết mỏi mệt dâng hiến cả đời mình cho công cuộc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo. Là lớp các bậc thầy giảng dạy về vi sinh và dịch tễ học hàng đầu khi các bộ môn này mới được thành lập, đồng thời cũng là lớp người mở đường và xây dựng chuyên ngành miễn dịch học và vắc xin học mới của nước ta, GS Đặng Đức Trạch không ngừng đưa các tiến bộ khoa học của lĩnh vực này vào nghiên cứu cơ bản, chế tạo vắc xin, sinh phẩm và ghép tạng sau này.

Một tầm nhìn chiến lược...

GS Đặng Đức Trạch là chủ tịch Hội đồng tư vấn về vắc xin Bộ Y tế, thành viên ban chỉ đạo nghiên cứu thực địa vắc xin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và là thành viên nhóm tư vấn khoa học của Viện Vắc xin quốc tế. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, được trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Nhắc tới GS Đặng Đức Trạch không thể không nói tới những công lao to lớn của ông trong lĩnh vực vắc xin vi khuẩn: sự sáng tạo và đổi mới trong công nghệ vắc xin BCG phòng lao. Các vắc xin thương hàn, tả, uốn ván, ho gà, bạch hầu... mà ngày nay hàng triệu trẻ em đang được hưởng thụ miễn dịch, đều được ông khởi xướng, phát minh và sáng tạo. Bạn bè năm châu đã không khỏi ngạc nhiên khi ở một nước Việt Nam còn kém phát triển lại có một ngành vắc xin phát triển rực rỡ, mang lại nhiều kết quả thực tế đến như vậy. Chương trình phòng chống các bệnh tiêu chảy, chương trình tiêm chủng mở rộng mà ông làm chủ nhiệm nhiều năm đã góp phần to lớn làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong xuống hàng chục lần. Nhiều bệnh đã ít thấy hoặc không còn thấy nữa.

Sinh thời ông trăn trở biết bao cho việc đưa khoa học vào phục vụ thực tiễn đời sống và sức khoẻ của cộng đồng. Ông dành nhiều tâm sức cho việc đào tạo đội ngũ y tế chuyên ngành từ thấp đến cao, từ kỹ thuật viên lành nghề đến tiến sĩ khoa học. Nhiều khoá, nhiều nhiệm kỳ tham gia các hội đồng khoa học cấp Nhà nước, xét duyệt phong học hàm giáo sư, là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học quốc gia quan trọng, với kiến thức sâu rộng và uyên bác, với tầm nhìn có sức khái quát cao, ông vạch hướng cho chiến lược y học dự phòng, cho phát triển các loại vắc xin thiết yếu, công cụ hữu hiệu và chủ động nhất cho phòng, chống dịch bệnh. Mạng lưới y tế dự phòng trên cả nước, từ các tỉnh biên giới xa xôi đến hải đảo đều có công sức của ông xây dựng, vun trồng. Khoa học - kỹ thuật và công nghệ được GS Đặng Đức Trạch nâng lên tầm cao nghệ thuật.

Một trí tuệ và một tâm hồn

Nhắc đến GS Đặng Đức Trạch, lớp lớp học trò của ông, người là giáo sư, viện trưởng, hiệu trưởng trường đại học, người giữ trọng trách cao cho đến các thầy thuốc bình thường ở tận bản làng xa xôi đều có những nhận xét, tình cảm trân trọng như về một nhà khoa học lỗi lạc, một người thầy kính mến, một người anh cả hết lòng, một người bạn chân tình và độ lượng.

Không có một vốn hiểu biết văn hoá sâu rộng, sẽ không bao giờ đến được đỉnh cao của tài năng, điều ấy ở GS Đặng Đức Trạch có thể là một minh chứng điển hình. Ông thành thạo ba ngoại ngữ chính: Pháp, Anh, Đức và sử dụng một cách tài hoa chính xác. Những bức thư, công văn trao đổi với các đồng nghiệp và các tổ chức quốc tế bao giờ cũng ngắn gọn, khúc triết, nhiều khi chỉ một từ ông cũng cân nhắc thật kỹ càng, tìm cách viết hay, làm cho đối tác hiểu rõ thâm ý mà lại không mất lòng. Ít ai biết rằng GS Trạch vẽ biếm hoạ, chân dung rất tài và sinh động. Song dường như sự châm biếm và hóm hỉnh ấy ông chỉ dành cho riêng mình và một, hai người bạn gần gũi nhất. Ông là một trong các tác giả chính của từ điển miễn dịch học đầu tiên ở nước ta, là người viết nhiều chương trong Từ điển bách khoa y học về vi sinh các bệnh truyền nhiễm và vắc xin học - một bộ môn mới trong y học. Ông là người thầy và người đặt nền móng xây dựng vắc xin vi khuẩn của nước ta.

GS Đặng Đức Trạch (hàng ngồi, thứ ba từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại Viện Pasteur TP.HCM

GS Đặng Đức Trạch (hàng ngồi, thứ ba từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại Viện Pasteur TP.HCM

Hình như số đông những người học rộng, tài cao, lại là những người rất khiêm tốn. Sinh thời, GS Trạch rất ngại và sợ được đưa thành tích của mình lên báo, ông đi giữa mọi người, thân tình vàhoà đồng. GS có đánh giá, nhận xét, kiến giải xác đáng về một vấn đề khoa học pha chút hài hước. Y học dự phòng biết ơn ông, bởi nhiều năm ông làm chủ nhiệm một chương trình quốc gia lớn: tiêm chủngmở rộng, bằng kinh nghiệm và công sức, bằng sự lịch lãm bặt thiệp trong ngoại giao và quan hệ quốc tế, ông đã mang về cho hàng triệu trẻ thơ những liều thuốc dự phòng quý giá.

Ngọn đèn hắt bóng...

Đời người là một sự cố gắng không ngừng, GS Đặng Đức Trạch đã làm điều đó với tất cả tâm lực của mình, ông sống dung dị và vị tha. Ở ông, kho kiến thức nghề dường như vô tận. Là người làm y tế dự phòng tâm hồn và trái tim phải thật nhạy cảm với những thay đổi và diễn biến của bệnh tật của dịch bệnh khi nó còn manh nha ban đầu, trước khi nó có thể trở thành một dịch lớn. Để nhanh chóng dập tắt một vụ dịch là phải rất quyết đoán, phải sử dụng hết những vũ khí có trong tay (con người, vắc xin, thuốc khử trùng, các kỹ thuật chẩn đoán phòng thí nghiệm). Tất cả những điều này chúng tôi đã học được ở thầy Trạch. Đó là những kinh nghiệm, những chiêm nghiệm thấm dần mỗi ngày một chút, từ vụ dịch này đến vụ dịch khác, tích luỹ lại cho cả đời làm nghề. Dưới sự dẫn dắt của ông, chúng tôi hiểu được phải làm khoa học thế nào, tổ chức phòng chống dịch bệnh ra sao; các kỹ năng trong phòng thí nghiệm như một kỹ thuật viên và cái đầu và suy nghĩ phải là một anh bác sĩ, một người làm khoa học. Ảnh hưởng sâu sắc nhất chính là sự súc tích và đơn giản đến lạ lùng của ông trong làm khoa học và viết luận đề khoa học cùng những báo cáo mang tính hàn lâm đến mức nghệ thuật. Sự thông minh và uyên bác trác việt đã làm chúng tôi mê đắm và ngưỡng mộ. Thật may mắn cho những ai được ở bên cây đèn, cây hải đăng Đặng Đức Trạch.

Nghĩ về GS Đặng Đức Trạch là nghĩ về một hình tượng: "Là người đi giữa mọi người". Giáo sư, tiến sĩ khoa học, thầy thuốc nhân dân Đặng Đức Trạch là nhà khoa học y học của cộng đồng và vì cộng đồng.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.