Ngôi nhà điện mặt trời giữa lòng thành phố
Điện mặt trời (ĐMT) từ mái nhà được dẫn xuống trữ vào hệ thống các bình ắc quy. Khi sử dụng, dòng điện một chiều 24 volt từ ắc quy được chuyển qua dòng xoay chiều 220 volt, sau đó hòa vào mạng lưới điện gia đình. Công suất của hệ thống ĐMT này là 2 kW. Toàn bộ hệ thống vận hành trên được kỹ sư Trịnh Quang Dũng đặt tên là “Tổ hợp ĐMT thông minh”. Nước từ lòng đất sâu 25 mét được bơm lên bể chứa 6 m³ đặt cao khỏi mặt đất 16 mét dùng cho sinh hoạt gia đình và bơm vào hồ nuôi cá. Nước từ hồ nuôi cá lại được dùng tưới cây qua hệ thống bơm phun gồm 6 vòi mà chủ nhân nói mua tận Mỹ nhân một chuyến đi công tác. Mỗi ngày hệ thống bơm 2 lần, mỗi lần khoảng 15 phút, sau đó tự động tắt. Và khi hoàng hôn vừa buông, đèn cổng và dàn đèn sân tự động bật lên. Vào nhà, hệ thống cửa lưới cuốn lên và đèn, quạt hoạt động... Khách có cảm giác thật thoải mái trong ngôi nhà đầu tiên ở nội ô TP Hồ Chí Minh hoàn toàn dùng điện mặt trời (ĐMT).
Ấp ủ ước mơ
Chủ nhân ngôi nhà là kỹ sư Trịnh Quang Dũng, 53 tuổi, tốt nghiệp ngành vật lý ở Hungary, hiện đang công tác tại Phân viện Vật lý Việt Nam TP Hồ Chí Minh.
Việt Nam là nước mà ánh nắng chiếu hầu như quanh năm, tiềm năng ĐMT vì vậy rất lớn. Ước mơ có một ngôi nhà sử dụng hoàn toàn ĐMT đã được chàng trai người Hà Nội này ấp ủ từ ngày mới vào nghề, nhưng mãi đến năm 1997 ông mới có cơ hội thực hiện ước mơ đó với một chút may mắn.
Chẳng là, năm đó kỹ sư Trịnh Quang Dũng được chọn giữ trọng trách chủ nhiệm chương trình “Công nghệ năng lượng mới châu Á” do tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ cho sáu nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Ông lập tức vạch một chương trình nghiên cứu các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thiết kế mạng ĐMT cục bộ (Madicub). Ngôi nhà được xây do chính ông vẽ thiết kế, vừa tạo cảnh quan thoáng mát, gần với thiên nhiên vừa tính toán sao cho thu được nguồn sáng mặt trời nhiều nhất.
Tổ hợp ĐMT thông minh
Trên mái ngói ấy 40 tấm pin mặt trời được lắp vào, toàn bộ bề mặt khoảng 20 m 2. Những tấm pin mặt trời hiệu BP được sản xuất từ nước Anh. Qua những tấm pin mặt trời, năng lượng mặt trời chuyển hóa thành điện được dẫn xuống trữ vào hệ thống các bình ắc quy. Khi sử dụng, ĐMT từ ắc quy được chuyển qua dòng điện 220 volt bởi hai biến áp kỹ thuật số smart invertor P2000 do Công ty Việt Linh sản xuất, sau đó hòa vào mạng lưới điện gia đình. Công suất của hệ thống ĐMT này là 2 kW.
Toàn bộ hệ thống vận hành trên được ông đặt tên là “Tổ hợp ĐMT thông minh” vì cơ chế hoạt động gần như được tự động hóa hoàn toàn. Đặc biệt là tính năng tự động dò tải. Khi nhận tín hiệu có nhu cầu sử dụng, ĐMT tự động bật lên trong 15 giây, còn không nó ở chế độ ngắt để tiết kiệm điện. Mỗi đêm vào giờ cao điểm (từ 18 giờ đến 22 giờ), ĐMT tự động hoà vào lưới điện.
Sáu năm mày mò
Kỹ sư Trịnh Quang Dũng dẫn khách đi khắp ngôi nhà ĐMT. Ở tầng trệt, ĐMT được sử dụng để thắp sáng bếp, phòng ăn, tủ lạnh, quạt, tivi, lò nướng... Tầng hai, nơi làm việc, ĐMT dùng cho đèn, quạt, dàn máy tính và các thiết bị khác. Tầng một, nơi sinh hoạt gia đình, phòng ngủ, phòng khách nên ĐMT được sử dụng nhiều hơn. Ông Dũng còn thiết kế những đầu ra của ĐMT với dòng điện 12 volt phục vụ cho những nhu cầu đa dạng trong gia đình, như để sạc bình ắc quy xe gắn máy...
Chúng tôi trò chuyện suốt buổi sáng trong phòng khách với đèn, quạt... dùng ĐMT ổn định như từ lưới điện quốc gia. Để có kết quả như ngày nay, kỹ sư Trịnh Quang Dũng phải mất sáu năm trời mày mò nghiên cứu. Ông cho biết đến cuối năm 2002 tổ hợp ĐMT thông minh sử dụng hoàn toàn công nghệ trong nước đi vào vận hành và tháng 4-2005 vừa rồi ông mới gắn đồng hồ đo điện vào hệ thống ĐMT để biết điện năng tiêu thụ, có nghĩa là biết được số tiền điện mà ông tiết kiệm được. “Hơn 1 tháng, đồng hồ chỉ 733 KWh. Tính bình quân 1.000 đồng/KWh điện thì đã tiết kiệm được 733.000 đồng. Cũng khá đấy chứ!”- ông Dũng chỉ tay vào đồng hồ đo điện cười khà khà có vẻ thích thú...
Nguồn: nhandan.com.vn 20/6/2005