Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 21/08/2012 23:48 (GMT+7)

“Ngôi sao vật lý” Đàm Thanh Sơn

Tháng 5/2010, tờ Physics Today (Mỹ) đăng ba bài liền ca ngợi kết quả của nhóm nghiên cứu Đàm Thanh Sơn. GS Phạm Xuân Yêm ở đại học Paris 6 lập tức nhận định kết quả ấy là “kỳ diệu”. GS Nguyễn Văn Liễn ở viện Vật lý Việt Nam đánh giá hết sức cao. Dù còn chưa thật rõ nét, nhiều nhà vật lý Việt Nam vẫn hy vọng Đàm Thanh Sơn sẽ đoạt giải thưởng Nobel.

Đàm Thanh Sơn sinh tại Hà Nội năm 1969 trong một gia đình trí thức yêu nước và thanh bạch. Bố là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo, mẹ là phó giáo sư sinh hoá Nguyễn Thị Hảo, chú ruột là giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn.

Từ bé, Sơn đã nổi tiếng “thần đồng”: mới học lớp 2 (tương đương lớp 3 hiện nay) đã giải được toán lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay). Do vậy, sở Giáo dục Hà Nội đặc cách, riêng về môn toán, cho Sơn học “nhảy cóc” lên năm cuối cấp hai.

Lên cấp ba, Sơn thi đỗ vào khối phổ thông chuyên toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi sau đó mấy năm, Ngô Bảo Châu cũng vào học.

Năm 1984, mới 15 tuổi, lần đầu dự Olympiad toán quốc tế ở Prague, Cộng hoà Czech, Sơn đoạt ngay huy chương vàng với số điểm tối đa 42/42 (năm 1988, Ngô Bảo Châu cũng đoạt huy chương vàng với số điểm 42/42 trong Olympiad toán quốc tế ở Canberra, Australia).

Rồi Sơn được gửi sang Moskva học vật lý tại đại học Lomonosov. Chịu ảnh hưởng của người chú ruột Đàm Trung Đồn, Sơn mơ trở thành một nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc. Muốn thế, phải học thật giỏi toán. Được giữ lại trường, Sơn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 25 tuổi. Người hướng dẫn Sơn là GS Valery Rubakov, giám đốc viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva, một nhà bác học nổi tiếng thế giới.

Nhưng, bỗng Liên Xô sụp đổ!

Yêu Sơn như con đẻ, thầy Rubakov khuyên anh nên sang Mỹ, nơi có điều kiện tốt hơn nước Nga thời Yeltsin khủng hoảng trầm trọng, để khỏi thui chột mất tài năng. Thế là Sơn bay sang New York, Mỹ, vào làm việc trong nhóm nghiên cứu của GS Lý Chính Đạo (Tsung-Dao Lee), người cùng chia sẻ giải thưởng Nobel năm 1957 với một nhà bác học khác, cũng người Mỹ gốc Hoa, là GS Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang), do khám phá hiện tượng không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu. Đầu năm 1958, tại giảng đường trường đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Tạ Quang Bửu giới thiệu phát minh của Lý và Dương, và bài giảng hôm ấy đã ảnh hưởng mạnh đến thiên hướng nghiên cứu của nhà vật lý trẻ tuổi Nguyễn Văn Hiệu.

Được làm việc bên cạnh GS Lý Chính Đạo là một niềm vinh dự lớn. Nhưng rồi, dần dần Sơn cảm thấy mình cần phải thoát khỏi “bóng rợp tư duy” của vòm “đại thụ vật lý” này, để tự kiến tạo cho mình một con đường riêng, mới mẻ, độc đáo.

Đầu năm 2005, P. K. Kovtun, D. T. Son và A. O. Starinets (về sau được goi là nhóm KSS) công bố một công trình mới về một mô hình lỗ đen lỏng (liquid black hole) trong không gian 10 chiều (10-dimensional space) trên tạp chí vật lý đỉnh cao thế giới Physical Review Letters(tập 91, trang 111601). Đàm Thanh Sơn là linh hồn của nhóm ấy, nhưng vì sắp xếp theo thứ tự chữ cái a, b, c nên tên anh mới xếp thứ hai trong nhóm.

Ngay lập tức, khám phá của nhóm KSS gây tiếng vang trong giới bác học chuyên sâu. Các tạp chí thông tin khoa học có ảnh hưởng rộng như New Scientist(tháng 4/2005), Physics Today(tháng 5/2005) đều đăng bài viết về công trình ấy, một phát minh lý thuyết nổi bật.

Tờ Physics World, một tờ tạp chí của cộng đồng vật lý quốc tế, trong số tháng 6/2005, mời Đàm Thanh Sơn (D. T. Son), một nhà vật lý hàng đầu, viết bài về vấn đề mới này. Đó là bài Liquid Universe Hints at Strings (Vũ trụ lỏng gặp các dây) mà ta có thể tìm đọc qua Internet.

Tờ New Scientistđăng bài của Jenny Hogan nhan đề Exotic Black Holes Spawn New Universal Law (Những lỗ đen ngoại lai dẫn tới quy luật mới phổ quát). Tác giả dùng từ exotic (ngoại lai) là vì đây chưa hẳn là lỗ đen có trong thực tại, mà chỉ là một “lỗ đen” được mô hình hoá bằng lý thuyết dây (string theory) trong không gian 10 chiều (nếu tính thêm một chiều của thời gian, thì sẽ là không - thời gian 11 chiều), nhằm mô tả một chất lỏng tương tác mạnh, chất lỏng quark-gluon, vẫn được coi là tồn tại trong không gian ba chiều (hay không - thời gian bốn chiều). 

Tháng 11/2005, trên tạp chí Scientific American, Juan Maldacena, nhà vật lý Mỹ rất nổi tiếng, cho in một bài tổng quan, trong đó, sau khi nhắc tới khám phá của nhà bác học Anh lừng danh Stephen W. Hawking về lỗ đen, liền nhắc đến phát minh của Đàm Thanh Sơn, nhà bác học người Việt Nam làm việc tại Mỹ, về thể lỏng của “vũ trụ sơ sinh”.

Ta còn có thể đọc bài Cỗ máy Big Bangcủa Tim Folger trên tờ Discover. Tác giả trực tiếp phỏng vấn Đàm Thanh Sơn, dành nhiều trang để thuật lại khám phá của anh, cũng như lời bình của nhiều nhà vật lý tài danh.

Đáng mừng, các tạp chí thông tin khoa học ở nước ta như Vật lý ngày nay, Hoạt động Khoa học... cũng đã kịp thời và trân trọng đưa tin về phát minh của Đàm Thanh Sơn.

Mấy năm gần đây, trung tâm Máy va chạm ion nặng tương đối tính (Relativistic Heavy Ion Collider/ RHIC) của phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven ở Upton, New York, đã tạo ra được vật chất ở nhiệt độ cao chưa từng có trên trái đất. Mục đích của thí nghiệm này là tái lập trạng thái từng tồn tại trong 10 micro giây đầu tiên sau Big Bang từ đó dần dần hình thành vũ trụ của chúng ta.

Sử dụng lý thuyết siêu dây (superstring theory) trong không - thời gian 11 chiều, nhóm KSS đã tính toán được chính xác rằng vật chất do RHIC tạo ra đúng là một chất lỏng, gần như lý tưởng, có tỷ số độ nhớt với mật độ entropy là một hằng số (constant) liên quan với các hằng số cơ bản trong thế giới lượng tử, như hằng số Planck, hằng số Boltzman.

Các kết quả của Brookhaven công bố tại hội nghị hội Vật lý Mỹ tháng 4/2005 ở Tampa, Florida, lưu ý về những tính toán tương thích của lý thuyết dây do nhóm Đàm Thanh Sơn thực hiện. Đây là lần đầu tiên lý thuyết dây được nhắc tới trong thông báo của một cuộc thí nghiệm lớn, kéo dài nhiều năm…

Mới đây, tháng 5/2010, tờ Physics Today, tờ tạp chí “ruột” của hội Vật lý Mỹ, đã in ba bài trong cùng một số tạp chí, ca ngợi công trình của nhóm KSS - đó là điều rất hiếm thấy. Những tính toán lý thuyết của GS Đàm Thanh Sơn và các cộng sự đã được kiểm chứng bằng hai thực nghiệm ở hai thái cực trái ngược nhau, một bên ở nhiệt độ cực lớn (hàng trăm triệu lần cao hơn nhiệt độ bề mặt mặt trời), một bên ở nhiệt độ cực nhỏ (một vài phần triệu độ Kelvin, tức là gần độ 0 tuyệt đối). Cả hai thực nghiệm ở hai đối cực đều quan sát được một dòng chảy gần như hoàn hảo và đo lường được độ nhớt của nó. Độ nhớt này chỉ phụ thuộc vào hai hằng số cơ bản là hằng số Planck và hằng số Boltzmann.

GS Phạm Xuân Yêm, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng ở đại học Paris 6, đã viết một bài bình luận dài về sự kiện này dưới nhan đề “Một quy luật phổ quát trong vật lý?”, GS Yêm nhận định:

“Những thí nghiệm kiểm tra của RHIC và đại học Duke đã xác nhận sự đúng đắn của công trình lý thuyết của Đàm Thanh Sơn và hai cộng sự (nhóm KSS), một công trình phong phú, mang tính phổ quát, đáp ứng được nhiều hệ vật lý rất khác biệt. Nó đòi hỏi các tác giả phải có một kiến thức vừa sâu sắc vừa tổng thể, bao trùm nhiều ngành vật lý và thấu triệt nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để đặt đúng vấn đề và giải thích thoả đáng, cũng như tiên đoán những hiện tượng mới mẻ quan sát, đo lường được bởi thực nghiệm. Công trình của nhóm KSS mở đường cho một loạt nghiên cứu về những địa hạt tưởng chừng không chút liên hệ với nhau (thuỷ động lực học, vũ trụ học và thiên văn vật lý, siêu dây và hạt, siêu dẫn và vật lý chất đặc, chất hạt nhân) nhưng mang một đặc tính chung, phổ quát và cơ bản”.

GS Phạm Xuân Yêm coi kết quả mà nhóm KSS đạt được là “kỳ diệu”, và các tác giả của nó đã sử dụng một cách thuần thục lý thuyết siêu dây, nguyên lý toàn ảnh, và lý thuyết lỗ đen lượng tử.

GS Nguyễn Văn Liễn, tiến sĩ khoa học toán - lý ở viện Vật lý Việt Nam, cũng đánh giá rất cao kết quả của nhóm KSS. Theo ông, thành công cơ bản của nhóm này là đã đưa ra một hằng số mới, mà ngày nay giới vật lý tạm gọi là hằng số KSS, hằng số này chỉ phụ thuộc vào hai hằng số cơ bản là hằng số Planck và hằng số Boltzmann, nghĩa là rất tổng quát, không hề phụ thuộc vào bản chất của hệ khảo sát cũng như điều kiện đo.

GS TSKH Nguyễn Văn Liễn viết:

“Thế là một hệ thức tổng quát đã ra đời! Trong vật lý, mỗi khi xuất hiện một hệ thức mà vế phải chỉ phụ thuộc vào các hằng số cơ bản thì một điều kỳ diệu rất có thể xảy ra. Việc độ cao các bậc thang trong bức tranh Hall lượng tử chỉ phụ thuộc vào ba hằng số cơ bản (điện tích electron, hằng số Planck, và vận tốc ánh sáng) đã mang lại giải thưởng Nobel về vật lý cho GS Von Klitzing năm 1983. (…) Thành công của nhóm KSS là kết quả của sự kết hợp tài tình các phương pháp tính toán phức tạp trong lý thuyết trường lượng tử hiện đại. Ý nghĩa của thành công này không chỉ giới hạn ở một hệ thức - cho dù hệ thức đó rất đẹp, rất tổng quát và đã được thực nghiệm kiểm chứng - mà còn là rất lớn, rất sâu rộng. Nó trang bị cho ta một công cụ hữu hiệu để nghiên cứu một lớp rộng các hệ tương tác mạnh mà lý thuyết sắc động lực học lượng tử gặp khó khăn liên quan với các gần đúng nhiễu loạn, qua đó, làm cho ý tưởng của lý thuyết dây trừu tượng dường như không thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm, nay trở nên thật sự có thể kiểm chứng”.

Vì những lý do nói trên, dù chưa thật rõ nét, nhiều nhà vật lý Việt Nam vẫn hy vọng GS Đàm Thanh Sơn sẽ đoạt giải thưởng Nobel.


Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.