Ngô Bảo Châu và kỳ vọng toán học Việt Nam
Nhân dịp về VN làm việc, chiều 21-7, GS Ngô Bảo Châu đã được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tiếp thân mật. Tại buổi tiếp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, chúc mừng thành tích khoa học của GS Ngô Bảo Châu và hi vọng ông sẽ được trao giải thưởng Fields năm nay.
Không đầy một tháng nữa, GS Ngô Bảo Châu sẽ đọc báo cáo toàn thể tại Hội nghị toán học thế giới tổ chức ở Ấn Độ. Với những kỳ tích đạt được, ông là một ứng cử viên nặng ký cho giải thưởng Fields năm nay.
Người VN đầu tiên nhận “Nobel” toán học?
Người ta thường ví giải thưởng Fields như là giải thưởng Nobel trong toán học, bởi theo di chúc của người sáng lập, giải thưởng Nobel không dành cho toán học. Thế nhưng giải thưởng Fields lại chỉ được trao cho những thiên tài toán học phát lộ sớm, vì điều kiện tiên quyết là chỉ trao cho những người không quá 40 tuổi vào năm trao giải. Cứ bốn năm một lần, giải thưởng được trao tại các kỳ hội nghị toán học thế giới và mỗi lần không quá bốn người được nhận.
"Có thể trong kinh doanh cần sự vươn đến thành công một cách mãnh liệt, nhưng trong khoa học tôi tin cái chính là làm tốt công việc của mình và thành công sẽ đến với một mức độ nào đó tùy khả năng của từng người" Giáo sư NGÔ BẢO CHÂU |
Tính bình quân, mỗi năm có tối đa một người được nhận giải thưởng. Trong 70 năm vừa qua (1936-2006), cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao giải thưởng Fields. Mới chỉ mười nước vinh dự có công dân của mình đoạt giải thưởng Fields. Đó là: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Ý, Thụy Điển, Đức và Úc. Năm nay ban giải thưởng Fields đã quyết định chọn bốn người để trao giải nhưng những cái tên cụ thể còn bí mật.
GS Ngô Bảo Châu năm nay 38 tuổi, với những kỳ tích được cả giới toán học thế giới ngưỡng mộ, chúng ta hoàn toàn hi vọng GS Ngô Bảo Châu sẽ là một trong bốn cái tên danh giá sắp tới.
Bàn về phát triển toán học VN
Đáp lại lời chúc mừng của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi gặp, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho sự phát triển toán học VN nói riêng và nền khoa học VN nói chung, trên một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn, so với những hoạt động giảng dạy trực tiếp mà bấy lâu nay ông vẫn tích cực tham gia mỗi khi có điều kiện về nước.
Hoan nghênh và đáp lại nhiệt tình của GS Ngô Bảo Châu, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức để tạo điều kiện tốt nhất cho GS Châu và những nhà khoa học VN ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, sức lực và thời gian vào việc phát triển toán học và khoa học VN.
Kết thúc buổi tiếp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong một ngày gần đây sẽ trao trọng trách cho GS Ngô Bảo Châu và hi vọng ông sẽ đóng góp ngày một nhiều cho nền khoa học của nước nhà.
Ông Nhân cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phối hợp với các cơ quan hữu quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho GS Châu và những nhà khoa học xuất sắc khác là người VN ở nước ngoài về các vấn đề: hộ chiếu đặc biệt, nhà ở, điều kiện nghiên cứu khoa học, phương tiện đi lại...
Người trẻ nhất được phong giáo sư GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học trẻ, 38 tuổi nhưng đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu toán học đặc biệt xuất sắc, được thế giới ca ngợi. Ông là học sinh VN đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1988 (khi mới 16 tuổi) và 1989. Sau khi được Trường ĐH Paris 11 phong GS năm 2004 khi 32 tuổi, một năm sau ông được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phong đặc cách GS VN theo đề nghị của Viện Toán học, Viện Khoa học và công nghệ VN. Cho đến nay, GS Ngô Bảo Châu là người trẻ nhất được phong GS ở VN. Cũng trong năm 2004, GS đã được trao giải thưởng toán học Clay danh giá. Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của chương trình Langlands, GS Châu được trao giải thưởng Oberwolfach của Đức, giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của ông đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là một trong mười phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009. |
____________________
Giáo sư NGÔ BẢO CHÂU:
Làm tốt công việc, thành công sẽ đến
Chiều 22-7, PV đã có cuộc trò chuyện riêng với GS Ngô Bảo Châu tại Hà Nội.
* Cảm giác của ông thế nào khi được báo cáo tại phiên toàn thể của Hội nghị toán học thế giới ở Ấn Độ tới đây cũng như việc được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải thưởng Fields năm nay?
- Về nguyên tắc, việc báo cáo này không liên quan gì đến giải thưởng bởi hội đồng giải thưởng là một hội đồng khác. Nhưng cũng có nhiều tin đồn về người này được giải, người kia được giải, trong đó có tôi. Tôi cũng kỳ vọng sẽ được trao giải (cười...). Từ các hội nghị trước đến nay, đa số nhà khoa học dưới 40 tuổi được mời báo cáo toàn thể ở hội nghị đều được trao giải Fields tại hội nghị đó. Lần này chỉ có hai nhà khoa học, tôi và một người Brazil, dưới 40 tuổi được báo cáo tại phiên toàn thể.
Giải thưởng Fields được coi là giải thưởng số 1 trong ngành toán. Việc được mời báo cáo tại hội nghị cũng được coi là một phần thưởng cao quý bởi được mời báo cáo tức là trong vòng bốn năm trở lại đây, công trình của người đó là một trong số những công trình có dấu ấn nhất trong chuyên ngành. Mỗi nhà toán học đều mong muốn được mời báo cáo ở hội nghị một lần.
* Ý nghĩa những công trình của ông đối với đời sống như thế nào?
- Nghiên cứu toán học quan trọng trong một bộ phận của khoa học nói chung, còn nếu bóc tách ra một công trình thì không thể biết nó được ứng dụng cụ thể thế nào trong cuộc sống. Trong bối cảnh toán lý thuyết, công trình của tôi có ý nghĩa. Và toán lý thuyết ngày càng có nhiều ứng dụng mà người ta không biết nhưng chắc chắn là rất cần.
* Niềm đam mê nghiên cứu toán học của ông bắt đầu từ khi nào?
- Tôi bắt đầu làm khoa học thật sự khi tôi làm luận án tiến sĩ năm 1993 nhưng được cộng đồng toán học công nhận thì phải đến năm 2004, lúc tôi được trao giải thưởng Clay. Trước đó tôi chỉ được biết đến như một nhà toán học có triển vọng giải các bài toán khó chứ tiếng tăm không vượt qua được chuyên ngành hẹp.
* Hiện nay, ông tham gia các hoạt động liên quan đến khoa học tại VN như thế nào?
- Lần nào về nước tôi cũng tham gia làm việc, nghiên cứu với Viện Toán học. Hằng năm viện tổ chức trường hè cho sinh viên và tôi tham gia giảng dạy, năm nay do bận nên tôi chỉ nói chuyện một buổi. Tôi cũng tham gia chương trình cử nhân của ngành toán. Mỗi năm chương trình chọn hơn 20 em, học một năm trong nước để củng cố lại kiến thức, sau đó chuyển sang châu Âu học tiếp một năm để tuyển chọn làm luận án tiến sĩ.
Những năm qua có hơn nửa số người chúng tôi đào tạo ở chương trình này nhận được học bổng của nước ngoài để tiếp tục học tập chứ không phụ thuộc kinh phí của nhà nước. Đấy là một hoạt động rất tích cực. Ngoài ra, tôi trao đổi với nhiều bạn trẻ trong nước, ngoài nước, cho các bạn những lời khuyên, rồi tôi viết blog về toán học.
* Theo ông, điều gì quan trọng nhất đối với sự thành công trong khoa học?
- Có thể trong kinh doanh cần sự vươn đến thành công một cách mãnh liệt, nhưng trong khoa học tôi tin cái chính là mình làm tốt công việc của mình và thành công sẽ đến với một mức độ nào đó tùy khả năng của từng người.